Sau bản án với Hoàng Công Lương, Bộ Y tế: Bác sĩ 'cứu người bằng 15 lon bia' cũng có nguy cơ ngồi tù!
Ngày 20/6 Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tuyên mức án đói với bị cáo Hoàng Công Lương và 4 bị cáo khác trong vụ án tai biến chạy thận nghiêm trọng xảy ra tại Hòa Bình. Hoàng Công Lương chịu mức án 30 tháng tù (sau khi HĐXX đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ), với tội danh: Vô ý làm chết người.
Để hiểu rõ hơn quan điểm của Bộ Y tế về bản án này và những động thái tiếp theo của cơ quan quản lý y tế, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
PV: Thưa ông! Quan điểm của Bộ Y tế như thế nào về bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình dành cho bị cáo Hoàng Công Lương?
TS Nguyễn Huy Quang: Trước hết tôi khẳng định, vụ án này không chỉ liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Lương mà còn liên quan đến số phận chính trị của các bị cáo khác là Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu, Đỗ Anh Tuấn…
Kể từ khi HĐXX, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình tuyên án đến bây giờ tâm trạng của cá nhân tôi cũng như nhiều người trong và ngoài ngành y tế vẫn hoang mang, lo lắng, thất vọng, không thể nói thành lời. Và giờ thì bất an.
Tòa án tuyên Lương với tội danh "Vô ý làm chết người" đã tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong ngành y tế, vì từ đây ai cũng có thể bị điều tra, truy tố, xét xử về tội danh này.
Điều đó gây hoang mang và tạo ra tâm lý bất an cho hơn 500.000 bác sĩ, thầy thuốc, nhân viên y tế trong cả nước đang tận tâm phục vụ người bệnh.
Họ e ngại tội đặc trưng dành cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là "vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" hay "vô ý làm chết người do vi phạm các quy định chuyên môn" sẽ không được sử dụng.
Thưa ông, nói như vậy thì sau trường hợp của bị cáo Hoàng Công Lương, các bác sĩ nên ứng xử như thế nào để tránh nguy cơ vướng vào pháp lý?
TS Nguyễn Huy Quang: Với lời thề Hippocrates, lời răn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bác sĩ, nhân viên y tế chỉ tập trung lo cứu người, khám chữa bệnh chấp nhận hiểm nguy.
Tôi lấy một số ví dụ như sau: Theo quy định chuyên môn thì việc cứu chữa người bệnh bị ngộ độc Methanol phải sử dụng thuốc để chữa bệnh, nhưng trong trường hợp này lại không có thuốc để điều trị.
Nếu chờ có thuốc để điều trị thì bệnh nhân có thể đã bị tử vong nên BS Lê Văn Lâm ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã quyết định truyền 5 lít bia (15 lon bia) để giải độc cứu người bệnh.
Trong khi bia không phải là thuốc mà là thực phẩm. Với việc cứu sống bệnh nhân, BS Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Nhưng nếu giả định trong trường hợp trên, nếu bệnh nhân tử vong, thì bác sĩ đó rất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì vi phạm các quy định chuyên môn.
Hay như, trường hợp bệnh nhân được chỉ định mổ và đã được gây mê, nhưng trong quá trình mổ có phát sinh cần thêm thuốc, vật tư y tế. Nhưng chưa có văn bản bàn giao thuốc, bác sĩ làm đúng quy trình không tiếp tục mổ bệnh nhân có thể tử vong. Với lương tâm nghề nghiệp bác sĩ thực hiện ca mổ gắng sức cứu bệnh nhân.
Trong trường hợp không may, người bệnh bị tử vong thì khi điều tra rất có thể bác sĩ có nguy cơ bị xử lý trách nhiệm hình sự vì chưa có văn bản bàn giao đã tiếp tục mổ.
Một ví dụ khác, trường hợp có sản phụ đau đẻ ngoài đường, ở khe núi hay ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong trường hợp này, nếu bác sĩ không thực hiện việc đỡ đẻ ngay trên đường mà chờ đưa sản phụ đến bệnh viện theo quy định thì cả người mẹ và con có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, để an toàn cho mình, bác sĩ cứ chờ đưa sản phụ đến cơ sở y tế mới thực hiện và kết quả có thể cả mẹ và con tử vong.
Như vậy, đối với những trường hợp trên, bác sĩ với mục tiêu tối thượng là cứu người nhưng với bản án như trên thì các thầy thuốc sẽ phải lo cho mình, để thủ thân sẽ bám vào "quy trình" nhiều hơn.
Bác sĩ sẽ mất nhiều thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay cho sự xả thân có tính mạo hiểm của nghề nghiệp để chữa bệnh, cứu người. Hậu quả cuối cùng là ai? Những người bệnh sẽ chết và chết rất đúng quy định, không ai bắt bẻ vào đâu được.
Từ phán quyết của HĐXX vụ án này, ông suy nghĩ như thế nào khi Tòa tuyên án nhưng đa số ý kiến của Bộ Y tế vẫn chưa được luận giải, không được xem xét?
TS Nguyễn Huy Quang: Sáng ngày 13/6/2019, nhận lời mời của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế đã cử một số chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, tâm huyết và có trách nhiệm về hồi sức cấp cứu, pháp y, trang thiết bị y tế, hóa học, độc chất, pháp lý tham gia tố tụng tại Phiên toà.
Để làm rõ quan điểm của Bộ Y tế về phát hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan đến nguyên nhân tử vong.
Đó là: Nguyên nhân chết của 08 người bệnh là do nhiễm đa chất, trong đó có HF và con đường ô nhiễm nước dùng cho máy chạy thận là do hệ thống RO1 hỏng (có 03 van hỏng trên đường Bypass cũ) đã mở thông con đường gây ô nhiễm đa chất là, nguyên nhân gây ra tai biến nghiêm trọng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Với nhận định khoa học trên, một loạt câu hỏi đặt ra để Hội đồng xét xử đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình làm rõ, đó là:
- Vì sao các lần trước bị cáo Quốc đã bảo trì, súc rửa hệ thống RO2 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng không xảy ra hậu quả mà lần này lại xảy ra tai biến, liệu bị cáo Quốc có làm gì khác so với các lần trước không?
- Vì sao những lần trước sau khi bảo trì, súc rửa hệ thống RO2 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, bị cáo Quốc không làm xét nghiệm AAMI mà người bệnh không chết mà lần này bị cáo Quốc cũng không làm xét nghiệm AAMI nhưng người bệnh lại chết?
- Vì sao Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chỉ bảo dưỡng hệ thống RO2 trong khi cả 2 hệ thống RO1 và RO2 đều được kết nối với nhau nên không thể bảo đảm chất lượng chạy thận nhân tạo của cả hệ thống, hư hỏng của hệ thống RO1 có thể ảnh hưởng đến hệ thống RO2 và ngược lại?
- Vì sao bị cáo Quốc sử dụng hỗn hợp HF và Axit Clohydric (HCl) để lau chùi, sục rửa các cột lọc mà khi xét nghiệm lại chỉ có HF (đơn chất), không có HCL (cả HF và HCL là đa chất)? HCL (tính axit cao hơn HF) có phải cũng là nguyên nhân nữa dẫn bệnh nhân đến tử vong của 08 bệnh nhân không?
- Vì sao Vụ án chưa xét xử xong nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình lại cho phép Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình phá bỏ hệ thống lọc nước RO (cả RO1 và RO2) để lắp đặt hệ thống mới, trong khi đây là vật chứng hết sức quan trọng của Vụ án?
Qua các câu hỏi trên, cần thiết phải điều tra bổ sung thông qua các biện pháp khoa học, khách quan như:
- Thực nghiệm hiện trường pha loãng bao nhiêu lít axit HF với nồng độ bao nhiêu cho bể chứa RO dung tích 2000 lít của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để đạt được nồng độ (hàm lượng Florua cao gấp 245 - 260 lần mức cho phép).
- Thực nghiệm hiện trường pha loãng bao nhiêu lít a xit HF để có được dung dịch có pH từ 2,69 – 2,72; có phù hợp với lượng axit mà bị cáo Quốc sử dụng để súc rửa màng lọc RO hay không?
- Thực nghiệm dung dịch a xít HF có pH 2,69 – 2,72 trên máy thận nhân tạo, đánh giá khả năng phá hủy của dung dịch này với quả lọc thận ... và một số nội dung khác cần tham khảo các chuyên gia lĩnh vực y học, trang thiết bị y tế, hóa học, pháp y ... bởi các kết quả xét nghiệm còn nhiều mâu thuẫn với nhau và không phù hợp với diễn biến y khoa.
- Xác định rõ quy cách lấy mẫu, vị trí lấy mẫu như thế nào, quy trình lấy mẫu, người lấy mẫu có đúng quy định không; việc phân tích hàm lượng F- dựa trên phương pháp nào (dùng ICP phân tích các nguyên tố hay dùng phương pháp phân tích hóa học thông thường?) và được thực hiện ở phòng xét nghiệm nào?
Kết quả xét nghiệm có thể không đảm bảo khoa học vì phương pháp lấy mẫu không đúng, người lấy mẫu không được đào tạo hay phương pháp xét nghiệm không theo đúng phương pháp được khuyến cáo trong Tiêu chuẩn nước lọc thận.
Bởi vậy nếu kết quả xét nghiệm không đảm bảo tính khoa học thì có thể được sử dụng làm căn cứ để Tòa xét xử hay không?
- Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình có thực hiện giám định chất lượng toàn bộ hệ thống lọc nước RO1 và RO2 không? Tại sao không có luận giải liên quan đến hỏng hóc 3 van của hệ thống RO1? Cần thiết dựng lại hiện trường và tổ chức thực nghiệm.
- Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình giải thích ra sao về cơ chế tồn dư hóa chất HF trong hệ thống RO của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình?
- Đồng hồ đo độ dẫn của hệ thống RO2 có được kiểm định không? Cơ quan và phương pháp kiểm định? 02 màng lọc RO của hệ thống RO2 có được kiểm định không, Cơ quan và phương pháp kiểm định?
- Xem xét toàn diện việc điều tra các hư hỏng của hệ thống RO1, RO2 để tìm ra nguyên nhân đúng của sự cố y khoa Hòa Bình?
- Tổ chức giám định lại pháp y hoặc trưng cầu giám định quốc tế trong trường hợp cần thiết để làm rõ nguyên nhân thực sự gây tử vong cho người bệnh là gì?
Rất tiếc, tại phiên tòa hôm đó, Hội đồng xét xử không mời đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình đến để làm rõ những nội dung khoa học mà Bộ Y tế đề nghị ở trên, mà chỉ mời đại diện một số các nhà khoa học của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an là cơ quan được trưng cầu giám định để phục vụ điều tra.
Do đó, một số luận cứ then chốt liên quan đến nguyên nhân tử vong vẫn còn nhiều uẩn khúc, nghi vấn chưa được làm sáng tỏ về khoa học.
Đại diện một số các nhà khoa học của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã giải thích một số yếu tố khoa học có liên quan đến giám định nhưng không trả lời được các vấn đề mà Bộ Y tế đặt ra cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình.
Một số giải thích của đại diện Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an chưa thực sự làm rõ được bản chất của nguyên nhân tử vong do ô nhiễm đơn chất hay đa chất, chưa luận giải được một số nội dung về các kết quả giám định mẫu nước, dung dịch, hóa chất đã thu giữ, quy trình và thực thi quy trình lấy mẫu…
Đặc biệt, đại diện Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã khẳng định trước Tòa 03 van hỏng nhưng chưa nêu được căn cứ khoa học để xác định 03 van hỏng này. Như vậy, nội dung quan trọng nhất chưa được làm sáng tỏ là việc cơ quan giám định là Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã phát hiện ra hệ thống RO1 bị hỏng (03 van bị hỏng nằm trên con đường nối tắt Bypass thuộc hệ thống RO1).
Tuy nhiên, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình lại không hề điều tra về ảnh hưởng của 03 van bị hỏng này đối với việc vận hành của cả hệ thống xử lý nước RO của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (bao gồm RO1 và RO2).
Quá trình giám định hệ thống nước có vẽ lại toàn bộ hệ thống nước RO1 và RO2 không ngoài bản vẽ của Bùi Mạnh Quốc có chữ ký của điều tra viên đã được đăng trên báo điện tử SOHA trước khi cho phá rỡ?
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình đã không thực nghiệm hiện trường về ảnh hưởng hoặc vận hành của hệ thống khi RO1 đối với toàn bộ hệ thống khi đã có kết quả giám định 03 van hỏng.
Nhận định của các nhà khoa học về lĩnh vực hồi sức cấp cứu, pháp y, trang thiết bị y tế, hóa học, độc chất và pháp lý của Bộ Y tế như sau:
Việc hệ thống RO1 hỏng 03 van nước đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào vòng tuần hoàn nước thành phẩm cho máy chạy thận nhân tạo.
Đây là nguyên nhân khiến 08 người bệnh tử vong cũng không được làm rõ tại Toà (đây là tình tiết mới chưa có trong kết luận điều tra).
Việc chưa chứng minh được nguyên nhân tử vong, cũng như con đường dẫn đến nguyên nhân tử vong từ kiến nghị của Bộ Y tế vẫn còn là một bí ẩn, chưa có lời giải liên quan trực tiếp đến bản chất của Vụ án.
Bản án đã tuyên mà chưa được điều tra đầy đủ, khoa học, hoàn toàn chưa thuyết phục được các nhà khoa học y tế và toàn xã hội.
Vậy lý do của việc đề nghị điều tra bổ sung mà Bộ Y tế nêu ra là gì?
TS. Nguyễn Huy Quang: Vụ việc xảy ra ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến thiết bị sử dụng trong kỹ thuật thận nhân tạo, rất hy hữu, chưa có tiền lệ tại Việt Nam, cũng như trên thế giới.
Do tính chất phức tạp của Vụ án, nên việc xác định chính xác nguyên nhân tử vong, xác định rõ bản chất của Vụ án cần phải được điều tra thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan để từ đó làm cơ sở khoa học vững chắc cho công tác truy tố, xét xử và cũng để phòng ngừa rủi ro, nâng cao kiểm soát các yếu tố nguy cơ, bảo đảm an toàn cho người bệnh trong cả nước.
Thưa ông, như vậy thái độ của Bộ Y tế với bản án này là gì: sẽ có hành động tiếp theo, hay chấp nhận kết quả của vụ án trong sự bất ổn - như ông nói?
TS. Nguyễn Huy Quang: Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bản án phúc thẩm chính thức của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình nên chưa biết được nội dung luận tội chính xác đối với từng bị cáo.
Khi nhận được, chúng tôi sẽ nghiên cứu và rất có thể sẽ kháng nghị Giám đốc thẩm đối với bản án này.
Cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe và thành công!
Theo Trithuctre
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.