Talkshow "Nhận diện chuỗi cung ứng mới - Cơ hội nào cho doanh nghiệp TP.HCM?" (Bài 1) -Ngọc Dương
Như vậy, sắp tới chuỗi cung ứng của ngành nào sẽ thay đổi nhanh nhất? Với thế mạnh riêng, TP.HCM và doanh nghiệp cần làm gì để đón nhận làn sóng đầu tư này hiệu quả nhất?
Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với Câu lạc bộ Các nhà Kinh tế tổ chức Talkshow "Nhận diện chuỗi cung ứng mới - Cơ hội nào cho doanh nghiệp TP.HCM?" vào ngày 22/5/2020 để giải đáp những vấn đề trên.
Chương trình có sự tham gia của các diễn giả: ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán WTO, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và ông Trần Chí Dũng - Phó viện trưởng Viện Quản trị Logistics Toàn cầu.
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm |
Lợi thế của ngành nào?
Hiện tại, các số liệu cho thấy có đến 30% công ty Mỹ tại Trung Quốc muốn hủy bỏ hoặc tạm dừng đầu tư tại Trung Quốc. Trong khi đó, có đến 40% doanh nghiệp Mỹ xác định sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á và Mexico được xem xét là các điểm đến mới cho sự thay đổi này.
Ông Lương Văn Tự cho rằng, so với thời điểm gia nhập WTO năm 2006 và Cộng đồng Kinh tế ASEAN cách đây 3 năm, thế và lực của Việt Nam hiện nay đã khác hẳn. Chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh hơn, vươn lên tầm cỡ thế giới.
Lĩnh vực được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng chuyển dịch mới này là hàng tiêu dùng. Việt Nam đang có điều kiện phát triển rất tốt lĩnh vực này. Các ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam như may mặc, giày dép, lương thực thực phẩm... luôn xuất khẩu trong top đầu thế giới.
Theo ông Chu Tiến Dũng, rõ ràng tiềm lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện giờ đã thay đổi rất nhiều. Chắc chắn dòng chảy của ngành công nghiệp hỗ trợ mới là cơ hội cho Việt Nam. "Bên cạnh đó, tôi cho rằng ngành nông nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chế biến", ông Dũng nhận xét.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Chí Dũng - Phó viện trưởng Viện Quản trị Logistics Toàn cầu cho rằng, trong bối cảnh mới, ngành này phải được phát triển khác với hiện nay. Ngành nông nghiệp phải được số hóa trong sản xuất và ứng dụng thương mại điện tử, sử dụng các kỹ thuật quản lý trong chuỗi cung ứng, hệ thống hạ tầng tốt thì sản phẩm mới đến đúng thị trường.
Cùng với công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp, ông Trần Chí Dũng đánh giá ngành y tế của Việt Nam cũng được thế giới chú ý nhiều hơn bởi kết quả chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của ngành này đang rất lộn xộn và chưa có chuẩn mực nào cả.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
Để tham gia vào mạng lưới toàn cầu mới, ông Lương Văn Tự cho rằng điều đầu tiên doanh nghiệp phải có là chiến lược thay đổi, điều này không ai làm thay doanh nghiệp được. "Quan trọng là chuẩn bị chiến lược đầu tư trong ít nhất 10 năm tới", ông nói. Ngoài ra, phải gắn sản phẩm với thị trường, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất như trước đây, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Trong thời gian tới, TP.HCM với vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước sẽ càng được phát huy hơn nữa. Doanh nghiệp tại TP.HCM cũng cần phải nghiên cứu sự thay đổi của chính sách nhà nước để thích ứng kịp thời.
Theo ông Tự, sự hiểu biết của doanh nghiệp về các cam kết quốc tế và điều kiện thương mại tự do mới còn hạn chế. Trong một cuộc thăm dò ý kiến trước đại dịch, có 20% doanh nghiệp không biết, 60% không hiểu về điều này.
Ngoài ra, ông Tự cho rằng điểm yếu của Việt Nam là nguồn nguyên liệu. Chẳng hạn, nếu muốn hưởng thuế xuất khẩu 0% sang thị trường EU thì giá trị gia tăng của sản phẩm phải chiếm 40%. Vì vậy, doanh nghiệp cần đầu tư vào phần nguyên liệu nhiều hơn.
Để tận dụng cơ hội mới, theo ông Chu Tiến Dũng, doanh nghiệp cần nâng cao nội lực của mình để có thể hòa nhập và hợp tác bình đẳng. Thứ hai là vấn đề nguồn nhân lực. Chúng ta đang có nguồn nhân lực dồi dào nhưng cần nâng cao chất lượng để có thể hấp thụ công nghệ. "Doanh nghiệp phải có kế hoạch chuẩn bị, không chỉ là công nhân mà còn là đội ngũ quản lý", ông Dũng lưu ý.
Tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp đang triển khai nhiều hoạt động quan trọng để hỗ trợ hội viên. Đáng chú ý là chương trình chuyển đổi số từ nay đến năm 2025. Hiệp hội đang xây dựng một hạ tầng dùng chung cho doanh nghiệp về mặt chuyển đổi số ở tất cả lĩnh vực, như mô hình quản trị, phương thức kinh doanh, sản xuất...
Việt Nam đang tham gia hầu hết hiệp định thương mại tự do ở các khu vực kinh tế sôi động nhất thế giới. Theo đó, Hiệp hội còn thường tổ chức các chương trình chia sẻ, có sự tham gia của những người có kinh nghiệm, để giúp doanh nghiệp biết cách chuẩn bị và tìm cơ hội hợp tác hiệu quả.
Để tăng sức hút đầu tư
Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng mới, nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ với các nước Đông Nam Á. Các diễn giả cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện một số chính sách cụ thể để tăng sức hút đầu tư.
Đầu tiên là vấn đề cấp phép đầu tư. Ông Tự cho biết, nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến thủ tục hành chính có nhanh và minh bạch hay không. Chẳng hạn để xin một giấy phép mà mất đến hai năm thì khiến họ tốn rất nhiều chi phí. Tại Singapore, giấy phép doanh nghiệp chỉ mất một ngày còn giấy phép xây dựng chỉ mất một tuần là có. "Đồng thời, chúng ta cũng không nên quan tâm nhiều đến chuyện ưu đãi thuế đất mà cần tính toán chuyện tạo ra đủ diện tích đất sạch cho họ", ông Tự nói thêm.
Vấn đề đất sạch cũng là băn khoăn của nhà đầu tư nước ngoài được ông Trần Chí Dũng suy nghĩ. Ông Dũng kể, Có một số tập đoàn nói sẽ sang Việt Nam lấp đầy 300ha trong vòng 5 tháng. Nhưng trong vòng một tháng trời, chúng ta không thể nào trả lời được họ. "Do đó tôi nghĩ những người làm chính sách, sản xuất kinh doanh, thiết kế dự án, quy hoạch... phải ngồi lại với nhau mới giải quyết được vấn đề này", ông kiến nghị.
Một điểm yếu khác mà Việt Nam cần hoàn thiện để thu hút đầu tư là vấn đề hạ tầng. Ông Trần Chí Dũng nhận xét, hạ tầng logistics là đường dẫn sản phẩm ra thị trường nhưng chúng ta đang có chính sách chưa rõ ràng. Còn về hạ tầng thông tin thì hầu như chúng ta chưa có.
Ngoài ra, các diễn giả đều đồng tình cần đẩy mạnh thêm hoạt động giao dịch thương mại điện tử, để vừa rút ngắn được thời gian vừa tiết kiệm chi phí. Điều này cần có hạ tầng logistics và hạ tầng an ninh mạng ổn định, rất cần sự nỗ lực của Chính phủ.
Xem tiếp Talkshow "Nhận diện chuỗi cung ứng mới - Cơ hội nào cho doanh nghiệp TP.HCM?" (Bài 2).DOANHNHANSAIGON
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.