Sông Sài Gòn bị phá vỡ cảnh quan: Do lấn chiếm, cản trở dòng chảy -Minh Thi
Trong lời đề dẫn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, hệ thống sông ngòi có vai trò quan trọng trong sự phát triển của TP. Tuy nhiên, TP đang đối mặt với nhiều thách thức, như quá trình đô thị hoá gây nên tình trạng sạt lở, sụt lún; hệ thống quản lý chưa đồng bộ khiến các bờ sông đang bị lấn chiếm, xây dựng nhiều dự án cao tầng…
Do đó, việc đặt ra các giải pháp ứng phó và phát huy tiềm năng của phần không gian dọc các sông, rạch… làm đô thị đẹp hơn, tận dụng tiềm năng này góp phần phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực bất động sản.
Hai bên bờ sông bị “tư hữu hoá”
Theo nhóm của ThS.KTS. Phạm Văn Phước, Phó Giám đốc Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM, Nhà nước chưa thể thực hiện việc thu hồi và xây dựng bờ kè cũng như giao thông dọc sông đồng loạt, đồng thời việc quản lý xây dựng không chặt chẽ, do vậy không gian hai bờ bên bờ sông Sài Gòn bị tư hữu hóa, tầm nhìn ra sông Sài Gòn bị hạn chế. Bờ sông thiếu không gian công công phục vụ lợi ích cho cộng đồng… Vẫn còn nhiều đoạn cảnh quan bị phá vỡ do tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, cản trở dòng chảy, môi trường cũng bị ảnh hưởng.
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn bờ sông Sài Gòn khá phổ biến. Quận 2, Thủ Đức, quận 12 là nơi được cho có nhiều dự án lấn bờ sông nhiều nhất. Tình trạng sạt lở bờ sông một số nơi vẫn xảy ra, thấy rõ nhất là khu vực bán đảo Thanh Đa. Mặc dù một số dự án đê bao sông Sài Gòn đã được nhà nước tiến hành xây dựng, nhưng nhiều khu vực vẫn còn tình trạng ngập lụt khi có triều cường. Tiềm năng phát triển của sông Sài Gòn là rất lớn, tuy nhiên hiện nay chỉ mới đưa ra tiêu chí nhằm bảo vệ mà chưa có hướng khai thác phát triển, tận dụng tối đa lợi thế của hai bên bờ sông.
Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, song song với việc chỉnh trang sông Sài Gòn thì việc chỉnh trang hai bên bờ kênh rạch TP.HCM là hết sức cần thiết. Thành phố hiện có 39 tuyến kênh, rạch, chỉ có kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được chỉnh trang, nhưng bên cạnh thành công về môi trường, cũng đã để lại những hạn chế nhất định.
Hiện trạng nhà ở dọc kênh rạch đã phủ đầy hai bên, thậm chí còn vướng ra kênh rạch và được xây dựng trên cọc gỗ, vệ sinh xả trực tiếp xuống kênh rạch. Cũng nguồn nước đó nhiều nơi sử dụng lại để giặt giũ, ăn uống… nhưng tác hại nhất là môi trường sống không an toàn.
Hai bên bờ kênh rạch bị lấn chiếm và gây ô nhiễm.
Sông Sài Gòn khác các dòng sông khác, ngoài ngọn chân ra, còn các nhánh sông khác xuất phát từ khu dân cư, vùng đất thấp, nên có tình trạng bèo, lục bình phát triển trên nguồn, có thời gian che lấp cả dòng sông. Hiện nay cạnh hai bên kênh rạch cũng đã có tuyến đường chạy dọc theo kênh rạch, có lối tiếp cận rạch. Nhà chống cọc tiếp tục phát triển làm hẹp dòng kênh, chặn dòng chảy, gây ô nhiễm, rác ngày càng nhiều. Có nơi có khoảng cách từ đường đến bờ kênh xa cả trăm mét, chính những nơi đó nảy sinh ra nhà ổ chuột sống trên kênh rạch.
Những tác hại trước mắt do tình trạng nhà ở kênh rạch, cọc gỗ sàn nhà ngăn cản dòng chảy, lắng bùn, không nạo vét được; sông bị ô nhiễm, che chắn gió vào thành phố, gây ô nhiễm dòng nước, mùi hôi đến cả cộng đồng dân cư hai lưu vực kênh rạch. Qua thực trạng và nhu cầu phát triển, nên cải tạo môi trường sống, môi trường kênh rạch, cải tạo môi trường không gian đô thị, xóa dần hình ảnh khu nhà ổ chuột.
Không để các tòa nhà cao tầng lấn át bờ sông
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ, sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân TP, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch.
Bản đồ quy hoạch sông rạch tại TP được trưng bày tại hội thảo.
Để khai thác tiềm năng kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, cần có quy hoạch tổng thể quỹ đất khu vực này, bao gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP do chưa có quy hoạch tổng thể, các dòng sông chưa được đặt làm trọng tâm cho quy hoạch. Thiếu đồng bộ quản lý, gây nên tình trạng lấn chiếm vào mục đích cá nhân, như làm bến tàu thuyền, nhà hàng, quán xá… mà chưa có giải pháp xử lý. Việc quản lý các dự án xây dựng dọc các bờ sông, cần khung pháp lý phù hợp để triển khai việc tận dụng nguồn tài nguyên dọc các bờ sông cho sự phát triển của TP bằng các dự án mang lại hiệu quả kinh tế.
Cảnh đua thuyền trong dịp lễ hội.
Theo UBND TP.HCM, khối lượng công tác chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch còn lại rất lớn, phải di dời và tái định cư hơn 20.000 căn. Trong đó, có Dự án Kênh Tẻ - Nam Kênh Đôi trên địa bàn các quận 4, 7, 8 phải di dời và tái định cư hơn 5.050 căn hộ. Dự án Rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh có hơn 2.100 căn hộ. Dự án Rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh 827 căn hộ. Dự án Rạch Bần Đôn, quận 7. Dự án Kênh Tham Lương - Bến Cát thuộc các quận 12, Tân Bình, Gò Vấp... |
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.