Nếu yêu thương thật lòng, xin hãy để cho Công Phượng được yên!
1. Có một câu chuyện kể rằng có một cậu bé sống cùng cha của mình. Ông làm nghề huấn luyện ngựa. Do công việc của mình, cha con họ sống như những người du mục. Ông đi từ trang trại này đến trang trại khác để huấn luyện những con ngựa chưa được thuần hóa.
Cũng vì thế, công việc học hành của chú bé không được ổn định lắm. Một hôm, thầy giáo bảo cậu bé viết một bài luận văn với đề tài "Lớn lên em muốn làm nghề gì?".
Đêm đó, cậu bé viết bảy trang giấy mô tả khát vọng ngày nào đó sẽ làm chủ một trang trại nuôi ngựa. Em diễn đạt ước mơ của mình thật chi tiết. Thậm chí em còn vẽ cả sơ đồ trại nuôi ngựa tương lai với diện tích khoảng 20 mẫu, trong đó thể hiện rõ chỗ nào xây nhà, chỗ nào đặt làm đường cho ngựa chạy.
Viết xong, cậu bé đem bài nộp thầy giáo. Vài ngày sau, cậu bé nhận lại bài làm của mình với điểm 1 to tướng cùng một dòng phê đỏ chói của thầy "Đến gặp tôi sau giờ học".
Thế là cuối giờ cậu bé đến gặp thầy và hỏi:
- Thưa thầy, tại sao em lại bị điểm 1?
- Em đã hoạch định một việc mà em không thể làm được. Ước mơ của em không có cơ sở thực tế. Em không có tiền, lại xuất thân từ một gia đình thậm chí đến chỗ ở ổn định còn không có. Nói chung, em không có được một nguồn lực khả dĩ nào để thực hiện những dự tính của mình. Em có biết để làm chủ một trang trại nuôi ngựa thì cần phải có rất nhiều tiền không? Bây giờ tôi cho em về làm lại bài văn. Nếu em sửa chữa nó thực tế hơn thì tôi sẽ cứu xét đến điểm số của em. Rõ chưa?
Hôm đó, cậu bé về nhà và nghĩ ngợi mãi. Cuối cùng cậu gặp cha để hỏi ý kiến.
- Con yêu, chính con phải quyết định, vì cha nghĩ đây là ước mơ của con.
Nghe cha đáp, cậu bé liền nhoẻn miệng cười và sau đó đến gặp thầy giáo của mình:
- Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của mình, còn em xin được giữ ước mơ của mình.
Rất nhiều năm sau đó, vị thầy giáo tình cờ dẫn 30 học trò của mình đến một trang trại ngựa rộng đến 200 mẫu để cắm trại. Tình cờ, đó chính là trang trại của cậu học trò ngày xưa. Thầy trò họ nhận ra nhau.
Cầm tay cậu học trò ngày xưa, ông thầy ngậm ngùi: "Khi anh còn học với tôi, tôi đã đánh cắp ước mơ của anh, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác, tôi rất ân hận về điều đó".
2. Ngày Công Phượng sang châu Âu, ngay sau thất bại trên đất Hàn Quốc, rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam, cũng như giới chuyên môn ngạc nhiên. Nhưng trước báo giới, Công Phượng dõng dạc: "Tôi chắc chắn sẽ thành công", "Tôi muốn mở lối ra châu Âu cho cầu thủ Việt Nam". Lần xuất ngoại này, với Công Phượng không đơn thuần chỉ là một chuyến đi, mà còn là chuyến đi đến với giấc mơ.
Chuyến đi này, có thể thấy Công Phượng thanh thản hơn rất nhiều, dù khó khăn gấp bội. Nếu như hai chuyến đi trước đến Nhật Bản và Hàn Quốc, gánh nặng làm hình ảnh, thương hiệu cho CLB của mình đè nặng lên đôi vai, thì lần này, gánh nặng duy nhất mà anh phải mang hoàn toàn chỉ là chuyên môn.
Bản thân Công Phượng đang hạnh phúc với cuộc sống "ẩn danh" của mình ở Bỉ, bởi: "Ở Việt Nam, hầu như tôi không thể uống cafe ở bất cứ đâu. Tôi bị nhiều người tiếp cận dồn dập ở mọi nơi. Còn ở Bỉ, tôi được sống ẩn danh hoàn toàn. Điều ấy thật tuyệt vời".
Tuy nhiên, nếu như Công Phượng cảm thấy hạnh phúc khi không mấy người chú ý đến mình ở CLB mới, thì bản thân đội bóng mà anh đang đầu quân lại bị làm phiền thực sự. Những phản hồi đầy cay cú của người hâm mộ Việt Nam làm người hâm mộ Sint Truidense thấy mình bị xúc phạm thực sự.
Người hâm mộ của Phượng viết trên fanpage của đội bóng khi hay tin anh không được đăng ký trong trận đấu gần nhất của Sint Truidense viết: "Tôi ước gì Sint Truidense thua trận đấu này thật đậm, có thể là 0-7", "Bắt đầu giống bên Hàn Quốc. Cho đi đá giao hữu, xong cho ra sân mấy phút cuối, xong loại khỏi danh sách thi đấu. Thôi thì chúc Sint Truidense may mắn, đừng thua quá đậm là được".
Những dòng bình luận ấy khiến cổ động viên của Sint Truidense khó chịu thực sự. Họ viết: "Xin các bạn hãy xem, cổ vũ cho đội và tạm dừng những bình luận ngu ngốc", hay "Hãy ngừng những bình luận chống lại đội bóng. Tôi không thích các ủng hộ Công Phượng của các bạn. Xin tạm biệt và chúc may mắn".
Nhiều năm trước, trận ra mắt Man United của Patrice Evra - một trong những huyền thoại của Quỷ đỏ thành Manchester, là một thảm họa thực sự. Anh bị thay ra sớm, cùng lời mắng của Sir Alex: "Quá đủ cho cậu rồi! Ngồi xuống và nhìn, bởi cậu phải học đá bóng ở Anh".
Nhưng với Evra, anh luôn coi trận đấu ấy là điểm sáng trong sự nghiệp của mình, bởi anh cần thứ kinh nghiệm ấy - thứ cảm giác rằng mình chẳng là cái quái gì cả, thứ cảm giác mà Công Phượng đã và đang được trải nghiệm trên đất Bỉ.
Sẽ thế nào nếu lần tập trung cho trận đại chiến với Thái Lan sắp tới đây, Công Phượng không được gọi tập trung? Ngày ấy, sau mùa giải đầu tiên với Man United, Patrice Evra cũng từng khủng hoảng nặng khi phải ngồi nhà nhìn các đồng đội ở Man United là Louis Saha và Mikael Silvestre đưa đội tuyển Pháp vào tận chung kết World Cup.
Để rồi hậu vệ trái huyền thoại của Man United lao vào tập luyện như điên suốt cả mùa hè, để rồi khi mùa giải mới bắt đầu, Evra trở nên mạnh mẽ và nhanh nhẹn hơn bao giờ hết, và từ đó, anh trở nên không thể ngăn cản, để rồi ghi tên mình vào lịch sử Man United.
Công Phượng kiến tạo thành bàn trong trận giao hữu của Sint Truidense
Ngày ấy, cậu bé ngày nào đã trở thành chủ trang trại ngựa đáp trả lại lời của ông giáo già: "Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả. Chẳng qua thầy chỉ muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với học trò của mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình".
Công Phượng đang theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình. Những người yêu mến anh cũng muốn được nhìn thấy ngày ấy. Nhưng trên còn đường ấy, những lời mạt sát dành cho Sint Truidense - CLB mà Cộng Phượng đang đầu quân, chỉ làm cho con đường ấy của Công Phượng trở nên trắc trở hơn, gậnh ghềnh hơn mà thôi.
Thay vào đó, hãy đặt niềm tin vào những người Nhật đang quản lý CLB này, những người đã từng đưa một Takehiro Tomiyasu chỉ sau có một năm rưỡi thi đấu tại đây tăng giá từ 800.000 euro lên đến 9 triệu euro khi bán cho Bologna khi mùa bóng vừa qua kết thúc.
Đấy mới là đem những điều tốt đẹp nhất đến cho Công Phượng, phải không?
theo Tritnuctre
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.