Kiều nữ 8X, đứng đầu liên minh rút ruột 50 tỷ ở Eximbank
Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An (PC46) chỉ ra hàng loạt lỗ hổng trong vụ án mất hơn 50 tỷ đồng tại Eximbank Đô Lương Chi nhánh Vinh (Nghệ An). Từ sự việc một nữ nhân viên đã nghỉ việc Nguyễn Thị Lam vẫn có thể rút thành công hơn 30 tỷ đồng...
Buông lỏng
Theo quy chế gửi tiền tiết kiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, để rút tiền gửi gốc và lãi thì người gửi phải trực tiếp đến điểm giao dịch xuất trình sổ tiết kiệm, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Chữ ký rút tiền phải đúng với chữ ký đã đăng ký ban đầu trong sổ tiết kiệm...
Hàng chục tỷ đồng của Eximbank bị chính nhân viên của mình chiếm đoạt - Ảnh: Quốc Huy |
Các giao dịch viên, kiểm soát viên, thủ quỹ 1 và 2, lãnh đạo phòng giao dịch Eximbank tại Đô Lương chưa thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và Eximbank trong việc rút tiền.
''Do áp lực chỉ tiêu kinh doanh và ưu tiên phục vụ khách VIP. Mặt khác tin tưởng Nguyễn Thị Lam nên lãnh đạo, nhân viên phòng giao dịch Eximbank Đô Lương đã không thực hiện đúng mà trái quy định trong việc rút tiền gửi tiết kiệm'' - PC46 Nghệ An chỉ rõ
Kết quả giám định chữ ký của các giao dịch viên, kiểm soát viên, thủ quỹ trên lệnh chi, ủy nhiệm chi thì phần lớn chữ ký đơn giản không đủ yếu tố để giám định kết luận. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai nhận tội và căn cứ vào đăng ký mẫu chữ ký của các giao dịch viên, kiểm soát viêm, thủ quỹ tại ngân hàng cũng như bảng chấm công trên hệ thống... đã thể hiện cố tình làm trái quy định về gửi tiền, rút tiền ra khỏi hệ thống Eximbank.
Cơ quan điều tra chỉ ra, từ 9/2013 đến 9/2016, Đặng Đình Hồng là giám đốc phòng giao dịch Eximbank Đô Lương đã chỉ đạo, chấp thuận cho các nhân viên của mình thực hiện cho khách rút tiền gửi tiết kiệm trái quy định.
Cụ thể, khách hàng không trực tiếp có mặt, không có thẻ tiết kiệm, không có chứng minh nhân dân, không có giấy ủy quyền. Kiểm tra đối chiếu chữ ký của khách hàng trên lệnh chi với chữ ký đăng ký trên hệ thống Corebank chưa chặt chẽ, gây ra hậu quả hơn 30 tỷ đồng bị rút ra khỏi hệ thống Eximbank.
Đối với Hồ Thanh Huyền là kiểm soát viên từ 2014 đến 2016, do tin tưởng Nguyễn Thị Lam, Huyền đã thực hiện giải quyết tổng cộng 11 lệnh chi và 22 ủy nhiệm chi, rút tiền ở các sổ khách hàng trái quy định là hơn 13 tỷ đồng và 20 chỉ vàng (Trước đó, từ 2011 đến 2014 là phó giám đốc của Eximbank Đô Lương)
Riêng Nguyễn Thị Hiền là kiểm soát viên khai rằng, giám đốc Hồng chỉ đạo đối với khách hàng mà Nguyễn Thị Lam cần chăm sóc khi giao dịch không cần kiểm tra CMND, sổ tiết kiệm... Từ đây, Hiền cùng các nhân viên thực hiện cho khách rút tiền gửi 33 lệnh và 2 ủy nhiệm chi với số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Ngoài ra 4 vị kể trên, còn có 11 cán bộ là kiểm soát viên, phó phòng, giao dịch viên, thủ quỹ tại Eximbank Đô Lương cùng ''giúp sức'' để kẻ phạm tội thực hiện rút ruột thành công hàng chục tỷ đồng.
Rút ruột
Nhằm rút được khoản tiền hàng chục tỷ đồng ra khỏi hệ thống Eximbank, Nguyễn Thị Lam đã nhờ mở nhiều tài khoản cá nhân để chuyển tiền vào rồi rút ra đưa cho mình tiêu xài.
Lam đã giả mạo chữ ký, lừa khách hàng VIP ký khống vào các ủy nhiệm chi chờ cơ hội rút tiền gửi của khách hàng. Tuy nhiên, phải nói rằng, nếu không có sự buông lỏng từ nhân viên đến lãnh đạo Eximbank Đô Lương thì một mình Lam có ''làm mưa làm gió'' dễ dàng như vậy?
Eximbank Đô Lương chi nhánh Vinh |
Cụ thể, Lam đã nhờ anh Nguyễn Trung H. (SN 1982) xã Nghi Phú, TP Vinh và em trai của anh H. chuyển nhiều đợt vào nhiều ngân hàng khác nhau với tổng số tiền là 26 tỷ 500 triệu đồng.
Một lượng tiền lớn H. đưa cho Lam sau khi rút ra, còn số tiền 12 tỷ đồng H. vay Lam để mua đất, làm nhà.
Trong số tiền hơn 50 tỷ đồng mà Nguyễn Thị Lam chiếm đoạt, cơ quan điều tra xác định: Số tiền chiếm đoạt Lam khai sử dụng còn quanh co, chưa rõ ràng như cơ bản bao gồm:
Lam dùng số tiền chiếm dụng để trả nợ, cho người khác vay mua tài sản, chuyển đầu tư với ông DAVID RODWELL để triển khai dự án dầu mỏ tại Malaysia. Lam đã chuyển qua các cá nhân ở trong nước gần 7 tỷ đồng.
Chỉ tính từ 3/2016 đến 7/2016, Lam đã chuyển hơn 4,1 tỷ đồng theo yêu cầu của ông DAVID RODWELL cho các chủ tài khoản (ATM) ở ngân hàng phía Nam.
Ngoài ra, lợi dụng người khác kém hiểu biết, một số người nông dân ở tỉnh Lâm Đồng đã mở 6 tài khoản ngân hàng khác nhau/1 người để bán lại mỗi thẻ 2,5 triệu đồng. Và, hàng tỷ đồng được chuyển vào, rút ra qua thẻ chủ yếu đến Malaysia...
Dự kiến, vụ án sẽ được TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử trong tháng 4 này.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.