Nhà Mèo và câu chuyện cô chủ nhặt nuôi hàng trăm chú mèo bệnh tật về chăm sóc: "Nếu sống, con sẽ được ở lại đây mãi mãi"
Chuyện kể rằng, trong căn nhà nhỏ ngập tràn nắng và gió, nằm vắt vẻo trên cao, có những người anh em nghịch ngợm nô đùa bên nhau. Tuy không cùng một mẹ sinh ra, nhưng chúng xem nhau như ruột thịt. Cuộc sống mỗi ngày đều đặn những niềm vui, không lo toan, cũng chẳng muộn phiền.
"Xin chào các bạn, mình là Xám, 8 tuổi. Khi mới tròn 2 tháng, mình bị liệt vì thiếu canxi, thêm căn bệnh động kinh khiến cái đầu và cơ thể mình chẳng bao giờ chịu đứng yên. Toàn bộ da gáy chỉ toàn máu và vẩy. Bác sĩ bảo mình bị tổn thương dây thần kinh cổ gáy. 8 năm rồi, mình chưa bước chân ra khỏi nhà nửa bước. Tuy không thể đi lại hay chạy nhảy, nhưng cô chủ khen mình rất ngoan và thông minh".
"Meo meo meo, mình tên là Bông Trắng. Cách đây 2 năm, mình ngã từ tầng 3 xuống mặt đường trên phố Võ Thị Sáu. Mình cứ nằm trên vỉa hè, mòn mỏi đợi chờ cái chết, cho đến khi mình được một bác sĩ thú y bế về nhà chăm sóc. Mình bị gãy xương sống, bác đã bó bột, rồi đặt mình vào trong một chiếc lồng. Nhưng theo thời gian, da mình dần bị cọ xát dẫn đến nhiễm trùng. Một ngày nọ, cô chủ nhìn thấy mình. Cô đưa mình về nhà. Nếu không được cô chăm, mình chỉ còn nước... chết".
"Còn mình là Bông Xù. Mình bị chủ vứt ngoài đường do bị chó cắn ngang lưng, gãy cột sống. Bên cạnh mình là em Hoàng Mun, em bị thiếu canxi đến nỗi cột sống cong lõm chữ C, xương 2 tay cong khuỳnh, liệt 2 chân sau, xương lồng ngực không phát triển chèn ép phổi, khiến em triền miên suy hô hấp. Em phải chịu cực hình đau đớn do viêm tuỷ, mỗi khi nâng người, nhẹ cũng làm em kêu khóc.
Nhưng chúng mình đang dần ổn lên, từ ngày được cô chủ chăm sóc. Em Hoàng Mun đã tự lết được đến bát ăn, đi thăm thú căn nhà được đoạn ngắn. Em còn tự đi tiểu. Vậy là, em có thể sống. Còn mình đã lên được 0.8kg, lông mọc dày xoăn tít. Các bạn thấy 2 chị em mình có đáng yêu không?".
Cô chủ nhặt nuôi hàng trăm chú mèo bị bỏ rơi về nhà chăm sóc và ngôi nhà hạnh phúc mang tên Nhà Mèo. Thực hiện: Minh Nhân.
"Xin chào mọi người, bọn mình là anh em Nhà Mèo, gồm anh Xám, chị Bông Trắng, em Bông Xù và em Hoàng Mun".
Bác Trắng Tròn béo tròn ục ịch khoác lên mình bộ lông trắng muốt. Bác Nghìn Năm Thăng Long sinh đúng giây phút lịch sử, 10 giờ ngày 10/10/2010. Mẹ mèo Cụt bị chặt mất một bàn chân phải. Còn em Mi Sa, bác Mướp Mòi nữa. Ôi nhiều tên quá, đến cô chủ còn không nhớ nổi.
Nhà Mèo chỉ vỏn vẹn hơn 20 mét vuông, nhưng 17 năm qua, cô chủ đã cưu mang không biết bao nhiêu "hoàng thượng". Mỗi em, mỗi hoàn cảnh, nhưng đều chung số phận, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.
Nhà Mèo và cô chủ chăm sóc, cứu chữa hàng trăm mèo bị bỏ rơi
7h sáng, cô chủ lục đục bật dậy, quét tước, dọn dẹp, thay bát nước, cho lũ mèo ăn. Sỉ số 27, có 4 bạn bị ốm nặng, là Xám, Hoàng Mun, Bông Trắng và Bông Xù, sẽ được cô chăm sóc riêng. Ngày trước, khi mang chúng về, cô chỉ nghĩ tắm sạch, thay cho chúng bộ áo mới, thắp đèn sưởi ấm, cố đút vài miếng ăn, vuốt ve âu yếm, để lúc ra đi, ít nhất chúng còn cảm thấy được yêu thương.
Vậy mà, 4 đứa nhỏ đã có thể hồi sinh một cách kỳ diệu.
Cô chủ Nguyễn Thúy Hải năm nay đã 55 tuổi, sống trong một khu tập thể cũ ở Hà Nội gần 30 năm. Trước đây, cô làm rất nhiều việc, như kinh doanh điện lạnh, dạy bơi. Từ khi cứu chữa những chú mèo bị bỏ rơi, cô chẳng còn thời gian dành cho công việc nữa. Cô mở một quán game nho nhỏ, vừa cưu mang chó mèo, cũng vừa có chút thu nhập mua thức ăn, chỉ trả viện phí cho các em.
Cách đây 17 năm, cô Hải tự ví mình như một "nhà thuốc di động". Hễ mèo xung quanh bị thương, cô đều mang thức ăn, bông băng đi cứu chữa. Nhà cô khi đó chật ních, chỉ có một gian chưa đến 20 mét, cô không nghĩ mình có thể đưa tất cả những con vật đáng thương như thế về nhà.
Căn nhà nhỏ của cô Hải ở một khu tập thể cũ, được cải tạo và cơi nới thành nơi chăm sóc cho lũ mèo nhỏ bệnh tật bị bỏ rơi.
Đến năm 2009, cô gặp Mẹ Mèo Cụt nằm thoi thóp ở ngõ 57 Láng Hạ. Cô quyết định mang nó về, nhà cửa có thế nào cũng mặc kệ. Từ đấy trở đi, vì thương, nhặt được đứa nào, cô đều bế về chăm sóc. Người với mèo sống chung, chật nhưng tình cảm! Cách đây 4 năm, cô Hải cơi nới, làm cho lũ mèo một "căn nhà" riêng, đặt tên là Nhà Mèo.
"Nếu như thực sự để tâm, chúng ta dễ nhận thấy nhiều bé mèo rất đáng thương, có chủ cũng như không, khổ hơn cả mèo hoang tự kiếm ăn. Cô không thể nhớ hết được mình đã cưu mang tổng cộng bao nhiêu đứa, từ cách đây 17 năm. Cứu xong, đợi chúng khỏe mạnh, cô lại tìm chủ mới để chúng được yêu thương đủ đầy".
Nhưng, với những em mèo cô từng thì thầm: "Cố gắng vượt qua cơn nguy kịch để tiếp tục sống. Nếu sống, con sẽ được ở lại đây mãi mãi", nếu cô xem đó như một lời động viên, rồi khi nó sống, cô tìm chủ mới thì nó sẽ rất buồn. Cô hứa với đứa nào, cô sẽ phải cố gắng giữ lời với đứa đó, chăm sóc chúng như thành viên trong gia đình.
Sau khi ăn no, em Bông Xù được cô chủ bôi thuốc. Bông Xù bị chó cắn ngang lưng, gãy cột sống.
Nhà Mèo rộng chừng 10 mét vuông, có khung cửa sổ rất "chill".
Việc đầu tiên mỗi khi nhặt mèo về, cô Hải thường phi ngay tới bệnh viện, nếu tình trạng bệnh của chúng vượt ngoài tầm xử lý của cô. Có những bé đã cận kề cái chết, thậm chí cái chết sẽ tới, chỉ vài tiếng nữa, nếu như cô không cứu.
Thời gian này, thông thường 3h sáng cô mới đi ngủ. Từ khi đón em Hoàng Mun về nhà, cứ 4 tiếng cô cho em ăn một lần. Cô dành thời gian "chữa bệnh online", nhất là vào mùa bệnh dịch, bằng chính kinh nghiệm vốn có của bản thân. Cô viết sẵn hướng dẫn, chụp ảnh vỉ thuốc, gửi cho các "sen" qua Facebook. Đôi khi, chỉ cần dành cho mỗi bé mèo 5 đến 10 phút, là chúng có thể sống được.
Cô bỏ hoàn toàn sở thích của mình. Cô đam mê bơi lội, và ngành nghề này cũng có thể mang lại cho cô thu nhập tốt, bản thân lại được rèn luyện sức khỏe. Cô "nghiện" khiêu vũ cổ điển. Trước đây, không buổi tối nào cô vắng mặt trên các "sàn nhảy". Cô rất hào hứng với bộ môn múa bụng. Thế nhưng, từ ngày làm "mẹ" của hàng chục bé mèo đáng thương, thời gian đáng nhẽ dành để rèn luyện thân thể, cô bỏ hết, ở nhà chăm sóc "đàn con thơ".
Kể cả là đi du lịch, đi nghỉ mát, cô cũng không có. Thôi thì, 8 năm nay cô không đi đâu quá nửa ngày.
"Có những bé bị bệnh hiểm nghèo mà cô biết quá muộn, thì cô đành chấp nhận nói lời từ biệt. Cô cố gắng chăm chút, chiều chuộng, để chúng được yêu thương, ấm áp đến giây phút cuối cùng. Rồi, cô sẽ chôn cất các em thật tử tế...".
Thấy khách lạ đến nhà, lũ mèo chạy nhảy tán loạn hết cả lên.
Nhà Mèo hiện tại có 27 em, 4 em đang bị ốm, được cô Hải chăm sóc riêng. Các em còn lại đều khỏe mạnh, tung tăng nô đùa.
"Ơ, có ai đến nhà mình chơi thế nhỉ?".
"Cô toại nguyện khi lũ nhỏ sống khỏe và hạnh phúc mỗi ngày"
Cô Hải vui mừng vì doanh thu từ quán game đủ để nuôi sống cô và lũ mèo, dù tiền ăn cho các em không phải là con số nhỏ. Các bác sĩ cũng không thể miễn phí 100% tiền khám chữa bệnh. Nhưng cô vẫn luôn tự hào, dù đã gần 60 nhưng không phải cậy nhờ con cái.
Trước đây, tối nào, bữa cơm của Nhà Mèo cũng có thịt. Giá thịt tăng, cô giảm xuống 1 tuần 3 bữa, 2 bữa. Dù đắt nữa, cô vẫn cố duy trì 1 bữa, để cải thiện dưỡng chất cho lũ nhỏ.
"Khi mình còn trẻ, cuộc sống khó khăn, chỉ kịp nghĩ đến cơm áo gạo tiền, nuôi con còn chẳng đủ. Đôi khi nhìn những con vật bị đánh đập, hành hạ, thực sự cô cảm thấy đau tận tim, nhưng nói thật phải "nhắm mắt làm ngơ". Đến khi buôn bán kinh doanh có chút tiền, lúc ấy cô mới quyết tâm dùng tiền làm những việc thiện".
Cô Hải vẫn cứ đùa, cả đời cô chưa mất một đồng tiền nào mua mèo, nhưng nhà vẫn đầy ắp tiếng kêu rạo rực của chúng, cao điểm lên tới 40 đứa, cứ mải miết trêu đùa trong căn nhà Mèo ấm áp.
Bác Xám bị động kinh nên mỗi khi vào giờ ăn, cô Hải đều phải giữ chặt đầu để bác có thể "mổ" đúng từng hạt.
Bác Xám không thể tự uống nước, cô chủ dùng xi lanh bơm nước cho bác.
Mỗi lần cho Hoàng Mun ăn sữa, cô Hải phải dùng xi lanh. Sau 16 ngày, "hoàng thượng" đã có thể khỏe lên, tự lết đi lại trong nhà.
Hạnh phúc với cô diễn ra hàng ngày, giản đơn và mộc mạc.
Đối với cô, khi dọn dẹp xong, đổ thức ăn ra bát, các em ùa vào ăn tới tấp. Cô hạnh phúc, bởi vì các em vẫn khỏe mạnh.
Đối với cô, khi cứu một em mèo, dù biết rằng nó sẽ phải chết, nhưng kì diệu thay, nó lại sống và ngày càng khỏe mạnh. Cô hạnh phúc ngập tràn.
Đối với cô, chỉ cần gọi nhẹ "Bông ơi", mèo con với tay qua nan lồng kéo áo. Rồi nó nằm lăn ra đất, đòi được nũng nịu, đòi được xoa bụng, dù 2 cái chân liệt đã teo tóp như cành cây khô. Nhưng nó vẫn thể hiện mình là 1 bé mèo cần được yêu thương và được vuốt ve. Nó muốn mình bày tỏ tình cảm với nó và nó cũng muốn đáp trả lại mình. Đó là giây phút cô cảm thấy hạnh phúc nhất.
Bởi thế, khi nhặt mèo ngoài đường về nuôi, cô không dám hứa chúng có thể đi lại bình thường hay hoàn toàn khỏi bệnh. Nhưng để giúp chúng kéo dài sự sống, cô luôn sẵn sàng.
"Khi chó mèo gặp nạn hoặc ốm đau, vì rất nhiều lý do, chủ vứt bỏ chúng một cách nhanh chóng. Chìm vào cơn đau khổ, chúng cũng cần được yêu thương, được chăm sóc. Lúc chúng cần nhất một chỗ dựa, thì con người lại vứt bỏ ra ngoài đường.
Rất may mắn, những lần tới Bệnh viện thú y, thông qua những theo dõi, cô thấy các bạn trẻ bây giờ đã biết cách yêu thương động vật. Dù không nhiều kinh nghiệm, nhưng thứ các bạn sẵn lòng chia sẻ đầu tiên, là tình yêu thương".
55 tuổi - lứa tuổi không ai dám nói trước tương lai, bệnh xương khớp của cô chủ cũng đến lúc trở nặng. Suy nghĩ mình khỏe như... "đấng thanh niên" đành dẹp qua một bên, cô Hải biết, đã là tuổi tác phải chấp nhận mình là một bà lão rồi.
Cô cười.
Chị mèo trắng 2 màu mắt tới hỏi thăm sức khỏe em Hoàng Mun.
"Hãy biết yêu thương không dùng từ chó mèo nói riêng hay động vật nói chung, mà là những sinh mạng sống. Khi chúng ta coi nhẹ, không trân trọng sự sống xung quanh thì sẽ còn tồn tại mãi mãi câu chuyện ăn thịt chó mèo. Đó là một hành động rất đau lòng mà con người không thể bao biện rằng là thói quen hay tục lệ.
Tuổi thọ của chó mèo, nếu mình chăm sóc tốt, có thể kéo dài hơn 20 năm. Đừng ngần ngại giang tay đón nhận chúng. Tiền bạc, thời gian không quan trọng, mà trên hết là sự nỗ lực, tình thương, lòng trắc ẩn với con vật. Cô cũng như bất kể ai, một ngày chỉ 24 tiếng, không dư dả tiền bạc, sức khỏe lại yếu. Nhưng nếu cô có thể, thì mọi người cũng có thể!".
Đến thời điểm cô Hải cảm thấy không thể tiếp tục sứ mệnh này, cô mong muốn có ai đó thay mình chăm sóc lũ mèo nhỏ. Cô hiểu, thứ mình cho đi là tình thương, thì khi nhận lại, không gì quý giá hơn niềm hạnh phúc giản dị.
Cô toại nguyện khi lũ nhỏ sống khỏe và hạnh phúc mỗi ngày.
Giữa Thủ đô, có căn nhà nhỏ bình yên mang tên Nhà Mèo, nơi mà mọi sóng gió dừng lại sau cánh cửa, dành trọn nắng ấm và gió mơn man mỗi ngày.
Theo Tri Thức Trẻ
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.