Nửa năm dưới quyền kiểm soát của tư nhân, Vinaconex rơi vào mâu thuẫn nội bộ -PV
Báo cáo tài chính quý II/2019 hợp nhất của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) vừa công cho thấy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinaconex quý này đạt 204 tỷ đồng, tăng 82,5% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 173,9 tỷ đồng, tăng 104%.
Lũy kế 6 tháng, công ty lãi ròng gần 304 tỷ đồng, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, Vinaconex cán mốc 41% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 262 tỷ đồng, tăng 97% với EPS 594 đồng.
Giá cổ phiếu tăng cao và sự đi xuống của lĩnh vực “lõi”
Nếu nhìn vào con số lợi nhuận của Vinaconex hẳn ai cũng thấy rằng, Vinaconex đã “tốt hơn” sau nửa năm dưới sự điều hành của tư nhân. Thế nhưng, thực tệ không hẳn như vậy khi hoạt động xây lắp là thế mạnh truyền thống của Vinaconex dường như đang bị coi nhẹ.
Trong nửa đầu năm, doanh thu thuần của Vinaconex đạt 3.958 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ và mới chỉ đạt trên 39% so với mục tiêu doanh thu thuần năm 2019. Đáng nói trong cơ cấu doanh thu, mảng xây lắp của doanh nghiệp vẫn giữ tỷ trọng cao nhất với 54% trong tổng doanh thu nhưng đã giảm so với con số 65,5% của cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, doanh thu xây lắp trong kỳ đạt 2.143 tỷ đồng, giảm mạnh 21,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu bất động sản tăng mạnh từ 12% lên 17,6% tổng doanh thu, doanh thu sản xuất công nghiệp cũng tăng từ 10,7% lên 14%.
Báo cáo tài chính riêng còn đem đến những dữ liệu suy thoái sâu hơn nữa về doanh thu. Theo đó, tổng doanh thu thuần lũy kế của Công ty mẹ đến cuối Quý II đạt 978 tỷ đồng, chỉ đạt 27,17% kế hoạch doanh thu của cả năm 2019.
Nguyên nhân chính vẫn đến từ sự suy thoái của mảng cốt lõi của doanh nghiệp là mảng xây lắp. Cụ thể, doanh thu xây lắp của công ty mẹ chỉ đạt 662 tỷ đồng, giảm 14,36% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, có thể thấy khả năng sinh lời từ các hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex đang không ổn định, đặc biệt là ảnh hưởng suy giảm mạnh của tỷ suất lợi nhuận của mảng xây lắp.
Sự suy giảm nhanh của mảng xây lắp trong nửa năm vừa qua phần nào cho thấy “bất thường” trong hoạt động của Vinaconex bởi Vinaconex vốn là một doanh nghiệp có thế mạnh truyền thống trong lĩnh vực xây lắp, là công ty đi tiên phong trong ngành xây lắp ở khu vực phía Bắc kể từ khi thành lập.
Dẫu biết rằng, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên diễn ra hôm 28/6 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh từng khẳng định, Vinaconex đang chuyển hướng trọng tâm sang lĩnh vực bất động sản. Nhưng sự “bẻ lái” kinh doanh ngay khi tư nhân đứng ra làm chủ tại doanh nghiệp này cũng đặt ra nhiều quan ngại đối với nhà đầu tư, bởi ai cũng biết rằng việc kinh doanh bất động sản đòi hỏi sự “chuyên nghiệp”, doanh nghiệp phải có nguồn vốn lớn, quỹ đất lớn và thời gian thu hồi vốn dài. Chính vì vậy, nếu không có chiến lược, kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững thì rủi ro cao, hoặc phát sinh lỗ là khó tránh.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Vinaconex lại ghi nhận mức giảm 2% đạt 19.698 tỷ, với 62% là tài sản ngắn hạn. Nợ phải trả cuối kỳ của Vinaconex đạt 12.044 tỷ đồng với 32% là nợ vay. Chủ yếu là nợ vay ngắn hạn với 2.441 tỷ đồng và vay dài hạn 1.475 tỷ đồng toàn bộ tại công ty con. Những con số này cũng phần nào cho thấy những thách thức mà “ông lớn” Vinaconex phải đi qua nếu như Vinaconex muốn lọt “top 3” doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam cũng như thực hiện những dự án bất động sản quan trọng.
Biến động giá cổ phiếu VCG trong vòng 1 năm
Còn trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VCG hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 26.400 đồng/cổ phiếu, thậm chí có thời điểm thị giá của VCG tiến sát ngưỡng 30.000 đ/cp (tháng 3/2019). Nếu so với hơn nửa năm trước khi Vinaconex còn là doanh nghiệp mà cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối thì giá cổ phiếu VGC trên thị trường chứng khoán đã tăng mạnh tới gần 22%. Kéo theo đó là sự gia tăng đáng kể vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này.
Ngay cả khi “khủng hoảng” vì bị cổ đông kiện ra tòa, đề nghị hủy Nghị quyết ngày 11/1/2019 của Đại hội đồng cổ đông, giá cổ phiếu VCG vẫn cao ngất ngưởng quanh mốc 28.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu so với giá trúng thầu mà nhóm cổ đông An Quý Hưng đã chi ra để “thâu tóm” Vinaconex từ SCIC là 28.900 đồng/cp, thì rõ ràng mức giá hiện tại trên thị trường của Vinaconex hiện vẫn đang thấp hơn khoảng 8% về thị giá.
Còn nhớ, tại phiên đấu giá lô cổ phần VCG của nhóm cổ đông Nhà nước nắm giữ, Công ty TNHH An Quý Hưng hay nói chính xác hơn là nhóm nhà đầu tư đứng sau pháp nhân này (bản thân những người trong cuộc cũng đã xác nhận rằng An Quý Hưng chỉ là cái tên ra mặt cho một nhóm nhà đầu tư tư nhân) bỗng chốc trở lên nổi tiếng sau khi trúng đấu giá với mức giá cao ngất, cao hơn giá thị trường khoảng 50% và cao hơn mức giá khởi điểm khoảng 35%. Cú ra giá này cho thấy, nhóm cổ đông này quyết tâm thâu tóm Vinaconex “bằng mọi giá”.
Mâu thuẫn nội bộ liên quan đến quản trị điều hành vẫn chưa có hồi kết?
Trước khi cổ đông An Quý Hưng thay thế SCIC, Vinaconex do cổ đông là các doanh nghiệp Nhà nước gần như kiểm soát tuyệt đối mọi hoạt động của Tổng công ty. Sau khi Nhà nước rút hết vốn, cơ cấu cổ đông đã thay đổi, trong đó cổ đông An Quý Hưng chiếm tới 57,7% vốn điều lệ và Hai cổ đông khác là Cường Vũ và Star Invest nắm giữ khoảng 29% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ, các nhà đầu tư chứng khoán.
Điều đáng nói, ngay sau khi nhóm cổ đông An Quý Hưng sở hữu 57,7% vốn Tổng Công ty Vinaconex đã có động thái thay đổi hàng loạt những người của An Quý Hưng vào các vị trí lãnh đạo hàng chục công ty thành viên như Công ty Cổ phần Xây dựng số 12, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex, Công ty Cổ phần Vimeco, Công ty Cổ phần Xây dựng số 1, Công ty Cổ phần Vận tải Vinaconex.
Chưa kể, việc áp dụng quy chế tài chính và quy chế về tổ chức, hoạt động của HĐQT cho phép Chủ tịch, Tổng giám đốc duyệt chi cả nghìn tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT cũng như việc chia nhau nắm quyền kiểm soát nhiều vị trí khác tại công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên của nhóm cổ đông An Quý Hưng khiến cho những cổ đông khác không khỏi bất an.
Liên quan đến vấn đề này, tại ĐHCĐ ngày 28/6 vừa qua, theo ý kiến của các cổ đông, người đứng đầu Vinaconex hiện có quyền quyết định đầu tư tài sản với giá trị cả nghìn tỷ đồng là không hợp lý và mang tính rủi ro, trong khi trước đây khi cổ đông lớn là SCIC và Viettel, quyền quyết định chỉ tới 15 tỷ đồng. Ngoài ra, một số ý kiến cũng nhắc tới những tin đồn về "rút ruột công ty" của nhóm cổ đông mới.
Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Thanh cho biết ông và Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông đại diện cho một nhóm nhà đầu tư đã bỏ 7.400 tỷ vào Vinaconex. Số tiền này là 'khoản đảm bảo' nên Chủ tịch có ký tới 1.000 tỷ đồng cũng không xem là rủi ro. Có lẽ chính những động thái này đã tạo nên bức xúc trong cổ đông về thực trạng “lợi ích nhóm” An Quý Hưng đang tồn tại tại Vinaconex.
Cuộc "nội chiến" ở Vinaconex vừa qua cũng xuất phát từ nguyên nhân này khi nhóm cổ đông Bất động sản Cường Vũ, Star Invest có đơn tố cáo và yêu cầu Toà án nhân dân quận Đống Đa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bảo vệ quyền lợi cổ đông vì ban lãnh đạo Vinaconex có nhiều khoản chi tài chính bất thường. Tuy nhiên, sau đó Toà đã bác yêu cầu của nhóm Cường Vũ vì nhóm cổ đông này chưa đạt điều kiện là cổ đông của Vinaconex trên 6 tháng.
Rõ ràng, cởi bỏ chiếc áo Nhà nước, về với các ông chủ tư nhân trong bối cảnh 1 nhóm cổ đông chi phối hoàn toàn hoạt động của công ty đang trái với thông lệ quản trị công ty niêm yết. Bản thân vị chủ tịch Vinaconex cũng thừa nhận, đối với việc thay đổi quy chế quản trị và quy chế tài chính theo hướng trao quyền nhiều hơn cho ban lãnh đạo là chưa có tiền lệ nhưng theo ông Thanh thì đó không phải là vấn đề.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.