Uber bán mình cho Grab: Gom hết khách, 'bao sân' tha hồ tăng giá
Lời tạm biệt của Uber
Trong thư gửi tới khách hàng, Uber cho hay, Uber sẽ hợp nhất các hoạt động của mình với Grab để đưa khách hàng bước sang một giai đoạn mới của lĩnh vực chia sẻ xe tại Việt Nam. Theo đó, hãng này sẽ chuyển đổi các dịch vụ của mình sang nền tảng công nghệ của Grab vào ngày 4/8.
Đối tác cần đăng ký lái xe với Grab để tiếp nhận các cuốc xe sau ngày này. Uber cũng trấn an đối tác rằng tất cả các cuốc xe nhận thông qua nền tảng Uber trước ngày chuyển đổi sẽ được thanh toán.
Như vậy, sau khoảng thời gian tồn tại, Uber chính thức bán cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mình tại thị trường Việt Nam. Từ trước đó, đã có nhiều thông tin đồn đoán về cuộc mua bán này, tuy nhiên phía Uber vẫn cho rằng đây là thông tin không xác thực. Thậm chí, trong một thư gửi cho các đối tác lái xe cách đây không lâu, phía Uber vẫn cho rằng không có chuyện rời bỏ thị trường Việt Nam.
Thương vụ sáp nhập đình đám |
Chính thức vào thị trường Việt Nam năm 2014, Uber đã trải qua rất nhiều sóng gió. Trở ngại lớn nhất với hãng xe công nghệ này là sự phản ứng mạnh mẽ từ phía taxi truyền thống. Đã có nhiều cuộc tranh luận, thậm chí đưa nhau ra tòa với lý do cướp đi việc làm của taxi truyền thống và là nguyên nhân gây tắc đường. Những tài xế của Uber cũng phản ứng mạnh mẽ, thậm chí đình công, vì việc phân chia lợi nhuận thấp.
Bên cạnh đó, Uber còn bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi Grab, một ứng dụng đặt xe tại khu vực Đông Nam Á. Hai hãng đặt xe này liên tiếp đưa ra các chiêu bài về giá để thu hút khách hàng cũng như các chiến lược cạnh tranh để có được các đối tác lái xe.
Sau Hà Nội và TP.HCM, Uber đã mở rộng thêm thị trường tại các tỉnh thành. Tuy nhiên, so với Grab, Uber vẫn đang có độ phủ ít hơn. Sau loại hình ô tô, Uber cũng đã triển khai xe máy và cả giao hàng. Một bước ngoặt lớn ở thị trường châu Á là Uber chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt để tăng lợi thế.
Mặc dù vậy, Uber vẫn đang lỗ tại thị trường châu Á. Đơn cử như tại Trung Quốc, Uber đã phải bán mình Didi Chuxing. Trong 2 năm, Uber tiêu tốn tới 2 tỷ USD để gây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động của công ty tại Trung Quốc.
Gom khách hàng rồi bán
Về phía người dùng, có vẻ họ thích Uber hơn Grab bởi Uber nhiều xe xịn hơn, lái xe tốt hơn và liên tục khuyến mại. Điều quan trọng nữa là giá Uber rẻ hơn. Phần lớn khách hàng sử dụng Uber là dân văn phòng và có mức tiêu dùng cao và mức độ trung thành với ứng dụng này khá cao. Chính vì vậy, khi thông tin Uber sẽ bán lại cho Grab khiến cho không ít người dùng cảm thấy thất vọng và đặt nhiều câu hỏi lo ngại.
Ông Đặng Khánh Toàn, một khách hàng tại Hà Nội cho hay, ông đã sử dụng đặt xe qua Uber gần ba năm nay và là khách hàng thường xuyên. Ông Toàn tỏ ra thiện cảm hơn với Uber, mặc dù Grab liên tục mời chào khuyến mại.
Uber gửi thư tới khách hàng |
“Nghe thông tin bán cho Grab những khách hàng Uber cảm thấy lo lắng. Nếu trước đây, hai hãng cạnh tranh nhau, khách hàng được hưởng lợi thì nay độc quyền tại một thị trường, họ có thể tăng giá hoặc có những chính sách khác ép khách hàng”, ông Toàn lo lắng.
Ông Toàn lo ngại là tất yếu bởi sân chơi đặt xe bằng ứng dụng công nghệ sẽ không còn đối thủ. Mình Grab một sân, họ có thể tự biên tự diễn. Chính cuộc cạnh tranh giữa hai hãng này trước đây đã đưa mức giá cước cạnh tranh hơn so với taxi. Về cơ bản, giá cước Uber rẻ hơn Grab, và Uber cũng hỗ trợ lái các đối tác nhiều hơn bằng các chính sách thưởng theo tuần.
Tương tự như vậy, bà Đào Ngọc Dung, khách hàng tại Hà Nội nhận định, các tài khoản Uber hiện nay sẽ thế nào nếu có sự chuyển đổi này. Trong tương lai, khi về chung một nhà, mức giá có thể giống nhau, khách hàng không còn sự lựa chọn nào khác.
Lái xe đòi quyền lợi |
Theo thông báo trên trang web, tất cả các khuyến mại hiện thời trên Uber sẽ hết hiệu lực sau khi chuyển đổi. Uber khuyến khích người dùng sử dụng các khuyến mại và ưu đãi trước ngày 8/4/2018.
Trong khi đó, các lái xe hiện đang là đối tác của Uber cũng lo lắng. Anh Nguyễn Minh Đức, một lái xe hơn 1 năm cho hay: “Mình vay tiền mua ô tô chạy Uber. Khách quen Uber rồi nếu chuyển sang Grab có thể lượng khách sẽ giảm.Các lái xe cũng cạnh tranh nhiều hơn vì lái xe nhiều”.
Bên cạnh đó, anh Đức cũng lo lắng trước việc các chính sách chiết khấu và thưởng dành cho lái xe sẽ thay đổi. Đồng nghĩa với việc, nguồn thu từ kinh doanh vận tải của anh sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Chặng đường gian nan của Uber
Tháng 10/2015, theo chân đối thủ Grab, Uber đệ trình lên Bộ Giao thông vận tải Đề án thí điểm và xây dựng khung pháp lú cho hoạt động dịch vụ kết nối vận tải tại Việt Nam.
Trong khi Grab sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vào ngày 19/10/2015, Uber đã bị Bộ Giao thông vận tải trả lại Đề án với lý do Uber phải có hiện diện pháp nhân chính thức tại Việt Nam để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đối tác kinh doanh vận tải.
Phản đối từ taxi truyền thống |
Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề nghị Uber sửa lại Đề án theo góp ý đó nhưng cho tới nay, Uber vẫn chưa hoàn thiện đề án. Đến nay, mới chỉ có Vinasun và Grab là hai công ty được phép triển khai Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam.
Các hiệp hội vận tải, taxi đã nhiều lần đệ đơn lên Chính phủ đề xuất chấm dứt hoạt động của taxi Uber tại Việt Nam.
Đầu tháng 9/2017 Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỷ đồng đối với Công ty Uber B.V (Hà Lan). Trong đó, phạt tiền về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỷ đồng, truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỷ đồng. Ngoài ra, Uber phải nộp thêm số tiền chậm nộp tính đến ngày 31/8 là hơn 4,9 tỷ đồng.
Sự việc sau đó được Uber B.V khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với lý do hãng này không phải đóng thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời chính thức, theo đó bác khiếu nại của Uber B.V Hà Lan về quyết định truy thu 66,68 tỷ đồng thuế của Cục Thuế TP HCM.
Gần đây nhất, nhiều tài xế Uber Hà Nội tập trung trước văn phòng hãng này tại Hà Nội yêu cầu đàm phán giảm mức chiết khấu. Nhiều tài xế cho biết mức chiết khấu hiện nay Uber là quá cao. Ngoài phần chiết khấu 25%, tài xế còn phải đóng thêm 4,5% thuế thu nhập cá nhân Uber thu để đóng hộ. Do đó, tài xế tập trung phản đối, yêu cầu Uber đưa chiết khấu về 15%.
Duy Anh - Nam Hải
Siêu trí tuệ: Tuyển thủ trí nhớ thế giới khiến khán giả "thót tim" khi thất bại ngay lần đầu thử thách
Loạt ảnh "lặng lẽ cau mày trong góc khuất" chứng minh cựu Hoàng phi Thái Lan vốn đã bị thất sủng từ lâu?
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.