Vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng, cú đánh cược 5.400 tỷ của đại gia kín tiếng
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019 khá tham vọng với doanh thu thuần hợp nhất tăng mạnh tới 25% so với 2018, lên gần 108,5 ngàn tỷ đồng (4,7 tỷ USD); lợi nhuận sau thuế tăng 24% lên gần 3,6 ngàn tỷ đồng.
Đây là một mục tiêu khá tham vọng nhưng với những bước tăng trưởng trong 10 năm qua thì nhiều khả năng ông Nguyễn Đức Tài có thể làm được, nhất là trong bối cảnh Thế Giới Di Động tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng kinh doanh hiệu quả, đánh cược thêm nhiều ngàn tỷ đồng vào những thời điểm quan trọng và mảng Bách Hóa Xanh sắp tới thời điểm có lãi.
Trong năm 2018, Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài đã có những bước bứt phá ngoạn mục, trong đó doanh thu tăng 30% so với 2017 lên hơn 86,5 ngàn tỷ đồng (3,7 tỷ USD), đặc biệt là mảng kinh doanh online đạt mức kỷ lục gần 12,4 ngàn tỷ đồng (530 triệu USD) trong năm 2018, tăng gấp hơn 2 lần so với 2017.
Với mức doanh thu trực tuyến 12.350 tỷ đồng, Thế Giới Di Động vượt qua tất cả doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Tài. |
Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam, vượt qua các đối thủ sừng sỏ đến từ trong và ngoài nước như: Lazada (của Alibaba); Adayroi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Sendo của FPT ông Trương Gia Bình; Shopee của Singapore; Nguyễn Kim (bán cho Thái); Chợ Lớn,...
Theo báo cáo, tới cuối 2018, giá trị hàng tồn kho của MWG tăng thêm gần 5,4 ngàn tỷ đồng lên 17,4 ngàn tỷ đồng. Số lượng tồn kho tăng vọt là do công ty tích lũy hàng hóa cho mùa cao điểm Tết Nguyên đán cho gần 2.200 cửa hàng. Nhiều khả năng, cú đánh cược khá mạnh này có thể phản ánh kết quả quý 1/2019 của MWG.
Trong năm 2019, mảng bán lẻ điện thoại và điện máy vẫn là nguồn thu chủ lực của MWG. Trong đó, điện máy là động lực tăng trưởng và MWG hướng tới mục tiêu 40% thị phần ở mảng này.
Cũng trong năm 2019, MWG đặt mục tiêu mảng Bách hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp và có thể sẽ mở rộng ra thị trường miền Bắc với mục tiêu khoảng 700 cửa hàng trên phạm vi cả nước vào cuối năm nay. Đây là một mảng kinh doanh được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng cao và cạnh tranh trực tiếp với chuỗi Vinmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Trong 10 năm qua, doanh thu của MWG đã tăng khoảng hơn 40 lần, trong khi lợi nhuận tăng khoảng 60 lần. MWG đặt mục tiêu kiếm 300 tỷ/ngày trong năm 2019.
Hiện Thế Giới Di Động của đại gia gốc Nam Định vẫn tập trung vào 3 mảng gồm: điện thoại, điện máy và hàng tiêu. MWG trong năm 2018 đã chi hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm Điện máy Trần Anh - đại gia điện máy số 1 ở miền Bắc.
Mặc dù gặp thuận lợi trong mảng online, nhưng trong thời gian tới Thế Giới Di Động của ông Tài có thể còn gặp rất nhiều khó khăn khi mà các đại gia thương mại điện tử vẫn không ngừng đổ tiền để chiếm thị phần, trong khi đó những ông lớn ngoại khác đang đổ bộ.
Cuộc đua trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể còn khốc liệt hơn với sự xuất hiện của các đại gia lớn trên thế giới trong thời gian tới như Amazon của Mỹ và sự đẩy mạnh đầu tư của Alibaba thông qua Lazada,...
MWG của ông Nguyễn Đức Tài cũng gặp khó khăn về vấn đề quản trị khi mà hồi tháng 11/2018 doanh nghiệp dính tới vụ việc bị cáo buộc việc lộ thông tin của 5 triệu khách hàng. Mặc dù MWG phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng vụ việc cũng khiến cổ phiếu này giảm mạnh và khách hàng lo sợ.
Ông Nguyễn Đức Tài là một doanh nhân khá trẻ và có tham vọng lớn. Những quyết định táo bạo, những cú bứt phá ngàn tỷ và những tham vọng tỷ USD, nhóm lên nguồn cảm hứng lớn cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Tại đại hội cổ đông năm 2018, cổ đông của CTCP Thế giới Di động đã thông qua ngân sách 2,5 ngàn tỷ đồng để HĐQT, đại diện là chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, thực hiện mục tiêu thâu tóm và mở rộng chuỗi cửa hàng điện máy, đồng thời xây dựng một chuỗi cửa hàng dược phẩm.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực chốt lời khiến VN-Indefx lùi về mốc 950 điểm. Thanh khoản cũng giảm xuống đáng kể.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn 1 số tín hiệu tích cực là: khối ngoại tiếp tục mua ròng và một số mã chủ chốt tăng điểm như: Vinamilk, Sabeco, Thế Giới Di Động, GAS, Hòa Phát,...
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.
Theo BVSC, thị trường được dự báo sẽ diễn biến theo hướng tăng điểm nhẹ với các phiên tăng giảm đan xen trong tuần. Áp lực bán chốt lời có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong những phiên đầu tuần tới khi nhiều nhóm cổ phiếu đã xuất hiện các dấu hiệu bị chốt lời trong phiên cuối tuần. Thị trường sẽ vẫn diễn ra với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh đầu tuần và có thể hồi phục tăng về cuối tuần. Trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ luân phiên tăng điểm và tạo ra ảnh hưởng chi phối đến diễn biến các chỉ số.
Theo KIS, bất chấp sự rung lắc, xu hướng tăng trong ngắn hạn vẫn được duy trì. VN-Index đóng cửa trên các ngưỡng quan trọng, do đó nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/2, VN-Index giảm 1,45 điểm xuống 950,89 điểm; HNX-Index đứng ở mức 106,11 điểm. Upcom-Index giảm 0,15 điểm xuống 55,24 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 4,4 ngàn tỷ đồng.
Theo Vietnamnet
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.