Hãng tin AP: Đã xác định được nguyên nhân có thể gây ra cháy rừng ở Hawaii
Dây điện trần, cột gỗ "hết hạn"
Theo hãng tin AP, trong những khoảnh khắc đầu tiên của đám cháy rừng ở Maui, khi gió lớn làm đổ các cột điện, khiến dây điện rơi xuống bãi cỏ khô bên dưới, có một lý do khiến ngọn lửa bùng lên cùng lúc thành từng hàng dài: những sợi dây đó là kim loại trần, không cách điện, có thể phát ra tia lửa khi tiếp xúc.
Các đoạn video và hình ảnh được hãng thông tấn AP phân tích đã xác nhận những sợi dây này nằm trong số hàng kilomet đường dây mà Công ty Điện lực Hawaii (Hawaiian Electric) để trần trong không trung, chạy qua những tán lá dày đặc, bất chấp các nỗ lực gần đây của nhiều công ty điện lực khác nhằm bọc dây hoặc đi ngầm dưới đất ở các khu vực dễ bị cháy rừng và gặp bão.
Vấn đề phức tạp hơn là nhiều trong số 60.000 cột điện, chủ yếu bằng gỗ, được xây dựng theo “tiêu chuẩn lỗi thời của những năm 1960”, đã bị nghiêng ngả và gần hết tuổi thọ dự kiến. Chúng còn chưa đạt được tiêu chuẩn quốc gia năm 2002 quy định rằng các thành phần chính của lưới điện Hawaii có thể chịu được sức gió 105 dặm/giờ. Một hồ sơ năm 2019 cho biết Hawaiian Electric đã chậm trễ trong việc thay thế các cột điện gỗ cũ vì các ưu tiên khác và cảnh báo về “mối nguy hiểm nghiêm trọng cho cộng đồng” nếu chúng bị đổ.
Cột điện đổ trước một ngôi nhà bị cháy rụi ở Lahaina, Maui. Dây điện trần và cột điện đổ có thể là nguyên nhân gây thảm họa cháy rừng chết chóc ở đảo Maui, Hawaii. Ảnh: AFP/Getty Images
Nhà chức trách Lahaina, thị trấn gần như bị xóa sổ trong thảm họa, cho biết có khoảng từ 500 đến 1.000 người vẫn mất tích - một con số kinh hoàng đối với các quan chức đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc xác định có bao nhiêu người trong số đó đã thiệt mạng và bao nhiêu người có thể đã đến nơi an toàn nhưng chưa báo cáo.
Không ngắt điện kịp thời
Hôm 24/8, chính quyền Quận Maui đã kiện Công ty Điện lực Hawaii, cáo buộc họ đã không kịp thời ngắt điện khi xảy ra gió bão lớn, dẫn đến lửa điện gây cháy rừng. Nhiều đoạn video đã chỉ ra rằng, những đường dây điện bị rơi có thể là nguyên nhân gây ra vụ cháy rừng chết chóc ở Maui.
Michael Ahern, người đã nghỉ hưu vào tháng này với tư cách là giám đốc hệ thống điện tại Viện Bách khoa Worcester ở Massachusetts, cho biết: “Rất khó có khả năng” một sợi cáp được cách điện hoàn toàn sẽ phát ra tia lửa và gây cháy ở thảm thực vật khô.
Các chuyên gia đã xem video quay cảnh đường dây điện bị rơi đều đồng ý rằng dây được cách điện sẽ không bị phóng điện và phát ra tia lửa, gây cháy.
Về phần mình, Hawaiian Electric cho biết trong một tuyên bố rằng họ “từ lâu đã nhận ra những mối đe dọa đặc biệt” từ biến đổi khí hậu và đã chi hàng triệu USD để ứng phó, nhưng công ty không cho biết liệu các đường dây điện cụ thể bị rơi trong thời điểm đầu của đám cháy có để trần hay không.
Tuyên bố của công ty nêu: “Chúng tôi đã thực hiện chiến lược phục hồi để đáp ứng những thách thức này và kể từ năm 2018, chúng tôi đã chi khoảng 950 triệu USD để củng cố mạng lưới của mình cũng như khoảng 110 triệu USD cho các nỗ lực quản lý thảm thực vật. Công việc này bao gồm thay thế hơn 12.500 cột và công trình kể từ năm 2018, đồng thời cắt tỉa và loại bỏ cây dọc theo trung bình khoảng 4.000km đường mỗi năm".
Cột điện bằng gỗ đổ sập ở Lahaina trong thảm họa cháy rừng. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, một cựu thành viên của Ủy ban Tiện ích Công cộng Hawaii xác nhận nhiều cột điện bằng gỗ ở Maui vẫn đang trong tình trạng rất tệ. Bà Jennifer Potter sống ở Lahaina và cho đến cuối năm ngoái vẫn làm việc trong ủy ban quản lý Hawaiian Electric.
Bà nói: “Ngay cả những khách du lịch lái xe quanh đảo cũng thắc mắc ‘Cái gì vậy?’ Các cột điện đang nghiêng ngả theo thời gian bởi gió. Rõ ràng là chúng sẽ không chịu được sức gió trên 100km/giờ. Cơ sở hạ tầng không đủ mạnh để đối phó với loại bão gió này… Bản thân cơ sở hạ tầng đã bị xuống cấp”.
Theo Giám đốc điều hành Hawaiian Electric Shelee Kimura cho biết tại một cuộc họp báo, 60% cột điện ở Tây Maui vẫn bị đổ vào ngày 14/8, cụ thể là 450 trong số 750 cột điện.
Công ty điện đối mặt rắc rối pháp lý
Hawaiian Electric đang phải đối mặt với một loạt vụ kiện mới nhằm buộc họ phải chịu trách nhiệm về vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở Mỹ trong hơn một thế kỷ. Số người chết được xác nhận là 115 và dự đoán con số này sẽ còn tăng lên.
Luật sư Paul Starita, cố vấn chính của ba vụ kiện nhằm vào Hawaiian Electric, khẳng định đây là một “thảm kịch có thể ngăn ngừa được ở quy mô lớn”.
Cột điện bằng gỗ đổ sập ở Lahaina trong thảm họa cháy rừng. Ảnh: Reuters
Ông Starita, thuộc công ty Singleton Schreiber ở California, cho biết: “Tất cả đều đổ lỗi cho vấn đề tiền. Họ có thể nói, phải mất nhiều thời gian để hoàn thành quy trình cấp phép hoặc bất cứ điều gì. Ok, những hãy bắt đầu sớm hơn. Ý tôi là, mạng sống của mọi người đang bị đe dọa. Các ông phải chịu trách nhiệm".
Hawaiian Electric cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã không cắt điện giữa lúc có cảnh báo gió lớn và vẫn duy trì nguồn điện ngay cả khi hàng chục cột điện bắt đầu bị đổ. Hôm 25/8, chính quyền quận Maui đã kiện Hawaiian Electric về vấn đề này.
Nỗ lực bọc dây điện để ngăn chặn tia lửa và tản nhiệt
Các công ty điện khác đã và đang giải quyết vấn đề dây điện trần. Pacific Gas & Electric bị kết luận phải chịu trách nhiệm gây ra vụ cháy trại năm 2018 ở miền bắc California khiến 85 người thiệt mạng. Nguyên nhân tai nạn là do đường dây điện trần bị đứt.
Cho đến nay, chương trình loại bỏ dây điện không cách điện ở các vùng dễ xảy cháy đã bao phủ hơn 1.900 km đường dây.
PG&E cũng tuyên bố vào năm 2021 sẽ chôn 16.000km đường dây điện. Họ đã đi ngầm gần 300km dây vào năm 2022 và đang trên đà đạt được 560km trong năm nay.
Các đội tiện ích làm việc trên đường dây điện dọc theo đường Lahainaluna, ở Lahaina, Hawaii, vào ngày 11/8/2023. Ảnh: AP
Một công ty điện lực lớn khác của California, Southern California Edison, dự kiến sẽ thay thế hơn 11.500km dây trần, chiếm khoảng 75% đường dây phân phối trên cao, bằng dây điện có vỏ bọc ở những khu vực có nguy cơ cháy cao tới cuối năm 2025. Công ty này cũng đang hạ ngầm đường dây trong những khu vực có nguy cơ nghiêm trọng.
Chuyên gia Mark Toney, giám đốc điều hành của nhóm Mạng "Cải cách Tiện ích ở California", cho rằng cháy rừng do các cơ sở điện gây ra là hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
“Chúng ta phải ngăn chặn các vụ cháy rừng do hệ thống điện gây ra. Chúng ta phải ngăn chặn chúng và cách nhanh nhất, rẻ nhất để làm điều đó là cách nhiệt các đường điện trần trên không”, ông nói.
Joshua Rhodes, nhà khoa học nghiên cứu hệ thống năng lượng tại Đại học Texas ở Austin, cho biết lưới điện của Mỹ được thiết kế và xây dựng phù hợp với khí hậu của thế kỷ trước.
Ông nói hôm 24/8: “Mọi người đều coi Hawaii là thiên đường nhiệt đới, nhưng nó đã bị khô hạn và cháy rụi. Có vẻ tốn kém nếu bạn đang làm công tác ngăn chặn cháy rừng bùng phát hoặc tác động của cháy rừng, nhưng nó vẫn rẻ hơn nhiều so với khi cháy rừng xảy ra, thiêu rụi rất nhiều nhà cửa và khiến rất nhiều người thiệt mạng".
Nguồn: AP
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.