Trượt Đại học 3 lần, 30 tuổi mới tốt nghiệp, người đàn ông này đã làm nên kỳ tích "tôm nuốt cá voi" khi mua lại và hồi sinh đế chế đồ thể thao Fila
Những năm 90s, có một loại giày rất được ưa chuộng mang tên "dad shoes". Đó là những mẫu giày thể thao có thiết kế khá cồng kềnh và đầy mạnh mẽ. Và sự yêu thích của thế hệ Millenials với "dad shoes" chính là một trong những yếu tố giúp đưa thương hiệu đồ thể thao Fila trở về từ "cõi chết".
Hơn nữa, điều này còn giúp Yoon Yoon-soo kiếm được một gia tài khổng lồ. Được biết với tên tiếng Anh là Gene, Chủ tịch hiện tại của Fila sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 830 triệu USD, chủ yếu đến từ cổ phần của ông tại Fila Korea, công ty đã mua lại thương hiệu Fila toàn cầu năm 2007. Truyền thông Hàn Quốc từng ví thương vụ này là "tôm nuốt cá voi".
Sự trở lại ấn tượng của Fila mang đậm dấu ấn của sản phẩm biểu tượng từ những năm 90s và nhắm đến khách hàng ưa chuộng sự cổ điển.
Theo nền tảng tìm kiếm thời trang toàn cầu Lyst, mẫu sneaker Disruptor 2 được giới thiệu lại năm 2017 đã trở thành một trong những mẫu giày nữ phổ biến nhất tại một thời điểm vào năm ngoái. Tính đến tháng 1 năm nay, hãng ước tính đã bán được hơn 10 triệu đôi Disruptor 2.
Disruptor 2 là một thành công lớn của Fila năm 2017.
Yoon, 73 tuổi, từ chối bình luận về những thông tin trên. Ông chia sẻ với một tờ báo Hàn Quốc năm 2017 rằng đối với ông, Fila còn nhiều hơn cả một thương hiệu thể thao đơn thuần mà là "một đứa trẻ do tôi sinh ra năm 45 tuổi".
Fila trở nên phổ biến một phần nhờ sự lăng xê của những ngôi sao nổi tiếng như người mẫu Kendall Jenner và ca sĩ Rihanna cùng giá cả phải chăng.
Nữ ca sỹ Rihanna trong trang phục của Fila.
Nhà phân tích Na Eun-chae nhận định: "Fila đã thay đổi đối tượng khách hàng mục tiêu là người ở độ tuổi 30 và 40 sang giới trẻ. Việc giảm giá sản phẩm cũng đem lại hiệu quả tốt cho thương hiệu, đặc biệt là mảng kinh doanh giày thể thao".
Cổ phiếu của Fila Korea đã tăng 400% kể từ đầu năm ngoái, nâng giá trị thị trường của hãng lên 4,3 tỷ USD. Yoon và gia đình sở hữu khoảng 20% công ty.
Fila khởi đầu ở Ý năm 1911 và được bán lại cho công ty Cerberus Capital Management năm 2003. Thời hoàng kim của thương hiệu này kết thúc vào những năm 2000, khi doanh số giảm mạnh và việc đầu tư quá mức của đội ngũ giám đốc.
Yoon là một người thành công khá muộn. Ông tốt nghiệp đại học ở độ tuổi 30 và bắt đầu làm việc tại Fila năm 1991 với tư cách là người đứng đầu mảng kinh doanh của công ty tại Hàn Quốc. Mức lương hàng năm của ông khoảng 1,5 triệu USD.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Yoon đã đặt mục tiêu lớn hơn rất nhiều. Tháng 1/2007, ông tiến hành mua lại thương hiệu Fila toàn cầu và tất cả các công ty con với giá 400 triệu USD. Năm 2010, ông đưa Fila lên sàn chứng khoán ở Hàn Quốc.
Một phần quan trọng khác trong chiến lược của Yoon là mua phần lớn cổ phần của nhà sản xuất bóng golf Acushnet Holdings Corp từ năm 2011. Acushnet niêm yết cổ phiếu tại New York năm 2016. Sau đó, Fila báo cáo doanh thu 3.000 tỷ won (tương đương 2,6 tỷ USD) năm 2018 và 61% trong số đó đến từ Acushnet.
Fila tại tuần lễ thời trang diễn ra ở Milan.
Trong một sự kiện khác, Fila cho biết doanh số bán giày và trang phục của hãng (không tính Acushnet) đã tăng 52% lên 1.200 tỷ won trong năm 2018 so với năm trước.
Về sự nghiệp, có lẽ Yoon chưa từng nghĩ ông sẽ thành công trong lĩnh vực sản xuất đồ thể thao. Mẹ của ông qua đời ngay sau khi ông sinh ra. Khi Yoon lên cấp ba, cha ông mất vì ung thư. Chính vì vậy ông muốn trở thành bác sỹ. Tuy nhiên, ông đã thất bại trong 3 lần thi vào trường y. Cuối cùng, ông theo học và tốt nghiệp ngành khoa học chính trị và ngoại giao.
Đến khi xin việc, Yoon bị hầu hết các công ty từ chối vì tuổi tác không phù hợp. Sau nhiều nỗ lực, ông cũng xin được việc ở J.C.Peyey Co., công ty mua sản phẩm của Hàn Quốc rồi bán ở Mỹ. Trong một lần tình cờ, ông đã thuyết phục Fila sản xuất giày ở Hàn Quốc thành công.
Nhờ đó, ông trở thành người thành lập và điều hành kinh doanh ở Hàn của Fila trước khi mua lại thương hiệu này. Hiện Fila đang hoạt động tại hơn 70 quốc gia trên khắp thế giới.
Yoon từng nói rằng ông muốn bia mộ của mình khắc dòng chữ "Làm việc chăm chỉ" và muốn mọi người đánh giá ông không chỉ qua khối tài sản khổng lồ tích lũy được mà qua sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông.
Theo Trithuctre
Doanh nhân Trương Công Bảo, Giám đốc điều hành Bảo Lân Textile: Nhắm đến giá trị bền vững cho cộng đồng
Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú: Xây dựng nền móng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.