Dự án chặn lối xuống biển, người dân Phú Quốc căng băng rôn phản ứng
Gần 30 người dân ở xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) mấy ngày qua kéo về ấp Ông Lang để căng băng rôn, phản đối doanh nghiệp lập hàng rào chặn đường xuống biển. Tại đây có một dự án rộng 205 ha, kéo dài gần đến xã Cửa Cạn.
Chặn đường huyết mạch xuống biển Ông Lang
Ông Trương Văn Buôi, nguyên Trưởng ấp Ông Lang, cho biết nơi doanh nghiệp lập hàng rào và treo bảng "không phận sự cấm vào" là đường huyết mạch để người dân trong vùng đi xuống biển Cửa Dương và đi qua Cửa Cạn. Theo ông Buôi, nhiều hộ dân ở đây chưa được đền bù.
Người dân ấp Ông Lang căng băng rôn phản đối nhà đầu tư lập hàng rào chắn đường xuống biển. Ảnh: Việt Tường. |
"Con đường xuống biển này hình thành qua hai cuộc kháng chiến. Tôi là thương binh, từng làm trưởng ấp nên rất rõ chuyện này. Đền bù đất chưa xong mà anh rào đường của người ta là không thể chấp nhận", ông Buôi nói.
Ông Phạm Văn Tuyến (51 tuổi, ngụ khu phố 10, thị trấn Dương Đông) và bà Trịnh Thị Điền (65 tuổi) cũng cho biết họ có miếng đất rộng 0,9-1,4 ha, ở khu vực doanh nghiệp lập dự án nhưng chưa được bồi thường.
"Ngoài tôi còn có hơn 10 hộ cầm sổ đỏ nhưng đến nay chưa được bồi thường. Bây giờ, doanh nghiệp dựng hàng rào trong khi đất của tôi nằm bên trong", ông Tuyến bức xúc nói.
Còn ông Nguyễn Minh Biên, quản lý nhà hàng của Ông Lang Village nói rằng doanh nghiệp lập dự án sân golf và khu sinh thái đã làm hàng rào chắn lối vào nhà hàng anh làm việc. Không có đường vào chỗ kinh doanh, anh Biên phải mở đường phụ, còn cổng chính thì bị hàng rào với một container của doanh nghiệp chắn lại.
Đường huyết mạch xuống biển Ông Lang rất rộng, ôtô chạy xuống đến bãi tắm nhưng đã bị doanh nghiệp ngăn lại. Ảnh: Việt Tường. |
"Ba tuần trước, Sài Gòn Sovico Phú Quốc cho hàng chục người của một công ty bảo vệ đến đây ngăn cản người dân, để họ làm hàng rào chắn đường xuống biển và cổng nhà hàng. Đất của công ty tôi mở nhà hàng là mua hợp pháp của ông Lê Văn Thiêu, và người này có sổ đỏ được UBND huyện Phú Quốc cấp", anh Biên nói.
Nhà đầu tư tố người dân 'vừa ăn cướp vừa la làng'?
Trước phản ứng của dân, Giám đốc dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc của Sài Gòn Sovico Phú Quốc, là ông Trường Thi, nói rằng những người căng băng rô là "vừa ăn cướp vừa la làng". Vị này nói dự án đã được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Sovico sau đó đã tháo dỡ tấm bảng đỏ "không phận sự cấm vào", và thay bằng nội dung khác, là "du khách và người dân vui lòng đi bộ ra bãi biển".
Hiện, Sovico dựng thêm bảng "cơ sở pháp lý dự án" tại nơi người dân căng băng rôn, với nội dung doanh nghiệp được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 vào năm 2006. Đến năm 2011, tỉnh này phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, quy mô 205 ha.
Từ năm 2012-2014, Ban Quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc có 3 biên bản bàn giao đất cho Sovico. Ngoài ra, ngành chức năng ở Kiên Giang còn có 6 quyết định liên quan đến việc phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại về đất, hoa màu, vật kiến trúc và trợ cấp để giải phóng mặt bằng tại Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc.
Bãi biển Ông Lang. Ảnh: Việt Tường. |
Đến tháng 2/2015, Ban Quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc ký hợp đồng cho Sovico thuê đất. Cũng trong năm này, UBND huyện Phú Quốc có 3 quyết định phê duyệt quyết toán bồi thường kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 3 giai đoạn.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Phạm Văn Mận, nguyên Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Quốc, nói Sovico đã sai khi làm hàng rào chắn con đường huyết mạch của người dân quê ông xuống biển mỗi ngày. Theo ông Mận, chính quyền cũng sai vì chưa cấp nền tái định cư cho dân.
"Đây là đường dân sinh có từ lâu đời, và là đường xuống biển liên xã Cửa Dương đi Cửa Cạn. Dọc theo đường xuống biển còn có nhiều mồ mã của người dân địa phương. Nếu Sovico kêu người dân và du khách bỏ xe ngoài hàng rào của họ để đi xuống biển thì mất tài sản ai chịu trách nhiệm", ông Tư Mận chia sẻ.
Doanh nghiệp không được ngăn đường, cấm biển
Trước tình trạng nhà đầu tư rào đường xuống biển, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, ông Đinh Khoa Toàn, đã cho tổ kiểm tra đi thực địa hiện trường. Theo ông Toàn, UBND huyện đang chờ báo cáo của các ngành liên quan, và khi nào thống nhất hướng xử lý thì huyện sẽ cử cán bộ làm việc trực tiếp với các bên liên quan, để giải tỏa bức xúc cho người dân ấp Ông Lang.
"Chuyện ngăn đường xuống biển chúng tôi có nhiều văn bản yêu cầu doanh nghiệp không được làm như vậy, vì bãi tắm là bãi công cộng, không thể ngăn dân xuống biển được. Làm dự án thì làm nhưng phải chừa đường cho dân xuống biển", ông Toàn nhấn mạnh.
Nhà đầu tư đang đề xuất điều chỉnh 102 ha đất sân golf thành đất du lịch sinh thái. Ảnh: Việt Tường. |
Còn Đội trưởng Đội trật tự đô thị Phú Quốc Phan Bá Bắc thì nói: "Anh rào ranh giới thì tôi đồng ý nhưng khi chưa thực hiện dự án thì anh không thể rào đường xuống biển được. Nhà đầu tư phải tạo điều kiện cho dân. Khi nào anh thực hiện xong thì anh có thể rào phần diện tích dự án để bảo vệ nhưng cũng phải chừa đường cho dân xuống biển".
Theo một cán bộ có trách nhiệm của Ban quản lý Khu kinh tế huyện Phú Quốc, trong 205 ha của Sovico, nhà đầu tư đang đề xuất điều chỉnh 102 ha đất sân golf thành đất du lịch sinh thái.
Bãi biển Ông Lang ở Phú Quốc. Ảnh: Google Maps. Việt Tường(Theo Zing.vn) |
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.