Ông chủ Vinamit biến cây nhà nghèo thành bột sấy khô xuất khẩu Mỹ, Nhật
|
Sản phẩm mật dừa nước đông khô của Vinamit |
Sản phẩm này làm từ cây dừa nước mọc tự nhiên ở các kênh rạch khắp vùng Nam bộ, vốn được gọi là cây nhà nghèo vì chỉ người nghèo mới lặn lội chặt dừa nước về ăn.
Mật dừa nước đông khô của Vinamit được làm từ mật của cây dừa nước mọc ở vùng đất ngập mặn huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Ông Viên tình cờ phát hiện ra loại vi chất mình đang tìm kiếm nhiều năm qua khi uống nước mật dừa, sản phẩm từ dự án khởi nghiệp của Phan Minh Tiến, thanh niên trẻ tiêu biểu của TP.HCM năm 2020. Tiến đã ướp lạnh nước mật dừa và cất công mang từ huyện Cần Giờ lên tặng “thầy” Viên.
“Uống vào, tôi giật mình. Nước có vị ngọt thanh pha lẫn vị mằn mặn rất đặc biệt. Đó chính là chất điện giải tự nhiên mà tôi tìm kiếm lâu nay nhưng chưa thấy loại rau, củ, quả nào mà vị của nó rõ ràng như vậy”, ông Viên kể.
Khi thông tin sản phẩm dừa nước đông khô công bố ở Việt Nam, thì trên thực tế sản phẩm mật dừa nước sấy đông khô đã trên đường đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan và Đức. Nó chính là sản phẩm mang tên “Quốc sản Việt”. Tại sao tôi gọi như thế, là bởi tinh chất nguyên bản trong sản phẩm mang lại giá trị đặc trưng cho quê hương Việt.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit
Làm về sinh học nên ông Viên biết chất điện giải cần thiết ra sao cho cơ thể con người, nhất là những vận động viên tập luyện cường độ cao, người bị mất nước do làm việc ngoài trời nắng hay do trúng độc, tiêu chảy, nôn ói, sốt cao, bị bỏng hoặc người thiếu dinh dưỡng, tiểu nhiều. Chất điện giải đóng vai trò tăng cường khả năng dẫn truyền thần kinh cho não, kết nối với các bộ phận để qua đó cơ thể hoạt động tốt hơn. Lâu nay, khi cần bổ sung hoặc cung cấp chất điện giải tức thì, các vận động viên thường phải mua các loại nước biển khô từ nước ngoài. Hay các bệnh nhi phải truyền nước biển bổ sung dinh dưỡng và chất điện giải.
Thử nghiệm sấy đông khô mật dừa tươi từ nguyên liệu của học trò, ông Viên càng được củng cố những suy nghĩ ban đầu của mình. Mật dừa nước sấy bằng công nghệ đông khô giữ được 20% vitamin C trong tổng lượng. Kế đến là chất điện giải từ khoáng Na và potassium K, chiếm > 16%. Cuối cùng là dinh dưỡng từ Glucose. Điều đặc biệt nhất là các vi chất đều tự nhiên nên cơ thể có thể hồi phục nhanh chóng, quá trình dẫn truyền thần kinh và đào thải độc tố diễn ra mạnh mẽ hơn.
“Có lẽ vì sinh trưởng ở vùng nước lợ, đất đai màu mỡ và có lượng nắng cao nên cây dừa nước Cần Giờ cho những công dụng đặc biệt như vậy”, ông Viên nói.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit |
Ông Viên cũng đã gửi sản phẩm mẫu đến bác sỹ của một bệnh viện để sử dụng cho các bệnh nhi, thay thế cho nước biển khô. Các bác sỹ đã phản hồi tích cực khi nước mật dừa nước không chỉ dễ uống, mà còn có tác dụng tốt với cơ thể. Ông Viên chia sẻ, một động lực khác khiến ông phát triển ngay sản phẩm mật dừa nước đông khô là vì muốn khai thác tài nguyên bản địa độc đáo, có giá trị như một dược liệu này để người tiêu dùng thế giới biết đến. Cây dừa nước mọc ở kênh rạch khắp vùng Nam bộ, nhưng chỉ được xem là cây nhà nghèo với lá dùng lợp mái nhà, bẹ và sống lá làm lạt buộc, bện thừng, dệt thảm hoặc phơi khô làm chất đốt, trái lấy nước và cơm giải khát, không phải huê lợi.
Dự án khởi nghiệp của Phan Minh Tiến khai thác tài nguyên này nhưng có những khó khăn về công nghệ và thị trường. Sản phẩm mật dừa nước của dự án dù giữ nguyên được hương vị, nhưng chỉ có hạn sử dụng trong 10 ngày và phải luôn bảo quản lạnh nên cũng khó phát triển xuất khẩu mở rộng.
Bằng sáng chế Mỹ cấp cho công nghệ đông khô của Vinamit |
Bởi vậy, ông Viên áp dụng công nghệ đông khô mà Vinamit đã được Mỹ cấp bằng sáng chế với mật dừa nước, không chỉ giữ được sự đơn chất và nguyên bản, mà quan trọng nhất là có thể mang sản phẩm đi xa đến bất kỳ nơi nào.
Sau khi đông khô thành công, ông Viên lập kế hoạch mang sản phẩm độc đáo này bán ở những thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, vì các kênh phân phối này, ông đã có hệ thống sẵn sàng. Việc duy nhất khiến ông lo lắng là nguyên liệu và vùng nguyên liệu. Lâu nay, Vinamit phải dùng xe lạnh để vận chuyển số mật dừa nước do Tiến thu hoạch mỗi tuần, đảm bảo nguyên liệu về đến nhà máy vẫn tươi mới, sạch sẽ và đưa vào sấy đông khô ngay. Với quy trình thủ công nhiều công đoạn gồm lựa chọn cuống của những quài dừa đạt chuẩn (to, dài; có quả dừa không quá non cũng không quá già để cho ra được những giọt nước tinh khiết); làm sạch và chăm sóc cuống đều đặn hằng ngày (tapping) và thu hoạch sau 5 tuần nên năng lực hiện tại của Tiến chỉ khoảng 1 tấn mật dừa mỗi tuần. Số này chỉ sản xuất được chừng 80 kg bột sấy.
“Nguyên liệu với chúng tôi đang là vấn đề. Đó là lý do ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa dám bán đại trà, mà tập trung cho những người biết và hiểu về lợi ích của mật dừa nước như một chất điện giải tự nhiên”, ông Viên nói.
Để giải quyết vấn đề này, bước xa hơn, ông Viên và Tiến sẽ có những hợp tác sâu hơn để giữ và quản trị vùng nguyên liệu. Một trong những điều quan trọng là phải khoanh được vùng dừa nước, đảm bảo không có những tác động hóa học lên khu vực cây sinh trưởng và phát triển để tiến tới xin chứng nhận hữu cơ. Ông cũng có thể nhân rộng mô hình hợp tác với những vùng nguyên liệu khác nếu khu vực đó cũng là nước lợ, đem đến những giá trị đặc biệt cho mật dừa.
Ông Viên tin, một ngày không xa, với sự hợp lực của ông và Tiến, tài nguyên bản địa độc đáo này của Việt Nam sẽ được sử dụng rộng rãi ở các nước, để thế giới biết thêm về một nông sản có giá trị như một dược liệu quý. Sản phẩm sẽ hoàn toàn khác với những phiên bản như đường, mật, giấm… mà người Philippines, Thái Lan đã làm từ cuống dừa nước thời gian qua. Cứ như thế, sứ mệnh nâng tầm giá trị nông sản Việt của Vinamit và ông Nguyễn Lâm Viên mãi nối tiếp.
Dừa nước, hay còn gọi là dừa lá, cùng họ dừa nhưng có đặc điểm sinh trưởng hoàn toàn khác với dừa cạn. Thân cây dừa nước mọc ngang trong lòng đất, chỉ lá và cuống hoa mọc trồi lên trên. Chúng mọc trong những vùng sình lầy dọc theo bờ sông, hay vùng ven cửa biển có thủy triều lên xuống, có nước chảy chậm bồi đắp phù sa dinh dưỡng. Dừa nước cho quả quanh năm, nhưng nhiều nhất trong 2 tháng (khoảng tháng 8 đến tháng 10). Cũng mọc thành từng buồng sai trĩu như dừa cạn, nhưng trái dừa nước lại kết chặt, ghép với nhau thành hình cầu có đường kính 25 - 30 cm, gọi là quày dừa.
Trái dừa nước to bằng quả trứng, màu nâu sẫm như màu đất. Trái dừa nước không có nhiều nước, nên chủ yếu ăn cái của nó. Tuy nhiên, cuống của quày dừa lại có những giá trị rất khác. Cuống tiết ra mật có màu trắng tinh khiết với vị thanh mát xen lẫn vị mặn và mùi thơm ngọt nồng. Để lấy được mật thì cây dừa nước không được chặt lá để đảm bảo dồn sức cho quày trái phát triển. Quày cũng phải được làm sạch và chăm sóc đúng cách trước khi thu hoạch.
Khi đến giai đoạn trưởng thành, quày sẽ được chặt ngang và bắt đầu hứng mật. Mỗi quày trung bình một ngày hứng hai lần được khoảng 1 lít mật và có thể lấy mật trong khoảng 20 ngày, tức là một quày cho tới 20 lít mật. Cuống đạt chuẩn cho mật ngon là những cuống to, dài; có quả dừa không quá non cũng không quá già để có thể cho ra được những giọt nước tinh khiết.
Theo Ngô Nguyên - VOV
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.