Thảo luận về vấn đề cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm "Làm thế nào để có thương hiệu mạnh?", TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội phát biểu: "Tôi cho rằng bình đẳng trong môi trường của mình là một sự bất bình đẳng. Bởi lẽ, bắt một doanh nghiệp Việt như một võ sĩ 45kg, đấu với một doanh nghiệp Nhật hay Mỹ như võ sĩ hạng siêu nặng gọi là bình đẳng, là một sự vô duyên. Đó là một sự bất bình đẳng!".

Ông Dũng cho rằng, sự phát triển của doanh nghiệp cần phải có hành động che chắn của Nhà nước. Nhà nước thúc đẩy, che chắn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa thì doanh nghiệp nội địa mới lớn lên được. Theo ông Dũng, đó mới là nhà nước kiến tạo phát triển, chứ không phải tạo một khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng thì là Nhà nước kiến tạo phát triển, tất cả các nước Đông Bắc Á đều đi theo hướng này, như Trung Quốc là nước gần nhất và vươn lên rất mạnh mẽ. 

TS. Dũng khẳng định, không có sự che chắn của Nhà nước thì doanh nghiệp đi lên rất khó: "Nhà nước che chắn cho một vài doanh nghiệp sản xuất ô tô thì chúng ta phê phán rất nặng nề. Không có điều đó, không tạo đột phá thì đừng nói cạnh tranh bình đẳng với các nước mà ta lên được".

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Doanh nghiệp Việt như một võ sĩ 45kg, đấu với một doanh nghiệp Nhật hay Mỹ như võ sĩ hạng siêu nặng gọi là bình đẳng là một sự vô duyên - Ảnh 1.
 

"Nhà nước kiến tạo phát triển mà chúng ta cần đi theo không phải cái mà chúng ta đang hiểu. Mà phải là cái mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm để có doanh nghiệp lớn. Nếu nhà nước không che chắn, thúc đẩy thì không chắc chắn. Bởi văn hóa chúng ta là văn hóa khác. Văn hóa của Mỹ tự cường tự do vì dân họ một ngàn năm nay đã được tự do rồi! Chỉ điều chỉnh một chút là người ta biết hành xử ngay. Còn một ngàn năm trước đây ta vẫn là vua ra lệnh, với dân ta chiếu chỉ của vua vẫn là nhất. Ở Mỹ có đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa, có ngàn lẻ một cách để giúp doanh nghiệp họ lên được thì ta cũng phải làm được cái đó" - ông Dũng nói thêm.

Đề ra giải pháp, ông Dũng đề xuất, nhà nước phải suy nghĩ lại và hành xử theo đúng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển: "Chúng ta có doanh nghiệp tư nhân thì phải tạo điều kiện cho họ vươn lên cạnh tranh, đừng nói đến chuyện cạnh tranh bình đẳng theo mô hình Mỹ, theo cách phương Tây. Văn hóa của mình khác, nếu làm thế thì không vượt lên được đâu! Phải lớn lên đã rồi hẵng tính. Đó là điều mà tôi băn khoăn".

"Theo mô hình anh Mỹ, mà không có văn hóa của anh Mỹ không bao giờ lên được. Theo mô hình Nhật, Hàn, và chúng ta có văn hóa Đông Bắc Á thì có thể lên" - ông Dũng nhấn mạnh. Ông chỉ ra, chúng ta cần phải có đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa, nếu như không có đội ngũ này thì không thể có nhà nước kiến tạo phát triển.

Sau khi làm được điều đó, Việt Nam vẫn cần phải vượt qua một số thách thức. Thách thức lớn nhất là chúng ta tự do hóa thương mại, ký kết hiệp định thương mại với rất nhiều nước, nếu nhà nước không can thiệp để giúp đỡ doanh nghiệp trong nước thì doanh nghiệp sẽ rất khó phát triển. 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Doanh nghiệp Việt như một võ sĩ 45kg, đấu với một doanh nghiệp Nhật hay Mỹ như võ sĩ hạng siêu nặng gọi là bình đẳng là một sự vô duyên - Ảnh 2.
 

Cũng về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lực thương hiệu và cạnh tranh nhận định: "Vấn đề ở đây là che chắn thế nào, kiến tạo thế nào, khó ở chỗ nếu quá thì lại làm méo mó thị trường và mất hiệu quả, vì chúng ta cần hiệu quả, cần sáng tạo. Nhưng nếu không hỗ trợ thì lại không công bằng".

"Có rất nhiều cái để hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước mà không cần phải công bằng với doanh nghiệp nước ngoài. Hỗ trợ giáo dục đào tạo, hỗ trợ đào tạo nhân tài, nhân lực Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất, đặc biệt đối với tập đoàn, là dám giao việc lớn cho các tập đoàn tư nhân" - ông Thành nói.