Ròng rã suốt mười năm qua, tại một góc nhỏ trong con hẻm ở phường Hiệp Thành, Quận 12, TP.HCM, có một lớp học vẫn âm thầm hoạt động đều đặn từ 19 giờ đến 21 giờ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Mỗi buổi tối vẫn đều đặn vang lên tiếng ê a đọc bài của lũ trẻ, tiếng giảng bài của người thầy hiền từ. Đó là lớp học tình thương Ngọc Việt do anh Huỳnh Quang Khải – một hướng dẫn viên du lịch thành lập.
Clip: Lớp học đầy ắp tình thương giữa lòng Sài Gòn
Một tấm bảng nhỏ, chục bộ bàn ghế và giá sách, trong khoảng sân chừng vài mét vuông, cứ thế mà lớp học đơn sơ đã tồn tại ròng rã suốt gần 10 năm.
Anh Khải chia sẻ, bản thân anh cũng là trẻ mồ côi nên nhìn bọn trẻ không được đi học vì gia cảnh khó khăn, anh lấy đó làm động lực để duy trì lớp học gần mười năm qua. Tất cả sách vở, vật dụng học tập của các em đều được các mạnh thường quân giúp đỡ. Vợ chồng anh thường xuyên nấu ăn, tổ chức các buổi đi chơi cho học trò. Tuy nhiên, để xây dựng nên hai lớp học như hiện nay, vợ chồng anh từng phải bán hết số vàng cưới để trang trải.
Lớp học Ngọc Việt đã hoạt động ròng rã 10 năm
Những học trò tại đây phần lớn là trẻ mồ côi, có hoàn cảnh hết sức khó khăn
Lớp hiện có khoảng 50 học sinh trong độ tuổi từ 5 - 15 tuổi, hầu hết là trẻ em nghèo, lang thang cơ nhỡ, đứa không cha không mẹ, đứa bán vé số, nhặt ve chai. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là rất ham học, lễ phép và yêu thương lẫn nhau. Dù chỉ là lớp học tình thương nhưng anh Khải luôn cố gắng làm mọi điều tốt đẹp nhất để các em không cảm thấy mình bị cô lập trong xã hội. Tất cả anh làm đều là vì tấm lòng của mình đối với học trò của mình, mà anh gọi thân thương là các con của anh.
Lớp học do anh Khải cùng vợ và cô Nho – cô giáo tiểu học về hưu thay phiên nhau đứng lớp. Ngoài hai môn Toán và Tiếng Việt, lớp học Ngọc Việt còn được dạy một môn đặc biệt gọi là "Nhân cách sống". Đó là những chia sẻ, tâm sự của anh Khải về cuộc sống, những cạm bẫy xã hội ngoài kia.
Trang thiết bị thô sơ trong lớp học
Những tủ truyện tranh luôn được các em nhỏ rất yêu thích.
Chẳng qua trường lớp hay bằng cấp nào, anh Khải vừa là người thầy vừa là người cha của bọn trẻ. Có lẽ anh Khải cũng mong rằng, không cần các em phải giàu có, chỉ cần các em có kiến thức, có đạo đức, trở thành người tử tế, giúp ích cho xã hội.