Bí quyết từ ‘người mẹ vĩ đại’ 102 tuổi của NSND Đặng Thái Sơn: Thể dục, thiên nhiên, nước muối... và mỹ phẩm
1. Cuộc hẹn theo phong cách sống khỏe "một buổi tập cũng không nên nghỉ"
Có lần phát biểu trên báo chí, NSND Đặng Thái Sơn gọi mẹ mình là "người mẹ vĩ đại", bởi không chỉ tạo dựng sự nghiệp sáng chói cho bản thân, bà còn nuôi dạy được các con thành những người thành công rực rỡ trong sự nghiệp. Đặc biệt, bà là một kho kinh nghiệm quý báu về cách sống thọ - sống khỏe - sống vui.
Chúng tôi được gặp Nghệ sĩ, NGND Thái Thị Liên tại nhà riêng của bà gần Hồ Tây vào một buổi sáng tiết thu dịu nhẹ. Trùng vào khung giờ tập thể dục của bà, nên chúng tôi đã có một trải nghiệm thú vị là đi bộ cùng bà bên một bể bơi ngoài trời.
Bà nói: "Một buổi tập cũng không nên nghỉ".
Những người thoạt nhìn NGND Thái Thị Liên hẳn không thể tin rằng bà đã 102 tuổi, bởi tóc bà rất mềm, làn da mịn màng hồng hào, nụ cười rạng rỡ. Mỗi lời nói và phong thái bà đều cho thấy sự thông tuệ và rắn rỏi.
Khi phóng viên khen tóc bà đẹp quá, bà cười nói: "Mỗi tuần bà đều đi làm tóc, làm móng tay chân, bề ngoài luôn cần chỉn chu cẩn thận". Đi được một lát, chúng tôi cùng ngồi xuống bên băng ghế dài và tiếp tục trò chuyện.
Sau khi nghe chúng tôi bày tỏ mong muốn được bà chia sẻ những bí quyết sống xuyên thế kỷ, bà hào hứng: "Các cháu còn trẻ, việc đầu tiên là phải biết chăm sóc sức khỏe thật tốt. Nếu muốn sau này già mà vẫn khỏe như bà thì các cháu nên cố gắng tập thể dục đều đặn, chọn một môn thể thao để chơi.
Hồi nhỏ bà chơi thể thao nhiều lắm, tan học là đi bơi ngay, đánh tennis rất giỏi, nhảy cầu từ tấm ván gắn trên cao xuống làn nước sâu, rồi đi xe đạp… Hồi trẻ khi còn đi làm ở Sài Gòn, dù bận rộn, nhưng bà vẫn tranh thủ đi bơi vào buổi trưa. Đến giờ nghỉ trưa hoặc trước giờ làm việc buổi chiều là bà đi bơi, vận động tay chân thường xuyên, ngày nào cũng siêng năng như vậy…".
Trong suốt buổi, người con thứ 2 của bà, KTS.TS Trần Thanh Bình (nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế Trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo), luôn ở cạnh để chăm sóc, hỗ trợ mẹ, trò chuyện thêm với phóng viên.
Trong cuộc sống đầy bận rộn và bệnh tật ngày nay, những bí quyết của NGND Thái Thị Liên hẳn là điều vô cùng đáng quý với những ai vẫn đang đi tìm cách nâng cao sức khỏe ở tận nơi nào xa xôi.
Vì những biện pháp đó vô cùng đơn giản nhưng chúng ta – những người thời công nghệ số hay bỏ qua; và bà chính là bằng chứng vĩ đại cho sự đơn giản ấy. Dưới đây, qua lời KTS.TS Trần Thanh Bình, mời quý độc giả theo dõi "kho tri thức" quý báu để chăm sóc sức khỏe của "người mẹ vĩ đại" 102 tuổi.
1. Sức khỏe không đến nhờ sự di truyền
Mẹ tôi không hẳn là người sống thọ nhờ gen di truyền, vì ông bà ngoại cũng chỉ sống được hơn 70 tuổi, các anh chị em ruột của bà cũng có tuổi thọ bình thường, chỉ có một người chị gái là sống đến 90 tuổi.
Do đó, lối sống cá nhân chính là yếu tố chính ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bà.
2. Nền tảng sức khỏe tốt nhờ sự rèn luyện từ nhỏ
Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình có 7 người con. Ông ngoại là kỹ sư Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp.
Trong việc giáo dục con cái, ông ngoại tiếp thu nền giáo dục văn minh phương Tây, chủ yếu là văn minh Pháp, ông rất thích tranh của Picasso, khuyến khích các con đọc sách, chơi đàn, vẽ tranh và tạo mọi điều kiện để các con phát triển toàn diện.
Từ năm lên 4, mẹ tôi bắt đầu học piano tại trường dòng. Sau năm 1946, bà sang Pháp để du học và thi đỗ vào Nhạc viện Paris.
Từ khi còn nhỏ, các anh chị em của bà đều rất chăm chỉ chơi thể thao. Bây giờ vẫn còn rất nhiều hình ảnh kỷ niệm chụp khi mẹ còn nhỏ, có ảnh chơi tennis, chạy, bơi và nhiều những hoạt động thể dục thể thao khác.
Mẹ tôi bơi rất giỏi, bơi thường xuyên từ nhỏ đến lớn. Đây chính là thói quen tạo nền tảng thể lực tốt cho bà trong giai đoạn sau này.
3. Lập kế hoạch khoa học và thực hiện nghiêm túc với ý chí cao
Từ trẻ đến già, mẹ tôi thường xuyên có thói quen lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch đó một cách nghiêm túc. Điều này cho đến nay, con cháu vẫn chưa học theo được một phần của bà.
Việc thực hiện mọi việc hàng ngày theo kế hoạch đã được lập sẵn một cách khoa học giúp bà không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn có ích trong việc giữ gìn sức khỏe.
Chúng tôi thi thoảng nói vui, kế hoạch đặt ra rồi mà không thực hiện thì "chết" với bà (cười lớn).
Sức khỏe của mẹ tôi duy trì được lâu dài như hiện nay có sự liên quan đến ý chí của bà. Ví dụ, đã hai lần bà phải vào viện điều trị nhưng đều cố gắng vượt qua thật nhanh.
Lần đầu bà vào viện là do đầu gối thoái hóa, phải phẫu thuật thay khớp gối khi đã 90 tuổi. Nhiều người gặp tình huống nặng như vậy có thể sẽ khó vượt qua được, nhưng bà thì có kết quả khác hẳn.
Lần thứ hai bà vào bệnh viện là do bị ngã phải thay khớp háng, bác sĩ người Pháp đưa ra cho bà 2 lựa chọn: Một là không phẫu thuật, sẽ không bị đau, nhưng phải nằm yên một chỗ suốt đời. Hai là phẫu thuật, phức tạp hơn, vì đã hơn 95 tuổi phải chịu đau đớn nhưng bà sẽ có cơ hội đi lại được.
Bà vừa nghe xong đã quyết định phẫu thuật ngay. Không dám nghĩ đến cảnh phải ngồi yên không đi lại được.
Khi nằm điều trị ở bệnh viện, bà thường phiên dịch lại lời của bác sĩ cho những người bệnh nhân khác đang điều trị cùng, sợ rằng họ không hiểu hết lời bác sĩ sẽ không tập luyện chăm chỉ. Những người không chịu khó tập thời điểm đó thì mãi mãi không đi được.
Đó là ví dụ điển hình củng cố niềm tin cho mẹ tôi rằng, phải thực sự kiên trì tập luyện thì mới có thể "hồi sinh" sau những trận ốm như vậy. Và đó cũng là một sự lựa chọn đúng đắn mà bà đã trải nghiệm.
Mẹ tôi có một câu nói nổi tiếng "Không ai giúp được mình bằng chính mình", điều này giúp cho bà luôn tự thân vận động, cố gắng hết khả năng của mình trong việc luyện tập và vượt qua ốm đau bệnh tật.
Phẫu thuật xong thì bà tập đi, đều đặn hàng ngày. Những bệnh nhân điều trị cùng với bà ở thời điểm đó, ít có người nào hồi phục được tốt như vậy, có vẻ như họ ít tập hơn.
Thậm chí đến nay, cả nhà vẫn còn ngạc nhiên khi đặt mục tiêu rằng, luôn phải đặt ra cho mình một cái mốc để làm việc gì đó. Ví dụ vào thời gian tới tháng 10-11/2020, có sự kiện âm nhạc Chopin để bà theo dõi vì có sự tham gia của nhiều học trò của Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.
4. Có cơ hội thì hãy thường xuyên ra ngoài, hòa mình vào thiên nhiên
Thời trẻ thì không nói, vì bà liên tục di chuyển, đi khắp thế giới. Nhưng đến nay, ở tuổi này rồi nhưng mẹ tôi vẫn thích đi du lịch, ra với thiên nhiên bất cứ khi nào có thể.
Bà nói rằng cảm giác ra môi trường thiên nhiên thì khỏe hẳn lên. Ngắm cây ngắm hoa, mẹ tôi rất thích đi du lịch ở những nơi có phong cảnh hoang sơ, để bản thân thật sự gần gũi với thiên nhiên.
Bà yêu thích du lịch đến nỗi có thể ngồi trên xe cả ngày để đi chơi mà không bao giờ kêu mệt, kể cả chỉ ngồi ngắm nhìn xung quanh qua cửa kính xe.
Ví dụ như mới đây, khi cả nhà cùng đi chơi Ba Vì, bà hăng hái đi bộ khám phá các loại cây. Con cháu hay trêu đùa rằng, bà tuổi Ngọ nên là rất thích đi, không ai theo nổi.
Đó là những bài học rất đáng quý, mặc dù con cháu rất khó thực hiện theo những kinh nghiệm của bà.
Kinh nghiệm sống khỏe của mẹ tôi không có gì khó khăn, đều là những thứ đơn giản nhưng lại rất điều độ, kỷ luật, từ ăn uống đến tập luyện.
5. "Tự lập" là một khẩu hiệu quan trọng nhất trong suốt cuộc đời
Ví dụ như giờ tập thể dục, bà sẽ muốn tự đi hơn là có người dìu hoặc nâng đỡ mặc dù hiện nay việc đi lại đã không còn thuận lợi như trước. Khi nào tập mà thấy mỏi thì sẽ tự ngồi xuống nghỉ.
Bà đặt mục tiêu tập luyện từ ít đến nhiều, trong khả năng bản thân thực hiện được. Chẳng hạn như đi từ ghế ngồi ra đàn để tập đàn, xong từ đàn đến sofa phòng khách, rồi đi loanh quanh trong phòng, tiếp đó sẽ đi ra ban công để tập thể dục.
Buổi sáng, bà đặt cho mình một cái mốc, là giờ mà tôi sẽ đi tập xe đạp, tôi đi ở dưới sân trước khi ra đường thì nhìn lên, còn bà tập ở ban công thì nhìn xuống, vẫy tay chào nhau. Cách làm này của bà giống như là một "điều kiện" để tôi chăm chỉ tập luyện vậy. Không thể bỏ tập vì bà đã đứng chờ sẵn ở đó.
Đó là một cách "bí mật" của bà với mục đích không chỉ bản thân mình tập mà còn đặt ra mốc để con cái tập theo.
6. Bất kỳ cái gì có được đều nhờ sự luyện tập mà nên
Nhiều người khen bà mắt tinh, nhưng thực tế bà đều phải rèn luyện rất nghiêm khắc mới có đôi mắt sáng như vậy.
Hồi trẻ hơn thì bà xem thông tin sách báo, sau đó thì đọc báo mạng và trên Ipad, nhưng sau này khi có tuổi hơn thì đọc sách, báo giấy. Bà tập luyện các bài tập cho mắt rất nhiều.
Phải thường xuyên tập viết, tập đàn để không bị cứng tay.
Mỗi tuần mấy mẹ con chúng tôi kết nối với nhau bằng việc gọi facetime cho NSND Đặng Thái Sơn đang ở nước ngoài, bà thường xuyên nói về những kế hoạch tập luyện của mình để con trai yên tâm.
Bà có kế hoạch là sẽ tập viết nhiều hơn, để viết thư tay gửi cho bạn bè. Kế hoạch là phải viết lại được cho thành thạo, không muốn tay bị cứng.
Kế hoạch tiếp theo là bà sẽ tập đàn nhiều lên để chuẩn bị chào đón Noel, thời điểm mà đại gia đình sẽ tập trung lại để chia sẻ khoảnh khắc gia đình quây quần bên nhau.
Không những thế, bà còn nói thêm về một kế hoạch "táo bạo" trong thời điểm này chính là nhớ lại và ghi lại những bài dân ca, kiểu như "Ru con nam bộ", ghi lời, ghi âm để sưu tầm lại.
7. Chưa bao giờ bị viêm họng nhờ súc miệng nước muối
Mẹ tôi từ nhỏ đến lớn có một thói quen không thay đổi đó là súc miệng nước muối. Trong suốt tất cả các giai đoạn trong cuộc đời bà đều duy trì thói quen này.
Bà luôn dặn con cháu nên làm việc đơn giản này để bảo vệ cổ họng. Chúng tôi quan sát thì cũng thấy đúng như vậy, từ trước đến nay mẹ tôi chưa từng bị viêm họng, mặc dù bà có hát và đi dạy nhiều nhưng bà không bao giờ bị viêm họng.
Thói quen này thì các con cháu vẫn chưa theo được bà. Nhiều lúc nhìn thấy con cháu bị viêm họng, bà lại nhắc là tại sao không súc miệng nước muối thường xuyên.
Chuyện vui là khi nhắc nhở con cháu, bà thường kiểm tra trên bồn rửa của từng phòng tắm, xem có lọ muối tinh để sẵn ở đó hay không. Nếu không có thì bà sẽ nhắc là phải bổ sung ngay.
8. Ăn uống điều độ và khoa học
Mẹ tôi có thói quen ăn uống rất điều độ và khoa học, đúng giờ. Bà ăn nhiều rau xanh và trái cây. Ngay cả khi ở tuổi này, dù răng đã yếu, nhưng bà vẫn chọn những thực phẩm tốt, chế biến mềm và dễ ăn để bổ sung dinh dưỡng hàng ngày, cẩn thận trong từng bữa ăn.
Bữa sáng thì ăn bánh mì, trái cây, cà phê và các món ăn sáng phổ biến. Trái cây thường chọn theo mùa, ví dụ như táo, quả hồng, chuối tây.
Buổi trưa thì bà ưu tiên ăn các món nấu theo kiểu miền nam - theo khẩu vị hồi nhỏ của bà, các món bún, mì. Bà chọn các loại trái cây theo sở thích như sầu riêng, mãng cầu, na. Bữa trưa là bữa ăn chính nhất với đa dạng các món ăn.
Khoảng 4h chiều thì ăn món ăn nhẹ bổ sung, thường ăn các loại sữa chua, kèm thêm các loại trái cây xay thành sinh tố.
Buổi tối thì bà ăn khá ít. Đặc biệt là 5 năm trở lại đây thì thường ăn ít hơn vì tuổi đã cao.
Mẹ tôi ưu tiên ăn các loại món ăn có tính bổ dưỡng dành cho người già hoặc các món đồ dùng bổ sung trước khi ngủ.
Thi thoảng bà cũng ăn một số loại thực phẩm chức năng được người thân gửi từ nước ngoài về nhưng những loại này cũng ít khi sử dụng.
9. Ngâm chân nước ấm hoặc thảo dược
Thông thường, mẹ tôi ngâm chân nước ấm hoặc có thêm các loại lá, thảo dược phổ biến hàng ngày. Bà rất thích ngâm chân, thư giãn, mát xa chân. Đến bây giờ, mỗi lần bà ngâm chân là mọi người trong nhà đều ngâm theo bà cho vui. Một hoạt động quây quần và ai cũng thấy rất thích.
Đây cũng là thói quen chăm sóc sức khỏe được mẹ tôi quan tâm nhiều.
10. Luyện đàn thường xuyên để rèn luyện trí não
Hồi mẹ tôi nằm viện điều trị, bác sĩ người Pháp khám và nói rằng não của bà cũng không tránh được sự lão hóa, teo dần theo thời gian.
Nhưng bác sĩ nhận xét bà vẫn rất thông tuệ. Khi bác sĩ nói với các bệnh nhân nhưng phiên dịch chuyên nghiệp ở đó dịch không sát nghĩa thì bà đã dịch lại cho họ, làm cho họ hiểu lời nói của bác sĩ cặn kẽ hơn. Điều này đã khiến cho nhóm bác sĩ rất khâm phục và ngạc nhiên.
Vì nghiệp của bà là thường xuyên chơi đàn, bác sĩ biết thế nên đã nhận xét rằng cách tập đàn thường xuyên như vậy sẽ truyền tín hiệu từ các ngón tay, từ tay phải qua tay trái rồi truyền lên bán cầu não. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh mất trí nhớ ở người chơi đàn như bà thường rất thấp. Do yếu tố nghề nghiệp nên bà đã rèn luyện đàn thường xuyên.
Thường xuyên theo dõi thời sự, cập nhật thông tin mới.
11. Dùng thuốc rất kỹ lưỡng, hạn chế dùng mỹ phẩm
Mẹ tôi rất cẩn thận trong việc sử dụng thuốc. Bà cho rằng thuốc thì hại nhiều hơn lợi. Nên mỗi lần không may bị ốm bệnh mà phải uống thuốc thì bà đọc rất kỹ, thuốc đó là thuốc gì, có tác dụng gì, thành phần ra sao. Thậm chí còn ghi chép cẩn thận.
Bà giữ một kỷ luật về uống thuốc rất khoa học, không được quên uống, phải uống đúng theo hướng dẫn.
Khi con cháu chẳng may có bệnh phải uống thuốc thì bà sẽ nhớ và nhắc từng bữa, xem con cháu đã uống thuốc đúng giờ hay chưa.
Nhiều người gặp thường khen nước da của bà đẹp, mặc dù công việc của bà có nhiều lúc phải trang điểm, nhưng đa số bà chỉ tô son thay vì những lớp trang điểm dày.
Thực tế, dù làm nghề phải xuất hiện trước đông người, nhưng bà lại rất hạn chế dùng mỹ phẩm. Bản thân bà không thích mỹ phẩm và rất tự hào là có làn da đẹp, ít đồi mồi tàn nhang, rất mịn màng và căng bóng. Làn da của con cháu thật sự cũng không so sánh được với làn da của bà.
Cách chăm sóc da chủ yếu của bà là vệ sinh sạch sẽ và mát xa thường xuyên.
12. Sống với tất cả tình yêu thương dành cho con người và công việc
Mẹ tôi là người sống đặc biệt tình cảm, yêu thương con cháu hết lòng. Bà đi làm cũng rất có trách nhiệm và hết mình trong công việc. Chính những tình cảm này đã tạo cho bà một tâm lý rất vững vàng và niềm tin yêu mạnh mẽ vào cuộc sống.
Thời trẻ, bà phải đi đây đi đó rất nhiều, trải qua chiến tranh ác liệt, nhưng với ý chí và tình yêu mạnh mẽ, bà vượt qua tất cả những điều đó với sự can trường tuyệt vời.
Xin trân trọng cảm ơn NSND Thái Thị Liên và TS Trần Thanh Bình đã tham gia trả lời phỏng vấn.
Theo Tri Thức Trẻ
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.