Sau vụ sao kê, có phải "nghệ sĩ không làm từ thiện, bà con vùng lũ thiệt"?
Năm 2020, liên tiếp các trận lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại miền Trung, từ đó việc quyên góp từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung được nhiều nghệ sĩ khởi xướng và hàng triệu người dân trong và ngoài nước hưởng ứng, tham gia. Trong đó, nhiều nghệ sĩ có tên tuổi đã trực tiếp tham gia làm thiện nguyện và kêu gọi đóng góp từ thiện như Thủy Tiên, Trấn Thành, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, mẹ ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Hoài Linh, Lý Hải… Họ đã góp phần không nhỏ để giúp đỡ bà con trong lúc thiên tai khốn khó.
Tuy nhiên, sau vụ chậm trễ giải ngân đến 6 tháng số tiền 14 tỷ đồng của các mạnh thường quân gửi ủng hộ bà con vùng lũ của nghệ sĩ Hoài Linh; tiếp đó là "lùm xùm sao kê" của Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên đã khiến dư luận thất vọng và hoài nghi sự minh bạch, thậm chí nghĩ đến dấu hiệu trục lợi trong từ thiện.
Sự im lặng của các nghệ sĩ trước những nghi ngại đó, càng dẫn đến sự bức xúc và phẫn nộ của dư luận, khiến truyền hình, báo chí phải lên tiếng. Và sau đó là sự vào cuộc của lực lượng công an.
Có nghệ sĩ "hờn dỗi" tuyên bố, cứ kiểu này sẽ "vĩnh viễn không kêu gọi đóng góp (làm từ thiện)" nữa, vì "đây không phải nhiệm vụ chúng tôi sinh ra phải làm".
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đợt lũ năm nay bà con miền Trung không được cứu trợ kịp thời thì chúng ta biết nguyên nhân từ đâu rồi phải không? Còn ai dám đứng ra để cứu trợ nữa? rằng: Không có nghệ sĩ, thì ai sẽ đứng ra làm từ thiện?
Quan điểm này đã tạo nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, khi mùa mưa lũ năm 2021 đang diễn ra.
"Nghệ sĩ không làm từ thiện vẫn có nhiều người khác làm"
Nhiều người không khỏi băn khoăn rằng, nếu cứ đà này thì chẳng nghệ sĩ nào dám đi làm từ thiện nữa. Nhưng nếu việc từ thiện xuất phát bằng cái tâm và đảm bảo các nguồn thu, chi rõ ràng thì không việc gì phải sợ. Tuy nhiên, nếu lợi dụng việc đi làm từ thiện mà để "làm màu", đánh bóng tên tuổi hay chuộc lợi bản thân thì đáng phải bị lên án.
Nếu nghệ sĩ thật sự thực hiện bằng cái tâm, thì chắc chắn, sau bài học từ những lùm xùm, những người thật lòng thật tâm muốn giúp đỡ các hoàn cảnh khó sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn chứ không phải quay lưng.
Có ý kiến cho rằng: "Phát ngôn như thế thì tâm không thiện rồi. Vẫn còn sân, si lắm, hãy nhớ là "không mợ thì chợ vẫn đông". Và trước đây khi nghệ sĩ chưa kêu gọi thì người dân miền Trung họ vẫn sống".
"Nghệ sĩ không làm từ thiện thì có người khác làm, từ xưa đến nay chưa có bao giờ nghệ sĩ đi đầu trong việc làm từ thiện hết, cho nên đừng bao giờ nói câu nghệ sĩ không làm từ thiện thì ai làm hoặc câu nghệ sĩ không làm từ thiện thì ai thiệt.
Hãy làm từ thiện xuất phát từ tâm của mình, đừng nên lợi dụng để gây sự chú ý lên tiếng dư luận, Việt Nam mình rất nhiều người tốt, làm từ thiện rất nhiều mà không lên tiếng cho mọi người biết".
Nhắc đến chuyện minh bạch, sao kê, có người thẳng thắn chia sẻ: "Đúng thật là nếu Hoài Linh, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên và nhiều người công khai minh bạch từ sớm thì đã không có chuyện xảy ra như bây giờ. Minh bạch là trách nhiệm, là sự tôn trọng đối với những mạnh thường quân đã gửi gắm niềm tin. Đừng có kiểu nhận tiền vào nhưng tới khi mạnh thường quân thắc mắc thì giận lẫy".
Một ý kiến đồng quan điểm: "Cái chính ở đây là thái độ của Thủy Tiên trong việc minh bạch. Nếu không vì sức ép của dư luận thì cô ấy có chủ động công khai sao kê? Ngay cả khi bà Nguyễn Phương Hằng bắt đầu phản ánh về vấn đề này cách đây 6 tháng, lúc ấy chưa đụng đến cái tên Thủy Tiên, thì cô ca sĩ này cũng cứ án binh bất động. Chỉ đến gần đây khi bị nêu thẳng tên thì cô ấy cùng chồng mới lên tiếng phản ứng.
Như vậy có thỏa đáng, có trách nhiệm với mạnh thường quân hay không? Nghi vẫn trục lợi chưa rõ đúng sai, thật hư như thế nào, nhưng Thủy Tiên chắc chắc đã thiếu sót về trách nhiệm phải minh bạch. Mặt khác, chính sự vụ lùm xùm của cá nhân Thủy Tiên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của những người đang làm thiện nguyện thật sự bằng cái tâm và có trách nhiệm. Nên rõ ràng Thủy Tiên cần phải có thái độ cầu thị và biết lỗi trước nhất là với mạnh thường quân, kế đến là những người hâm mộ, và kể cả với những người dân miền Trung từng được nhận hỗ trợ từ chuyến đi của cô ấy".
Làm từ thiện là điều đáng quý và càng trân trọng hơn nếu từ thiện minh bạch, rõ ràng
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận công lao của những nhà từ thiện trong cộng đồng, bởi xã hội này vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh cần có những nhà hảo tâm, những nhà làm từ thiện giúp đỡ. Ca sĩ Thủy Tiên đã được gọi là cô tiên giữa đời thường bởi chỉ trong mấy tháng mưa lũ khắc nghiệt ở miền Trung, cô đã kêu gọi được một số tiền "khổng lồ" (hơn 150 tỷ đồng) và đã "bươn chải" khắp các vùng lũ để trao tiền tới tay người dân.
Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng nhất định trong công chúng nên sẽ dễ dàng trong việc kêu gọi từ thiện. Do đó, để nghệ sĩ đi làm từ thiện là cái tốt, là cái đáng quý và sự rõ ràng trong việc làm từ thiện sẽ không những không làm cho cộng đồng nghi ngờ mà còn trân trọng hơn và cũng không để cho người khác soi mói.
"Theo tôi bất kỳ ai làm từ thiện cũng đều tốt hết, chúng ta nên trân trọng điều đó. Nghệ sĩ cũng là con người và con người đều có những lúc sai, những việc làm chưa đúng. Thay vì công kích tại sao chúng ta không hướng dẫn họ làm tốt hơn, động viên, uốn nắn họ làm bài bản hơn?
Tôi nghĩ không ít nghệ sĩ họ nghĩ đơn giản là họ kêu gọi và cho từ thiện chứ chưa hiểu hết tầm quan trọng, phương thức làm và làm như thế nào là đúng? Khi bị công kích ảnh hưởng đến gia đình và cuộc sống thì họ dừng lại cũng là tất yếu, nếu chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của họ thì chúng ta thế nào? Nghệ sĩ họ chịu nhiều áp lực hơn nhiều so với người bình thường khác. Chúng ta luôn nói không có người này thì có người khác, nhưng liệu có được bao nhiêu người có khả năng kêu gọi số tiền lớn như nghệ sĩ", một bạn đọc viết.
Một bạn đọc khác nêu quan điểm: "Nếu làm từ thiện cứ làm bình thường như bao nhiêu người trong xã hội họ vẫn âm thầm làm bằng cái tâm, cái tình, cái sự chân thành, sự cho đi không phải để nhận lại hoặc đổi chác. Nghệ sĩ muốn làm từ thiện cứu trợ thì cứ bỏ tiền túi ra mà làm, không nên quyên góp. Người nào đưa tiền nhờ mình làm việc ấy thì khuyên họ nên góp cho những tổ chức có uy tín".
Thiết nghĩ việc đòi hỏi sự minh bạch trong hoạt động từ thiện là chính đáng và cần thiết, nhằm bảo đảm sự phát triển đúng hướng, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động tương thân tương ái thật sự phát huy hiệu quả trên thực tế.
Hải Hà
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.