Ông Phạm Văn Tam: "Nhiều người nói tôi là con buôn, đi buôn có gì xấu?" -Thanh Phong
Sáng 15/08, trước tâm bão dư luận thời gian qua, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo và đội ngũ cộng sự gồm luật sư, đại diện truyền thông… đã xuất hiện trong buổi sinh hoạt của CLB Cafe Số với nội dung “Hàng Made in Việt Nam nhìn từ Asanzo”.
Tại buổi sinh hoạt, ông Phạm Văn Tam đã khẳng định hoạt động sản xuất, in nhãn của tập đoàn Asanzo hoàn toàn đúng với pháp luật và liên tục nhấn mạnh việc ghi nhãn “xuất xứ Việt Nam” trên sản phẩm là hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành. Tập đoàn sẽ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện báo Tuổi Trẻ vì gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Tam chia sẻ, từ vụ việc báo Tuổi trẻ viết về việc Asanzo là hàng Trung Quốc đội lột Việt Nam, nhiều bài báo nói tôi chỉ là người đi buôn.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo
"Tôi rất buồn. Nhưng tôi tự hào đã từng là người đi buôn, đi buôn có gì xấu đâu. Tôi là người Quảng Ninh nhưng đã xây dựng thương hiệu Asanzo là cái tên của miền Nam. Tôi chưa bao giờ giấu chuyện tôi đã trải qua nhiều ngày tháng buôn bán ở chợ Nhật Tảo, thời gian đó giúp cho tôi có cách làm mạnh dạn phát triển thương hiệu Asanzo sau này", ông Tam chia sẻ.
Ông Tam tiếp tục chia sẻ: "Tôi là người sáng lập Asanzo, tôi đã có sản phẩm tivi đầu tiên nhờ những chuyến đi buôn, cung cấp hàng cho người dân miền Tây. Những người sống ở những huyện nghèo, chợ nổi rất nghèo, thiếu điện, thiếu nước sạch. Khi đó tôi nghĩ mình sẽ làm tivi để phục vụ cho đối tượng khách hàng bị bỏ quên này.
20 tuổi tôi đã vào miền Nam, đi nhiều vùng quê ở miền Tây và rất hiểu người dân ở đây, họ sống trên xuồng ghe, bán trái cây, không có nước sạch, chỉ có trời và sông nước. Tôi không có mơ ước gì nhiều, tôi chỉ muốn làm ra những tivi có thể sử dụng điện ắc quy để phục vụ cho họ. Tôi gọi đó là những người tiêu dùng bị bỏ quên, các hãng tivi toàn cầu chưa có sản phẩm nào dành cho họ”.
Ông Tam kể tiếp "Tôi ra đi từ chợ Nhật Tảo, tôi có 500m2 nhà xưởng, tôi làm ra những chiếc tivi chỉ dùng bình ắc quy là xem được, khi đó không có một hãng tivi lớn nào làm những sản phẩm này. Tôi làm ra những tivi màn hình LED cỡ 18-20inch đầu tiên. Để có thể sử dụng ắc quy để xem tivi, tôi phải thiết kế lại toàn bộ bo mạch, làm nhỏ gọn lại, nguồn điện cũng làm lại, chỉ cần dùng bình ắc quy 12V có thể dùng 4-5 tiếng xem tivi trên xuồng ghe, bo mạch của tôi không giống bất cứ một hãng nào, không copy của ai hết.
Vào năm 2013, tháng đầu tiên bán được 1.000 tivi, tôi rất hài lòng, tôi không cần nhiều chỉ cần thế là đủ. Mỗi tháng tôi chỉ cần phục vụ vài trăm tivi cho khách hàng ở miền Tây, ở các vùng cao nguyên không có điện lưới, họ phải dùng năng lượng mặt trời, ắc quy để xem được tivi".
"Dần dần tôi tăng chất xám cho sản phẩm của mình, như tăng bo mạch cho tivi để có thể dùng điện lưới, ở những nơi điện yếu chỉ tầm 90V, như vậy tivi vẫn có độ bền vẫn cao, bảo hành 3 năm, giá rẻ. Tới khi tivi smart ra đời, tôi đã làm những sản phẩm tivi khác biệt với các hãng lớn khác, tivi của Asanzo dùng được cả 3G và Wi-Fi, tôi thiết kế lại toàn bộ giao diện hệ điều hành Android cho tivi.
Hệ điều hành Android là hệ điều hành mở và Asanzo đã thiết kế giao diện đơn giản nhất, dễ sử dụng nhất để người dùng có thể mù chữ, không hiểu công nghệ nhưng bấm 1 nút là xem YouTube, xem phim mà không phải đi quá nhiều tầng lớp. Tôi cắt bớt các chi tiết, tivi của các hãng toàn cầu có 4-5 cổng USB, 2-3 cổng HDMI, tôi thiết kế tivi chỉ cần 1 cổng USB, 1 cổng HDMI, tôi cải tiến lại nguồn điện phù hợp với các khu vực điện yếu, tivi của tôi chỉ cần nguồn điện 90-100V nhưng vẫn dùng bền, dùng tốt", ông Tam nói.
“Cái gì tôi sai tôi sẵn sàng chịu, tôi rất buồn vì những khủng hoảng suốt 2 tháng qua. Tôi khát khao muốn làm ra sản phẩm điện tử Việt Nam, tivi của tôi là hàng của Việt Nam. Tôi phải đấu tranh để cùng mọi người duy trì Asanzo. Sau sự việc này tôi vẫn phát triển Asanzo, tôi sẽ không ngừng đấu tranh để phát triển Asanzo”, ông Phạm Văn Tam khẳng định.
Đại diện tập đoàn Asanzo giải thích về các ký hiệu trên tem nhãn sản phẩm.
Tại buổi trao đổi, đại diện truyền thông của tập đoàn Asanzo đã đưa các hình ảnh được phản ánh trên báo chí về tem, nhãn mác các sản phẩm. Theo đó, các thông tin về nơi xuất xứ linh kiện đều được ghi chú rõ và sau khi trải qua công đoạn gia công cơ bản tại Việt Nam đều có thể ghi “xuất xứ Việt Nam”.
Nói về nguyên nhân phải nhập linh kiện nước ngoài lắp ráp tại Việt Nam, đại diện tập đoàn Asanzo cho biết, đối tượng khách hàng của Asanzo là những người thu nhập thấp, các linh kiện cần tối ưu mới có thể giảm giá thành. Hiện nay, các nhà máy tại Trung Quốc với lợi thế sản xuất quy mô lớn đáp ứng được nhu cầu sản xuất linh kiện với giá rẻ nên được Asanzo đặt hàng.
Đáng chú ý, theo Luật sư Trần Đức Hoàng, đại diện pháp luật của tập đoàn Asanzo cho biết, việc xé tem nhãn ghi xuất xứ trên các linh kiện không có trong quy trình sản xuất của nhà máy, những người xé tem nhãn trên phản ánh “toàn là người của báo Tuổi trẻ”.
“Trên thực tế, pháp luật hiện tại của Việt Nam chưa có quy định nào về con tem của linh kiện sản phẩm. Nhưng chúng tôi chắc chặn rằng trên quy trình sản xuất chính thức của Asanzo không có việc bóc tem linh kiện sản phẩm, anh Phạm Văn Tam cũng khẳng định người bóc các con tem trên video là người của báo Tuổi Trẻ.”, luật sư Hoàng nói.
Luật sư Trần Đức Hoàng cho biết thêm việc báo Tuổi Trẻ phản ánh thông tin tập đoàn Asanzo “dùng hàng Tàu đội lốt hàng Việt” là không chính xác và video có dấu hiệu dàn dựng.
Bên cạnh đó, Luật sư Hoàng cũng cho biết, tập đoàn Asanzo đã nghiên cứu dự thảo thông tư liên quan đến hàng Việt Nam của Bộ Công Thương và khẳng định, dù thông tư đi vào thực tiễn sử dụng, tập đoàn Asanzo vẫn đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí hàng Việt Nam.
Tuy không phải họp báo thông tin chính thức nhưng sự kiện thu hút rất đông các cơ quan truyền thông, nhà đầu tư, người tiêu dùng.
Trước đó, ngày 21/6, báo Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài điều tra, nghi vấn sản phẩm của Tập đoàn Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam khiến dư luận "dậy sóng". Cụ thể, Asanzo nhập "nguyên con" đồ gia dụng từ Trung Quốc thông qua nhiều công ty nhập khẩu, dán nhãn Asanzo thay vì lắp ráp linh kiện và ghi xuất xứ Việt Nam.
Sau vụ việc trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.