Bánh kẹo tìm vị ngọt chuyển đổi
Mùa Trung thu thiệt hại nặng nề
Trung thu càng đến gần càng cho thấy rõ không khí im lìm khác biệt năm nay trên thị trường bánh kẹo. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn quyết định tạm dừng sản xuất bánh trung thu và dè dặt với kế hoạch hoạt động.
Theo chia sẻ mới nhất của ông Kao Siêu Lực, chủ chuỗi bánh ABC Bakery, năm nay, Công ty không sản xuất bánh trung thu. Lý do vì dịch bệnh phức tạp, nhiều nhân viên phải cách ly y tế và các cửa hàng đang tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, lãnh đạo ABC Barkery cũng đánh giá, trong thời điểm kinh tế khó khăn và người dân đang phải lo lắng từng bữa ăn thì bánh trung thu trở nên khá xa xỉ.
KIDO cũng cho biết không sản xuất bánh trung thu vì nếu duy trì sản xuất thì chi phí sẽ tăng rất cao, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều bị thiệt. Còn Mondelez Kinh Đô Việt Nam, Gival, Như Lan, Ái Huê, Yến sào Khánh Hòa, Đại Phát, Hữu Nghị... vẫn sản xuất bánh trung thu nhưng kế hoạch giảm đáng kể.
Dây chuyền sản xuất bán của Kingdom. Ảnh: TL. |
Thống kê 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bánh trung thu đang niêm yết trên sàn bao gồm Bibica, KIDO, Hữu Nghị, Hải Hà, Bảo Ngọc cho thấy, doanh thu trong mùa bánh trung thu chiếm trên 20% cơ cấu doanh thu cả năm. Riêng năm 2020, nhãn hàng bánh trung thu Kingdom đóng góp vào doanh thu KIDO khoảng 160 tỉ đồng và lợi nhuận khoảng 36 tỉ đồng. Vì vậy, nếu dừng sản xuất hay thu hẹp thị trường dòng bánh này, doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn.
Thực tế, như xác nhận của ông Trương Phú Chiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bibica, ở giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, hầu hết doanh nghiệp ngành bánh kẹo đã không thể đạt được tăng trưởng. Sang 6 tháng đầu năm nay, theo báo cáo tài chính, Bibica chỉ lãi 7,6 tỉ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ và mới chỉ hoàn thành được 7,6% mục tiêu cả năm nay. Về doanh thu, Công ty cũng chỉ đạt 26% mục tiêu cả năm.
Ưu tiên chuyển đổi số
Doanh nghiệp bánh kẹo nỗ lực tìm cách cầm cự qua đại dịch. Một trong những giải pháp được ưu tiên là chuyển đổi số để hoạt động được thuận lợi và phù hợp hoàn cảnh hơn. Bibica, chẳng hạn, đã ra mắt nền tảng mới là App Mobile Loyalty nhằm kết nối toàn bộ chuỗi giá trị từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến cửa hàng, khách hàng.
Dự kiến, Bibica sẽ triển khai nền tảng này đến hơn 150.000 cửa hàng tạp hóa trên cả nước và sẽ liên kết các cửa hàng lại thành một chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam. Ông Trương Phú Chiến tin rằng, giải pháp App Mobile Loyalty là bước đi phù hợp để Bibica có thể chăm sóc và hỗ trợ các cửa hàng đại lý trên toàn quốc trong lúc khó khăn này. Ngoài ra, đây cũng là mảnh ghép quan trọng để Bibica hoàn thành chuyển đổi số.
Mondelez Kinh Đô Việt Nam thì mở rộng kênh phân phối sang trực tuyến bằng cách hợp tác với các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng giao hàng... Hải Hà, Bảo Phương cũng đang đẩy mạnh bán hàng qua website và các nền tảng mạng xã hội.
Dù vậy, hiệu quả của chuyển đổi số cũng còn nhiều dấu hỏi. Nghiên cứu của Cisco chỉ ra, doanh nghiệp chưa có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, chưa có quan điểm đúng đắn về chuyển đổi số. 1/4-1/5 công ty còn thiếu kỹ năng số, nguồn lực, nền tảng công nghệ, thiếu tư duy về kỹ thuật số...
Đối với các hãng bánh kẹo, kênh thương mại điện tử vẫn chưa phổ biến, chỉ 1% so với mức 44% của kênh truyền thống và 54% của kênh hiện đại (theo báo cáo năm 2020 của Deloitte). Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng tương lai sẽ là trực tuyến, nhất là trong và sau dịch. Ở Việt Nam, báo cáo của We Are Social cho thấy có đến 61,4% người dùng quyết định thanh toán online thông qua thiết bị di động.
Một số doanh nghiệp đã nhìn thấy xu hướng và ra sức chuyển đổi. Tháng 9/2020, để nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống phân phối, Hải Châu ký kết với MobiWork Việt Nam nhằm triển khai phần mềm DMS. Đây là giải pháp quản trị hệ thống phân phối trên nền tảng điện toán đám mây, để quản lý dữ liệu khách hàng, số liệu thị trường, sản phẩm, hàng hóa, hoạt động của nhân viên trên tuyến.
Trước đó, bánh kẹo Libra, bánh kẹo Bảo Hưng... cũng đã sử dụng phần mềm này. Ông Nguyễn Thái Hiển, Giám đốc Bán hàng toàn quốc của bánh kẹo Bảo Hưng, chia sẻ, nhờ DMS mà Bảo Hưng giải quyết được 2 vấn đề: quản lý thời gian check in, check out điểm bán của nhân viên và có được số liệu về khách hàng, độ bao phủ nhãn hàng, tồn kho điểm bán, nhà phân phối. Từ đây, Bảo Hưng phân tích để đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Với đầu tư chuyển đổi công nghệ và chiến lược sản xuất dòng bánh kẹo an toàn, Bảo Hưng tìm thêm các cơ hội từ xuất khẩu. Từ xuất khẩu duy nhất sang Triều Tiên vào năm 2018, Công ty đã hiện diện tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ và phát triển thêm những thị trường mới như Mông Cổ, Thái Lan và một số thị trường ở Trung Quốc. Trong những thời điểm khó khăn do dịch bệnh, Bảo Hưng vẫn xuất khẩu bình quân trên 20 container/tháng.
Công ty Bánh kẹo Hải Châu cũng đẩy mạnh xuất khẩu, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2020 lên tới 200% so với trước, sản lượng là 500 tấn. Năm nay, Hải Châu vẫn duy trì phong độ và cho biết sẽ tiếp tục có mặt ở các thị trường khó tính như Nhật, Nga, Đài Loan và Trung Quốc... Xem xét lại hệ thống sản xuất, bán hàng, nguồn nhân lực, tạo ra sản phẩm mới, tăng năng lực cạnh tranh cùng chi phí thấp và khác biệt hóa là những gì mà Hải Châu và các hãng bánh kẹo đang làm, để tìm cơ hội từ trong những thách thức của đại dịch.
Theo Nhipcaudautu
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.