Thái Hương - nữ doanh nhân anh hùng
Và giờ đây, bà thực sự trở thành anh hùng, khi được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH. |
Phẩm chất anh hùng
Có rất nhiều danh xưng đã được dùng để nói về bà: “Người phụ nữ quyền lực nhất châu Á”, “Người đàn bà sữa”, “Đóa hướng dương kiêu hãnh”… Tất cả đều đúng. Nhưng hôm nay, có lẽ, mọi danh xưng đều trở nên nhỏ bé trước nữ doanh nhân anh hùng Thái Hương.
Bà thật sự là một anh hùng. Bởi tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X diễn ra tại Hà Nội cách đây ít hôm, nữ doanh nhân Thái Hương đã là một trong 13 điển hình được vinh danh là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ở bà có rất nhiều phẩm chất của một anh hùng. Hiếm người dũng cảm như bà, khi hơn 10 năm trước, khi khái niệm “nông nghiệp công nghệ cao” còn khá mới mẻ ở Việt Nam, thì bà đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bắt đầu bằng dự án trang trại bò sữa đầu tiên tại Nghệ An.
Lúc ấy, cuộc khủng hoảng sữa nhiễm Melamin ở Trung Quốc khiến cho cả thị trường hoang mang. Còn bà, sau một đêm suy nghĩ, đã quyết định bước vào một địa hạt hoàn toàn mới: trồng cỏ, nuôi bò, chế biến sữa, mà phải là sữa tươi sạch.
Có quá nhiều thứ không thuận. Không chỉ là ở vào thời điểm ấy, “kiến thức về ngành sữa” của bà chỉ là “con số không”, mà còn là vấn đề nguồn vốn, bởi đầu tư vào nông nghiệp cần vốn lớn và thời gian hoàn vốn dài; công nghệ chế biến sữa trong nước tại thời điểm đó chưa cao; điều kiện tự nhiên ở miền Trung không thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa ôn đới… Chưa kể, thị trường sữa cạnh tranh gay gắt và chưa thực sự minh bạch về chất lượng và ghi nhãn hiệu; người tiêu dùng chưa có kiến thức để phân biệt được “sữa tươi” và “sữa hoàn nguyên”.
Nhưng bằng sự quyết tâm và kiên trì, bà Thái Hương đã dẫn dắt TH nghiên cứu, tìm hiểu để đưa ra giải pháp, từng bước khắc phục khó khăn.
Tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, nữ doanh nhân Thái Hương đã được vinh danh là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. |
Khó về công nghệ, thì bà vượt ngàn trùng xa xôi sang Nhật, sang Israel, sang châu Âu để tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu cách làm của thế giới. Để rồi từ đó, bà đã tìm ra công thức thành công. Đó là kết hợp nguồn tài nguyên thiên nhiên Việt, trí tuệ Việt với công nghệ đầu cuối của thế giới, kết hợp khoa học quản trị ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ, trái tim Việt Nam.
Khó về vốn, bà cũng một mình xoay xở. Còn khó về điều kiện thiên nhiên, con đường bà lựa chọn là đưa công nghệ hiện đại, tự động hóa, tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 để chế ngự thiên nhiên.
Hóa giải được những thách thức đó, TH phát triển với tiến độ thần tốc. Đến mức, các đối tác Israel hợp tác triển khai dự án này với TH đã công nhận: “Trên thế giới, không có nhiều người làm được dự án sữa với tốc độ như thế”.
Lê Thăng, người hơn 10 năm trước chỉ là một nhân viên trên đồng đất Nghệ An, giờ giữ trọng trách lớn trong trang trại TH, đã tự hào kể rằng, những năm đầu tiên của dự án, khi chưa có bất kỳ nguồn thu nào, nhưng nữ doanh nhân Thái Hương đã chỉ đạo mua những cỗ máy triệu “đô”, đến chuyên gia Israel còn “từng ước mơ được lái một chiếc máy thế hệ mới như thế này”.
“Và bây giờ, thời gian đã trả lời, cỗ máy triệu ‘đô’ đó đang ngày đêm đưa bức tranh nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới, đúng như chủ trương của Đảng và Nhà nước về đi tắt đón đầu. Chúng ta đã có những anh hùng khác đi tắt đón đầu trong công nghệ thông tin, trong công nghiệp chế biến, chế tạo, thì nay có thêm vị nữ anh hùng của chúng tôi trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao”, Lê Thăng tự hào nói.
Anh hùng Thái Hương còn tiên phong đem lại sự minh bạch của thị trường sữa. Nhờ có bà, người tiêu dùng Việt mới biết thế nào là sữa tươi - sữa bột pha lại và thực sự được sử dụng những ly sữa tươi sạch. Cũng nhờ bà, tiên phong khởi xướng và triển khai bài bản, các cơ quan chức năng mới ban hành được “quy chuẩn sữa học đường”. Để từ đó, những trẻ em Việt Nam được uống sữa đủ đầy, được có cơ hội phát triển vượt bậc về chiều cao ở độ tuổi vàng. Chiều cao, tầm vóc của các em chính là sức mạnh, là tầm vóc của dân tộc Việt Nam.
Và còn rất nhiều lần “tiên phong” nữa của nữ Anh hùng Lao động Thái Hương. Đó là tiên phong đầu tư lớn ra nước ngoài, nâng cao uy tín quốc tế cho doanh nghiệp Việt. Không chỉ là dự án 2,7 tỷ USD ở Liên bang Nga, mà còn là hai dự án trị giá 88,5 triệu USD ở Australia.
Không ngừng vươn ra biển lớn, bà Thái Hương cũng đã cùng với Tập đoàn TH tiên phong khai mở con đường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc - thị trường sữa lớn thứ 2 thế giới.
Rồi tiên phong thực hiện canh tác hữu cơ (organic) tiêu chuẩn quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, sáng kiến, giải pháp trong sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả cao…
Cùng với các dự án thực phẩm, sữa, đồ uống, bà tiếp tục đầu tư sang các lĩnh vực y tế, giáo dục, với TH School, với TH Medical… Dù ở dự án nào, cũng đều nhìn thấy tư duy vượt trội, tầm nhìn dài hạn của bà. Chỉ một người anh hùng mới đủ tâm, tầm và phẩm chất để làm được những điều tuyệt vời đó cho ngành nông nghiệp và cho cả nền kinh tế Việt Nam.
Không ngừng khát vọng
Không quá khi nói rằng, bà Thái Hương và TH đã cống hiến cho Việt Nam một chiếc chìa khóa vàng mở bung những sức mạnh tiềm tàng từ đất đai, cây cỏ, đồng thời cống hiến một mô hình điển hình cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đất nước. Điều này đã và sẽ tiếp tục góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới bằng nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0, với những nông sản xanh - sạch - hữu cơ. Đây cũng chính là con đường mà cả thế giới đang hướng tới.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, càng hiểu vì sao Tổng thống Nga Putin đã trân trọng nữ doanh nhân Thái Hương đến vậy. Ông đã đích thân tiếp bà Thái Hương và 14 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga ở vùng Viễn Đông cách đây ít năm. Trong bữa tối lịch sử ở đó, Tổng thống Putin đã dành cho bà những lời trân trọng nhất, gọi bà là một doanh nhân “tầm cỡ quốc tế”. Chỉ một doanh nhân “tầm cỡ quốc tế” mới đủ sức đưa TH “đánh Đông dẹp Bắc”, không chỉ làm xoay chuyển cả thị trường sữa Việt, mà còn đưa thương hiệu Việt đi cạnh tranh sòng phẳng và công bằng trên thị trường thế giới.
Nhưng với bà Thái Hương, dường như đó mới chỉ là những bước chân đầu tiên. Dường như, còn nhiều kế hoạch lớn lao ở phía trước… Bởi chỉ trong năm nay, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, vẫn thấy nữ doanh nhân Thái Hương, thấy Tập đoàn TH đi tới những vùng đất mới, khai mở các dự án mới. Nào là ở Cao Bằng, nào ở Kon Tum, rồi Sơn La… Và có lẽ, vẫn còn nhiều vùng đất khác đang chờ Anh hùng Lao động Thái Hương đến khai mở.
Mỗi dự án lại có những điều thú vị, lại thấy tinh thần tiên phong của bà Thái Hương. Như ở Dự án Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ (Sơn La) cũng thế. Tại đây, cụm từ “cùng người nông dân làm kinh tế dưới tán rừng” liên tục được nhắc đến.
Hỏi thì bà Thái Hương chỉ mỉm cười. Nhưng có lẽ, bà hài lòng vì sau khi “kéo” người nông dân đi cùng ở các dự án bò sữa ở Lâm Đồng, ở Thanh Hóa; dự án dược liệu ở Nghệ An.., thì giờ đây, lại tiếp tục là đầu tàu “kéo” nông dân đi cùng trong chuỗi sản xuất khép kín ở Vân Hồ.
Đi cùng nhau trong chuỗi sản xuất khép kín, để phát triển Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ, người nông dân làm ra sản phẩm chẳng lo không ai tiêu thụ, cũng chẳng lo bị ép cấp, ép giá như cách làm chụp giật của tư thương bấy lâu, bởi TH bao tiêu sản phẩm. TH sẽ gắn kết khăng khít với người nông dân thông qua một “mối nối” đặc biệt, đó là các HTX kiểu mới, dẫn dắt các kế hoạch trồng nguyên liệu, sản xuất, hướng dẫn các quy chuẩn kỹ thuật, cũng như tiêu chuẩn sản phẩm…
“Giờ đây, chúng tôi tiếp tục làm kinh tế dưới tán rừng, trồng thảo dược và phát triển những sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe. Với tư duy sản phẩm phải theo chuẩn mực quốc tế và đi theo chuỗi giá trị khép kín, người nông dân sẽ được tham gia trong chuỗi mắt xích để họ có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương”, nữ doanh nhân Thái Hương nói.
Khi phát biểu tại cuộc diện kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngay trước thềm Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, bà cũng đã nói: “Với tôi, sống phải có ước mơ và khát vọng, điều đó tạo sức mạnh tinh thần to lớn cho một doanh nghiệp, một quốc gia. Nếu không có lý tưởng, khát vọng sống, thì chúng ta sẽ như đi trong bóng đêm”.
Bằng khát vọng đó lớn lao đó, bà đã góp phần quan trọng làm nên một TH, một ngành nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam như ngày hôm nay. Và cũng bằng khát vọng đó, sẽ còn nhiều kỳ diệu hơn nữa ở phía trước.
“Thiên nhiên đã ban tặng đất nước mình 4 mùa hoa trái xanh tươi, đủ điều kiện để trở thành bếp ăn tử tế cho thế giới, nhưng trước tiên, ta phải làm một bếp ăn tử tế cho người Việt đã. Tôi sẽ làm được điều đó”, bà Thái Hương nói.
Với tôi, nữ Anh hùng Lao động Thái Hương chắc chắn sẽ làm được điều đó.
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.