Trẻ nghỉ học, phụ huynh "trốn" việc, chia ca dẫn con đi làm
Sáng 2/2, ngày đầu tiên học sinh tại TPHCM nghỉ học để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, chồng chị Minh Ngân, ở Thủ Đức, TPHCM chở theo cậu con trai 6 tuổi đi làm.
Phương án đầu tiên của họ là hai vợ chồng thay nhau đưa con đi làm, hôm nay ba, ngày mai mẹ. "Sau đó, nếu thấy tình hình không ổn, ảnh hưởng đến công việc thì chúng tôi lại thay nhau nghỉ phép để ở nhà trông con", chị Ngân cho biết.
Trước đó, các con đã nghỉ học một thời gian dài vì dịch bệnh nhưng theo chị Ngân, vào lúc này, dịch bất ngờ quay trở lại, đúng thời điểm cuối năm gia đình vẫn rất bị động, nhiều phương án không thể áp dụng được vào lúc này.
Gia đình chị đã đặt vé về quê vào ngày 27 Tết, lúc này không thể gửi con về quê và ông bà cũng không thể từ quê vào phụ trông cháu như đợt trước, công việc cuối năm lại rất nhiều... nên giờ chỉ còn cách ngày nào tính ngày đó.
Trong khi đó, chị Trần Ngọc Minh, làm việc tại một công ty truyền thông ở Phú Nhuận, TPHCM cho biết, cô giúp việc nhà chị vừa về quê ngày hôm qua. Chỗ làm nơi chị không phù hợp để đưa trẻ đến. Không có không gian, máy móc dụng cụ lại nhiều... không an toàn.
Hôm nay, chị lấy cớ hoàn thành kịch bản để "trốn" việc ở nhà để giữ hai đứa con, một lớp 2, một mầm non. Việc cần ở công ty, chị nhờ cô em đồng nghiệp xử lý giúp.
Người mẹ thở dài: "Còn những ngày tới, thật tình tôi chưa biết phải làm sao. Chồng tôi là bộ đội, công tác xa nhà. Cuối năm đủ việc nhưng hết cách thì đành phải nghỉ phép".
Cái khó chung của rất nhiều gia đình là chỉ còn tầm một tuần nữa là nghỉ Tết Nguyên đán, mọi kế hoạch đã lên sẵn. Lúc này, họ không thể nhờ ông bà nội ngoại ở quê vào phụ giúp vì việc đi lại rất khó khăn, lại chỉ vài hôm nữa là Tết.
Với nhiều gia đình, thời điểm này cũng là lúc giúp việc lên đường về quê đón Tết nên rất vất vả trong việc giữ trẻ.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Anh, làm việc ở Tân Bình lại tạm thời chọn phương án hàng ngày "đi nửa vòng" thành phố để chở con đi gửi người bác bên chồng. Nhà chị ở Thủ Đức, chị chở con gái 5 tuổi lên nhà bác ở Hóc Môn gửi rồi mới vòng đến chỗ làm. Chiều lại vòng về đón con.
"Việc gửi con đã đành, việc chăm sóc một đứa trẻ không có dễ dàng, nhất là trong tình cảnh bị động. Tôi rất lo cho sự an toàn cũng như xáo trộn ảnh hưởng đến con. Nhưng bây giờ không còn cách nào khác", chị lo lắng.
Nhiều nơi như ở chung cư, hay các gia đình thân nhau, đợt nghỉ trước thường tập hợp vài trẻ lại tại một nhà thay phiên nhau chăm sóc.
Tuy nhiên, lần này nhiều nơi không thực hiện được do cuối năm, gia đình nào cũng bận, nhiều gia đình không vướng việc thì họ đã sớm thu xếp lên đường về quê để "tránh dịch".
"Như chỗ chung cư tôi, có chị hàng xóm bán hàng online tại nhà nên khi cần, thường gửi con qua nhà chị. Nhưng đợt này, chị sợ dịch không về quê được nên vừa đổi vé từ 27 Tết sang ngày hôm nay chị về", chị Thu Nga, ở tại một chung cư ở Thủ Đức cho biết.
Theo chị, lúc này gia đình cần động viên nhau, tìm cách phù hợp nhất cũng như đề xuất với công ty để được tạo điều kiện.
Có những gia đình không thể dẫn con đi làm, cha mẹ không thể nghỉ phép hay các phương án khác, phải dùng những cách bị động như đứa lớn trông đứa nhỏ, nhốt con trong nhà, thậm chí con trẻ có thể bị bỏ rơi với ti vi, điện thoại...
Con nghỉ ở nhà, cha mẹ cuối năm bận rộn, sinh hoạt xáo trộn nhiều thứ... Lúc này, trẻ có thể đối diện với nhiều nguy cơ thiếu an toàn từ bên ngoài lẫn trên mạng xã hội, ngay cả với những học sinh phổ thông khi thiếu sự quản lý. Điều này đòi hỏi mỗi gia đình phải linh hoạt thu xếp, tìm cách tốt nhất cho trẻ.
Đầu giờ chiều ngày 1/2, UBND TPHCM ra thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn thành phố nghỉ học từ ngày 2/2 nhằm thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Hàng loạt tỉnh thành trong cả nước cũng khẩn cấp thông báo cho học sinh nghỉ học .
Hoài Nam
Dân trí
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.