"Siêu tàu" Trung Quốc vét sạch cá thế giới
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính 90% ngư trường trên thế giới đang bị đánh bắt quá mức và Trung Quốc là "thủ phạm" chính.
Chính phủ trợ cấp
Cuộc đời của ông Lin Jianchang ở Trung Quốc đã gắn liền với nghề đánh cá kể từ khi mới sinh ra. Thế nhưng, công việc này đang ngày càng trở nên khó khăn một cách đáng ngại.
Thuyền trưởng 54 tuổi này bộc bạch: "Khi mới vào nghề, chúng tôi có thể chất đầy cá trên thuyền chỉ trong vòng 1 giờ. Chúng tôi không thể di chuyển bởi cá ở khắp mọi nơi. Giờ thì cá ngày càng thưa thớt hơn và hiếm khi bắt được con to".
Lời kể của vị thuyền trưởng họ Lin phần nào phản ánh tình trạng chung của nghề cá trên khắp thế giới đang rơi vào khủng hoảng. FAO ước tính 90% ngư trường đang bị đánh bắt quá mức và Trung Quốc là tác nhân chính gây ra tình trạng này.
Trải qua thời gian dài phát triển, Trung Quốc nay sở hữu đội tàu đánh bắt sâu dưới đáy biển lớn nhất thế giới, khai thác các nguồn tài nguyên thủy sản trên các đại dương toàn cầu. Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho đội tàu với nỗ lực đáp ứng nhu cầu hải sản khổng lồ của người dân, vốn chiếm 1/3 lượng tiêu thụ toàn thế giới.
Tại thành phố cảng Chu San ở bờ biển phía Đông Trung Quốc, khoảng 500 tàu đánh cá đua nhau ra khơi trong ngày đầu tiên của mùa vụ. Thế nhưng, mỗi mùa đi biển mới lại chật vật hơn các mùa trước. Đội tàu đi ngày càng xa hơn và phải lưu lại lâu hơn trên đại dương để có một mẻ cá đầy. Vùng biển quanh Trung Quốc gần như không còn cá nhưng đội tàu đánh bắt thương mại vẫn được duy trì quy mô lớn. Với khoảng 200.000 tàu thuyền, đội tàu cá Trung Quốc chiếm gần 1/2 hoạt động ngư nghiệp trên thế giới.
Khi hơn 10 tàu quay về Chu San sau chuyến đánh bắt đầu tiên, mẻ cá của họ tương đối khá nhưng chưa bằng một nửa sản lượng thu được trong các chuyến ra khơi vào những năm trước. Trong khi đó, các tàu thuyền nhỏ hầu như chỉ bắt được cá tạp - loại không giá trị và thường được sử dụng để làm thức ăn cho động vật hay trong các trang trại thủy sản.
Giống hầu hết ngư dân ở Chu San, điều duy nhất giúp ông Lin và các thuyền viên tiếp tục ra khơi là khoản trợ cấp từ chính phủ. "Chi phí dầu diesel và sửa chữa tàu tốn 200.000 nhân dân tệ (tương đương 40.000 USD). Chính phủ trợ cấp cho tôi hơn 100.000 nhân dân tệ" - thuyền trưởng Lin cho hay. Trong 4 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã chi 28 tỉ USD trợ cấp cho các đội tàu đánh cá. Khoản trợ cấp này có thể giúp nhiều ngư dân không bị thất nghiệp nhưng việc đánh bắt quá mức đang đe dọa hệ sinh thái đại dương.
Tàu thuyền tại TP Chu San - Trung Quốc ra khơi đánh bắtẢnh: ABC NEWS
Không đủ và quá trễ
Ông Wang Dong, thuyền trưởng một chiếc tàu nhỏ, cho biết Trung Quốc có tới 2.600 "siêu tàu" đánh cá bằng lưới rà khiến những tàu thuyền nhỏ khó có thể sinh sống và đang dần "hút cạn" nguồn hải sản. Ông Li Wen Long, Tổng Giám đốc Công ty Đánh cá Chu San phụ trách an toàn và quy định cho tàu cá tại thành phố, cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành giải pháp 3 bước, gồm: kéo dài thời hạn cấm đánh cá, thả nhiều cá con hơn và bắt đầu giảm số lượng tàu thuyền hoạt động".
Dù vậy, chính quyền Trung Quốc thừa nhận rất khó để kiểm soát các tàu lớn ngoài khơi. Dù có nhiều luật và hình phạt mới cứng rắn hơn nhưng các tàu thường không khai báo đầy đủ hoặc không ghi chép sản lượng đánh bắt.
Nhiều chuyên nhận định đã quá trễ và quá ít biện pháp cứu nguồn cung hải sản thế giới. Bà Zhou Wei, Giám đốc dự án biển thuộc Tổ chức Hòa Bình Xanh ở khu vực Đông Á, lo ngại: "Chúng ta đã mất 2/3 số cá săn mồi lớn. 90% trữ lượng cá trên thế giới bị khai thác triệt để và quá mức. Tàu thuyền đánh bắt tiếp tục sử dụng các phương pháp đánh bắt tiêu diệt, phá hoại nguồn cá trong nước".
Theo đài ABC (Úc), những tàu lưới rà lớn đang nhắm vào vùng biển ở Tây Bắc Thái Bình Dương, Nam Mỹ và Tây Phi không chỉ hủy hoại trữ lượng cá mà còn tác động tiêu cực đến các cộng đồng nghèo khó sống dựa vào nghề đánh bắt hải sản. Tổ chức Hòa Bình Xanh Đông Á gần đây đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của các tàu đánh cá "khủng" ở Tây Phi.
Bà Zhou nhấn mạnh: "Bảy triệu người tại khu vực này sống dựa vào ngành đánh bắt cá để có việc làm và thu nhập trong khi số người dùng cá để làm thức ăn và chất đạm còn nhiều hơn thế. Đối với người dân địa phương, ngư nghiệp là kế sinh nhai nhưng đối với đội tàu đánh cá công nghiệp thì đó là công việc kinh doanh".
Nhu cầu tiêu thụ tăng thúc đẩy cuộc khủng hoảng. Sự giàu có ở Trung Quốc tăng lên đồng nghĩa với việc hải sản - vốn từng được xem là xa xỉ phẩm - giờ được sử dụng rộng rãi. Trước việc tính bền vững về nghề cá chưa được nhận thức đầy đủ tại Trung Quốc, các nhà bảo tồn cảnh báo những chiến dịch tuyên truyền là rất cần thiết. Nhiều chuyên gia lo ngại nếu Trung Quốc và một số nước không thay đổi mô hình khai thác thì thế hệ sau sẽ không còn hải sản mà ăn.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.