Những đứa con lai 'vô thừa nhận' ở quê ngoại miền Tây
Cù lao Tân Lộc nằm giữa sông Hậu (TP Cần Thơ) được xem là "đảo Việt kiều" vì có khoảng 1.600 cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc... Lúc cao điểm, mỗi năm có gần trăm người khăn gói theo chồng ngoại. Mấy năm qua, tình trạng này có giảm nhưng lại phát sinh nhiều trường hợp về nước xin ly hôn. Hàng chục đứa trẻ theo mẹ về quê ngoại sinh sống trong khi vẫn mang quốc tịch nước ngoài.
Trong căn nhà vách tôn, trống huơ trống hoác, đồ đạc không có gì đáng giá, nằm sâu trong một bờ đất sình lầy của cù lao, hai bé gái có cái tên Hàn Quốc là Lee Chae Won và Soo Jin (4-5 tuổi) đang được bà ngoại đút cơm. Thấy khách, hai đứa trẻ giương mắt một mí ngơ ngác nhìn.
Hai bé Lee Chae Won và lee Soo Jin (cha người Hàn Quốc) đang sống với ngoại trên cù lao Tân Lộc. Ảnh: Cửu Long |
"Từ lúc lọt lòng tới giờ, tụi nhỏ chưa một lần nhìn thấy mặt ba. Nhiều lúc, chúng hỏi ba con đâu không thấy. Sợ chúng nghĩ xấu về ba của mình, gia đình bảo rằng ba các con bận công việc bên Hàn Quốc, chưa về thăm được", vừa dứt lời, bà Thúy ôm hai cháu ngoại vào lòng.
Gia đình bà Thúy sống nhờ cả vào công việc may quần áo thuê và bán chuối nướng dưới bến đò nên bao nhiêu năm vẫn túng quẫn. 7 năm trước, để thoát nghèo, con gái bà là Liên (20 tuổi) - từng được nhiều thanh niên trong xóm theo đuổi, bởi có nét đẹp trời phú - quyết định lấy một người đàn ông Hàn Quốc lớn hơn cả chục tuổi sau một lần "xem mắt".
Sau đó ở quê, gia đình bà Thúy vẫn thường được nhận tiền con gái gửi về báo hiếu. Tuy nhiên, khi Liên mang thai đứa con gái thứ hai thì mọi việc thay đổi hoàn toàn vì nhà chồng bắt phải bỏ cái thai, để kiếm con trai. Chồng không bênh vực, Liên đành phải ôm đứa con gái đầu lòng mới 10 tháng tuổi, tên Lee Chae Won, về nước.
Từ đó, cuộc sống gia đình bà Thúy càng trở nên thiếu thốn. "Nhà nội không chu cấp và cũng chẳng hề hỏi thăm cháu sống như thế nào. Khi tôi gọi sang hỏi thăm và nhờ bổ sung các giấy tờ cho hai cháu để được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì họ bảo coi như cha chúng nó chết rồi", bà Thúy buồn rầu nói.
Phần vì không có tiền nuôi con, phần vì mặc cảm với bạn bè, Liên sớm dứt sữa con gái nhỏ, gửi hai đứa lại cho ngoại chăm sóc còn mình lên Sài Gòn tìm việc, gửi tiền về phụ nuôi. Hiện, Chae Won và Soo Jin chưa được làm khai sinh. "Chúng được chính quyền địa phương linh động tạo điều kiện cho đi học nhưng tôi cũng lo rắc rối lắm về sau, vì càng lớn thì càng nhiều giấy tờ", bà ngoại hai bé lo lắng.
Hàng ngày sau khi đi học về, hai chị em quấn quýt suốt bên bà ngoại. Mang dòng máu của cha người Hàn Quốc, mặt mũi, dáng dấp của Lee Chae Won và Soo Jin hơi lạ so với những đứa trẻ địa phương. Nhưng sống từ nhỏ tại Việt Nam, nên hai bé vẫn nói tiếng Việt, không biết tiếng Hàn. Về mơ ước của mình, Soo Jin bi bô nói: "Lớn lên con sẽ sang Hàn Quốc tìm ba".
Tỉnh Hậu Giang cũng đang có hàng trăm trẻ là con lai theo mẹ về quê sinh sống, đa số mang quốc tịch Hàn Quốc, Đài Loan...
Nhà đông anh em, lại nghèo khó, mọi kế sinh nhai đều phụ thuộc vào 3 công đất nên cuộc sống gia đình của chị Thơ (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) luẩn quẩn với nghèo khó. Qua mai mối, Thơ lấy ông chồng người Đài Loan, sau 3 ngày tìm hiểu. Về quê chồng sinh sống, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì hôn nhân tan vỡ, Thơ đành ôm con gái mới sinh về nước.
Hàng ngày, Thơ và gia đình chịu nhiều lời gièm pha, cho rằng có con gái lấy chồng nước ngoài mà ở nhà lá, phải đi mua từng lon gạo. "Nó nghe vậy chịu không nổi, mặc cảm với láng giềng nên bỏ đứa con chưa được một tuổi lên Sài Gòn làm việc mấy năm qua. Đời nó bạc lắm, Tết vừa rồi cũng không được về thăm con vì chủ bắt ở lại làm", bà Thanh, mẹ Thơ, chua xót.
Vợ chồng bà Thanh sống cùng bé Ỷ trong căn nhà tình thương do chính quyền địa phương cất cho. Do ngày về vội vã nên người mẹ không nhớ cầm theo giấy khai sinh của con gái, khiến bé rơi vào trường hợp trẻ "vô thừa nhận", không thể nhập hộ khẩu cùng ông bà ngoại, không được hỗ trợ về bảo hiểm xã hội. Đầu năm học này, chồng bà Thanh phải chạy đi khắp nơi để làm giấy tờ cho cháu gái đến trường.
"Mỗi khi con bé khóc đòi cha mẹ, nghe mà đứt ruột. Hai vợ chồng già nhìn nhau rơi nước mắt", bà Thanh thở dài và lo lắng "mai mốt nó học cấp 2, cấp 3, nhà nước có cho học nữa không, có được làm giấy chứng minh nhân dân không?".
Năm 2015, Cần Thơ và Hậu Giang cấp gần 200 khai sinh cho con lai được sinh ra tại Việt Nam khi mẹ mang bầu về nước. Riêng, tại cù lao Tân Lộc có khoảng 30 trẻ con lai được chính quyền địa phương linh động tạo điều kiện cho học hành, đến nay có em học tới lớp 10.
"Vấn đề rắc rối là các em có quốc tịch nước ngoài phải đợi đến 18 tuổi mới tự quyết chọn quốc tịch nào. Còn những trường hợp phụ nữ mang bầu về nước sinh, để thuận đảm bảo các quyền lợi cho đứa trẻ thì khai sinh không có tên cha", cán bộ tư pháp địa phương nói và cho biết sau này nếu người cha muốn nhìn con thì phải nhờ tòa án giải quyết.
Mới đây, qua rà soát, ngành chức năng Cần Thơ thu hồi 6 giấy khai sinh được cấp cho những đứa trẻ theo mẹ về Việt Nam. Trước đó, chính quyền địa phương đã "uyển chuyển" cho ông bà ngoại, cô dượng... của những đứa trẻ ngoại quốc này đứng tên là cha mẹ để cấp giấy khai sinh không đúng quy định.
"Thật sự địa phương luôn tạo điều kiện cho các trẻ này nhưng thực tế vẫn bị hạn chế quyền lợi so với những em Việt Nam, cần có chính sách cụ thể rõ ràng hơn cho các trường hợp này", một cán bộ ngành tư pháp Cần Thơ nhìn nhận.
Hiện nay, ngành tư pháp ở các địa phương miền Tây tư vấn cho những gia đình có mang giấy khai sinh về Việt Nam thì dịch ra tiếng Việt, chứng thực của cơ quan chuyên môn để trẻ được đi học. Trường hợp không mang khai sinh về, gia đình phải đến cơ quan Tổng lãnh sự tại TP HCM nhờ trích lục lại và xác nhận…
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ - những năm gần đây, tình trạng phụ nữ miền Tây, trong đó có Cần Thơ kết hôn với người nước ngoài diễn biến phức tạp, hầu hết qua các đường dây môi giới vì mục đích kinh tế. Đồng thời, số trường hợp về nước ly hôn chồng ngoại cũng tăng lên.
Ông Xuân cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần ký hiệp định tương trợ tư pháp về hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt đối với các nước có số đông phụ nữ Việt lấy chồng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân; vấn đề quốc tịch của các cô dâu sau khi kết hôn; khai sinh và quốc tịch của các trẻ sinh ra mang hai dòng máu…
"Đây là những nội dung pháp lý đặt ra từ thực tiễn các quan hệ hôn nhân với người nước ngoài mà chính phủ Việt Nam và các ngành chức năng trong nước cần quan tâm, có hướng dẫn cụ thể hơn", Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ nói.
Cửu Long
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.