Sự kiện - vấn đề văn hóa nổi bật năm 2019: Nhiều vụ việc gây chấn động -Minh Thi
2019 là năm có nhiều sự kiện và vấn đề văn hóa gây chấn động trên mạng xã hội và rất đáng suy ngẫm. Có những tin vui cùng những tin buồn, khiến bức tranh toàn cảnh văn hóa đan xen nhiều mảng sáng tối. Sau đây là những sự kiện được phóng viên Dân Việt đánh giá nổi bật trong năm qua.
1. Văn hóa truyền thống - hát Then được UNESCO “vinh danh”. Ngày 12/12, "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 13 di sản văn hoá phi vật thể được Tổ chức UNESCO ghi danh như: Không gian văn hóa cồng chiêng, Ca trù, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca Quan họ, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. ...
2. Báo động xâm hại không gian di sản và thắng cảnh được công nhận là di tích quốc gia. Điển hình là các vụ sai phạm tại Hà Giang với “gai bê tông” trên đỉnh Mã Pí Lèng - trong việc xây dựng tòa nhà Panorama, tiếp đến là vụ khoét núi xây khu du lịch tâm linh gần Cột cờ Lũng Cú, vụ bê tông hóa khu trung tâm Đà Lạt ở khu vực quanh rạp Hòa Bình, sai phạm ở vùng lõi di sản Tràng An, vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, xâm hại di tích lầu Bảo Đại ở Nha Trang…
Mã Pí Lèng cùng "cái gai bê tông" gây tranh cãi và phẫn nộ trong cộng đồng mạng thời gian qua.
Nếu không lên tiếng phản đối và tiếp tục đưa vào danh mục bảo tồn gấp, rất có thể, chỉ sau vài năm, các vùng di sản văn hóa, kiến trúc, thiên nhiên sẽ biến mất hoặc bị làm cho biến dạng.
3. Báu vật quốc gia bị phá hoại: Chỉ sau một đêm, kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của bậc thầy Nguyễn Gia Trí bị biến thành “tranh nhái” chỉ vì sự thiếu hiểu biết khi làm sạch bức tranh. Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên ông Lưu Minh P. đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 để vệ sinh. Điều này đã khiến bề mặt bức tranh bị can thiệp quá mức dẫn đến hư hại lớn với bảo vật quốc gia.
Do bị tác động làm mất đi lớp sơn bề mặt nên liên kết giữa các mảng son, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn sự uyển nhã, huyền ảo của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí. Cho đến nay sự việc này vẫn chìm vào im lặng, chưa bị xử lý tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Tranh Báu vật quốc gia bị biến thành... tranh nhái chỉ sau 1 đêm.
4. Xử lý nghiêm các sai phạm để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trong một số sản phẩm. Sau "Điệp vụ biển Đỏ", đến lượt bộ phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" (Abominale), do Mỹ và Trung Quốc hợp tác sản xuất năm 2019 bị rút khỏi rạp do dính đến "đường lưỡi bò" phi pháp. Bộ VHTTDL đã phạt Công ty phát hành 170 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Bộ đã kỷ luật hàng loạt cán bộ Cục Điện ảnh; kiện toàn nhân sự và nâng cao năng lực của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim.
Bên cạnh đó, hàng loạt ấn phẩm quảng cáo, tờ rơi, sách, ảnh hướng dẫn du lịch, ứng dụng định vị dẫn đường trên ô tô nhập khẩu xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp… cũng bị tiêu hủy, xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
"Đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện trong phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" đã khiến bộ phim bị rút khỏi các cụm rạp và bị tiêu hủy.
5. Tranh cãi về việc đặt tên đường AlexandreDe Rhodes: Nhiều tranh cãi gay gắt đã xảy ra khi một nhóm trí thức gửi kiến nghị tới TP Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina - 2 vị giáo sĩ được cho là có công lớn trong việc phát triển chữ Quốc ngữ tại Việt Nam. Từ những ý kiến đa chiều của các chuyên gia về văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ, cuộc tranh luận đã lan rộng và thu hút sự chú ý của dư luận, góp phần thay đổi nhận thức về việc đánh giá các danh nhân lịch sử cũng như thay đổi mặt hạn chế trong tầm nhìn của không ít nhà nghiên cứu, học giả, giáo sư đại học.
6. Phim ảnh và âm nhạc có nhiều dấu ấn. Về mặt phim ảnh, nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình thu hút sự chú ý của công chúng. “Cơn sốt” phim truyền hình đề tài gia đình với loạt phim phủ sóng màn ảnh nhỏ năm qua như: "Về nhà đi con", "Tiếng sét trong mưa", "Hoa hồng trên ngực trái", "Bán chồng"… Ở lĩnh vực điện ảnh, có các phim: Hai Phượng”, “Mắt biếc” gây chú ý cho dư luận.
Bên cạnh đó, hai lễ hội âm nhạc lớn được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM ghi được điểm cộng là “Monsoon Music Festival” tại Hà Nội và “Hò dô” tại TP.HCM.
Phim "Mắt biếc" thu hút sự quan tâm của khán giả.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.