Có 1 câu chuyện như thế này: có một khu rừng quốc gia ở Mỹ tên là Yellowstone, khu rừng này đã cạn kiệt và hoang tàn vào những năm 1926. Năm 1935, sau khi nghiên cứu, các nhà sinh vật học đã quyết định thử nghiệm và thả 14 con chó sói vào khu rừng ấy. Đã có rất nhiều nghi ngờ với quyết định đó, bởi ai cũng biết, chó sói là loài chỉ đi săn và ăn thịt thôi, nó sẽ tác động như thế nào lên khu rừng hoang tàn ấy?
Tuy nhiên, 14 năm sau, khu rừng Yellowstone đã cho tất cả mọi người một câu trả lời không ai ngờ tới: nó được tái tạo - sống động lại một cách kỳ diệu và chỉ thiên nhiên mới làm được.
Với ông Phạm Duy Hiếu – Phó Chủ tịch Startup Vietnam Foundation (SVF) kiêm CEO ABBank, thì hiện tại hệ sinh thái khởi nghiệp ở các địa phương tại Việt Nam đang giống khu rừng khô cằn Yellowstone ngày ấy và công việc hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của SVF đang rất giống công việc của các nhà sinh vật học kể trên.
"Chúng ta có thể hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở các địa phương và thành phố như thế nào? Rõ ràng là chúng ta cần phải đặt câu hỏi là chúng ta có cần thả 14 con chó sói vào đó hay thả hẳn một bầy sư tử, trồng cây tán rộng hay trồng một rừng thông? Đâu là câu trả lời cho vấn đề này?", ông Phạm Duy Hiếu nêu vấn đề.
Sau 5 năm theo dõi và cảm nhận, SVF đã rút ra nhiều bài học quý giá. Câu trả lời là: ở những địa phương khác nhau, chúng ta cần những công thức khác nhau, không thể áp dụng công thức thành công ở Đồng Tháp vào TP. HCM hay Huế, bởi vì chúng rất khác nhau, bởi ở Huế cần nhiều sư tử hơn.
Trong các giai đoạn khác nhau, chúng ta phải gia giảm các yếu tố trong hệ sinh thái, phải uyển chuyển hơn, lúc nhiều lúc ít. Ví dụ: không phải lúc nào Nhà nước nhảy vào phát động phong trào cũng là tốt, vì như vậy các bạn sinh viên trở nên thụ động, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp bắt đầu ỷ lại; và khi mà Nhà nước dừng lại, thôi không làm nữa, thì không có bất cứ sự kiện nào diễn ra nữa. Lúc đó, hệ sinh thái không có sức sống và tự thân vận động.
Tuy nhiên, vẫn có 3 nguyên tắc nhất định cho tất cả: nguyên tắc đầu tiên - những con người trong đó phải được là chính mình, nguyên tắc thứ hai - biết nuôi dưỡng con ‘chó trắng’ trong mỗi người và nguyên tắc thứ 3 - phải hành động một cách sáng tạo.
Nguyên tắc đầu tiên - những con người trong đó phải được là chính mình
Các thành viên trong hệ sinh thái - khu rừng phải được coi trọng khi là chính mình. Cây sồi phải là cây sồi, con thỏ phải được là con thỏ và con sư tử phải được là con sư tử. Con sư tử không thể được học để trở thành cây sồi và con thỏ không thể được học để trở thành con sư tử.
"Rõ ràng cái cách thức chúng ta áp đặt và mong muốn ai đó trở thành một cái gì đó không phải là họ cực kỳ nguy hiểm", ông Hiếu cảnh báo.
SVF đã xây dựng nhiều chương trình để củng cố cho mọi người trở thành là chính mình như thế nào? Rất đơn giản: những điểm mạnh của mọi người nên phát huy và những điểm yếu nên được đón nhận.
Trong một mối quan hệ với ai đó, chúng ta chỉ thích ưu điểm và đến khi chúng ta thấy nhược điểm liền cảm thấy không thể đón nhận. Vì thế, những mối quan hệ bắt đầu đổ vỡ, tức là thiếu kết nối và nếu thiếu kết nối hàng loạt như thế, thì hệ sinh thái không thể hình thành được. Mọi người phải được công nhận cả ưu điểm lẫn nhược điểm.
Có thể bạn là người mạnh mẽ thích hành động, nhưng bạn sẽ áp đặt và cái áp đặt của bạn là cần phải được thừa nhận. Có thể bạn là một người rất truyền cảm hứng nhưng bạn lộn xộn và cái lộn xộn đấy của bạn cần đón nhận. Có thể bạn là người rất kỹ lưỡng phân tích vấn đề, nhưng bạn là rất khó chịu và khó tính, chúng cần được đón nhận.
Rồi, hệ sinh thái sẽ giải quyết theo cách rất là kỳ lạ, nhược điểm của người này, được người khác hỗ trợ - đỡ cho. Vì người ta được là chính mình nên người ta thành thật: người ta nói ‘cái này không phải là sở trường của em nên em có thể không làm tốt’ và được người khác cổ vũ ‘em hãy đối mặt với cái em chưa làm tốt đi, hãy vượt qua chính mình’…Thế là, người ta bắt đầu dũng cảm vượt qua những điểm yếu của họ thay vì tìm cách né tránh.
Nếu như không là chính mình, thì bạn không thể khai thác hết tiềm năng mà vũ trụ này ban cho chính mình!
Nguyên lý thứ hai - biết nuôi dưỡng ‘chó trắng’ trong mỗi người
Có một câu chuyện thế này: trong mỗi chúng ta, có hai con chó đánh nhau suốt ngày, một con chó đen và một con chó trắng. Con chó đen thì sợ hãi và tham lam, rồi nó đổ lỗi, tấn công, chỉ trích, đau khổ và lo lắng suốt ngày. Con chó trắng biết lắng nghe, bao dung, giúp đỡ, yêu thương, đam mê và khát vọng. Thỉnh thoảng, con chó đen chiến thắng, thỉnh thoảng – con chó trắng chiến thắng; và câu hỏi là: con chó nào sẽ chiến thắng cuối cùng?
"Con chó chiến thắng cuối cùng là con chó mà ta cho nó ăn. Ta hướng đến những ngôn từ - suy nghĩ tích cực thì con chó trắng có thức ăn, suy nghĩ tiêu cực thì con chó đen ăn", vị Phó Chủ tịch SVF bày tỏ.
Trong hệ sinh thái, nguyên lý ‘chó đen – chó trắng’ này được hiểu như thế này: một người nên được là chính mình, biết quan sát bản thân, biết lựa chọn và nuôi dưỡng ‘chó trắng’, để có tâm thái tốt và khả năng giải quyết vấn đề. Chỉ có ‘chó trắng’ mới có thể kết nối, còn ‘chó đen’ là đứt kết nối; vì ‘chó trắng’ bao dung, giúp đỡ, phụng sự và cống hiến còn ‘chó đen’ chỉ tính toán cho bản thân nó mà thôi.
Ông Phạm Duy Hiếu (thứ hai từ trái sang) và các thành viên - đối tác của SVF.
Theo anh Hiếu, anh không chỉ áp dụng nguyên lý thứ hai khi đi hỗ trợ các tỉnh xây dựng hệ sinh thái mà còn áp dụng khi quản lý SVF. Theo như anh kể: mỗi khi các nhân viên của anh trong trạng thái "chó trắng", khi họp hành, kể cả không có anh, mọi chuyện vẫn diễn ra hết sức suôn sẻ, các nhân sự của SVF tự phân chia công việc và tổ chức vẫn chạy ổn. Ngược lại, nếu một ai đó biến thành "chó đen", chắc chắn cuộc họp không thể tiến hành và anh có trách nhiệm giúp các bạn điều chỉnh về trạng thái "chó trắng" để tiếp tục cuộc họp.
Trong mỗi con người, ai cũng có một con "chó đen" và con "chó trắng", thỉnh thoảng con chó đen sẽ nhảy ra, thế nên, chúng ta cần phải biết mình đang là ‘chó đen’ hay ‘chó trắng’, rằng mình có đang minh mẫn trong lúc giải quyết vấn đề hay không, anh Hiếu nhận định.
Nguyên lý thứ ba - phải hành động một cách sáng tạo
SVF phát hiện, các hệ sinh thái tạo lập bởi những kết nối được tạo ra bởi tất cả mọi người đều hành động. Và hơn thế nữa, là hành động 1 cách sáng tạo. Chỉ khi họ hành động một cách sáng tạo, chúng ta mới có trải nghiệm, sự trưởng thành - lớn lên, rồi thành công sẽ đến. Trong quá trình này không thể thiếu đi một bước nào: phải có hành động mới có trải nghiệm, phải có trải nghiệm mới có bài học, phải có bài học mới có sự thành công.
Có rất nhiều người vừa gặp thất bại đầu đời – tức là gặp trải nghiệm không như ý ngay từ khi mới khởi hành, đã dừng lại. Thật ra, nếu họ biết rút ra bài học từ thất bại đó, tiếp tục hành động rồi rút ra những bài học tiếp theo, họ sẽ trưởng thành – lớn lên và có thể thành công sẽ đến.
Vậy, để có một hệ sinh thái – khu rừng giàu chất dinh dưỡng thì tất cả thành tố trong đó phải được là chính mình, vì chỉ khi là chính mình thì họ mới thấu suốt được điểm yếu – mạnh của bản thân để biết nuôi dưỡng ‘chó trắng’ bên trong mỗi người; với trạng thái ‘chó trắng’ thì chúng ta mới có thể hành động sáng tạo nhằm tạo một mạng lưới kết nối chằng chịt, hệ sinh thái hình thành.