Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, sau hai năm soạn thảo.
Với việc bổ sung loại hình giao dịch điện tử cho phù hợp với xu thế mới, dự thảo nêu Grab car được coi là xe hợp đồng điện tử, phải niêm yết phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ" và các thông tin trên xe theo nội dung quy định. Loại hình vận tải này không phải gắn hộp đèn trên nóc xe như một số đề xuất trước đó.
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội, bày tỏ ủng hộ đề xuất này của Bộ Giao thông vì cho rằng, "xe Grab là kết quả của công nghệ, không thể bắt nó mặc áo quần như taxi truyền thống".
Theo ông, ở một số nước như Singapore, Grab car chỉ có một biểu tượng hình con thú được gắn trên xe để trên phân biệt với taxi truyền thống, không cần thiết phải gắn mào.
"Grab là khai thác xe nhàn rỗi, bắt lái xe đục lỗ gắn mào trên nóc sẽ rất khó, và khiến nhiều người từ bỏ không tham gia vào thị trường vận tải nữa. Ngoài ra, nhiều hành khách cũng không muốn đi xe có mào vì họ thích cảm giác được đi xe riêng", ông Liên nhận định.
Grab hoạt động khác taxi truyền thống như thế nào (click vào hình để xem đầy đủ) |
Ngoài ra, ông Liên cho nếu bắt buộc xe Grab phải gắn mào sẽ làm tăng chi phí xã hội, trong khi chỉ cần có số xe là cơ quan chức năng dễ dàng biết được xe đó thuộc loại hình gì.
"Hiện xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu, như vậy là đủ để các cơ quan chức năng kiểm soát", ông Liên nói.
Với những xe Grab không gắn phù hiệu mà vẫn đón khách dọc đường, ông Liên cho rằng, đây là hiện tượng tiêu cực khó loại bỏ trong xã hội cũng như vẫn có nhiều taxi truyền thống chạy dù. Do đó, cơ quan quản lý cần tuyên truyền nâng cao ý thức của lái xe hơn là siết chặt quản lý chúng làm ảnh hưởng đến số đông.
Một chuyên gia khác cũng cho rằng, xe Grab cần được coi là xe hợp đồng vì nhiều người muốn thuê xe hợp đồng để "giống xe gia đình" hơn là phải đi xe gắn mào như taxi. Ngoài ra, nếu xe Grab gắn hộp đèn thì người dân sẽ được đón xe tràn lan trên các tuyến phố mà không sử dụng ứng dụng phần mềm, gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị.
Trái với các quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, xe Uber, Grab trước khi vào Việt Nam là "kinh tế chia sẻ", giúp giảm xe cá nhân lưu thông trên đường. Tuy nhiên, trong thực tế, xe hợp đồng điện tử ở Việt Nam cũng kinh doanh vận tải như taxi nên cần quản lý giống taxi; nếu không gắn mào thì cơ quan chức năng nên bắt buộc có màu biển riêng (ví dụ màu vàng) để phân biệt với xe cá nhân.
"Tôi cho rằng, xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ phải coi là taxi", ông Thanh nói.
Cùng quan điểm coi Grab car là taxi, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ, "với tư cách khách hàng, khi chọn xe tôi không quan tâm xe có mào hay không, điều quan trọng là dịch vụ, giá cước của phương tiện đó".
"Tôi có trao đổi với một số lái xe Grab thì họ bảo vẫn đồng thuận nếu phải gắn hộp đèn giống taxi, khi không kinh doanh thì họ lại tháo hộp đèn để trở lại xe cá nhân, việc này không phức tạp như mọi người nghĩ", ông Thủy nói.
Cả nước có 866 đơn vị vận tải với hơn 36.800 phương tiện tham gia thí điểm hợp đồng điện tử. Trong đó TP HCM có 506 doanh nghiệp, ba nhà cung cấp phần mềm, 21.600 xe. Hà Nội có 354 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm với hơn 15.000 xe.
Thời gian qua, nhiều ý kiến tranh cãi nảy sinh giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp taxi về loại hình Grab car được xếp vào loại hình xe hợp đồng hay taxi. Một số đề xuất đã được đưa ra để phân biệt loại hình này như gắn hộp đèn trên nóc, gắn biển màu vàng...