Lê Hoàng Uyên Vy tham vọng xây dựng công ty công nghệ vượt tỷ đô
Nữ doanh nhân trẻ đang từng bước thực hiện giấc mơ đưa công nghệ Việt sánh ngang tầm với các quốc gia trên thế giới.
Gần giữa năm 2017 Lê Hoàng Uyên Vy bất ngờ rời vị trí CEO Adayroi, một dự án thương mại điện tử của Vingroup sau gần 3 năm gắn bó. Sau đó chị sang Mỹ học về mảng thực tế ảo (Virtual reality). Đầu năm nay, chị trở lại Việt Nam đảm nhận vị trí General Partner (Đối tác Điều hành) của Quỹ ESP Capital.
Quỹ ESP Capital được thành lập vào tháng 3/2017 có trụ sở chính ở Singapore và chi nhánh ở TP HCM. Quỹ được góp vốn bởi các cổ đông là người Việt Nam với quy mô 20 triệu USD. Hiện nay ESP đang tập trung đầu tư vào những công ty khởi nghiệp công nghệ đang ở giai đoạn đầu (vòng gọi vốn seed) với số tiền đầu tư từ 200.000 USD đến 300.000 USD.
Thất bại đầu đời
Lê Hoàng Uyên Vy tốt nghiệp thủ khoa Đại học Georgetown University, ngành Tài chính. Trước khi giữ vị trí CEO Adayroi của Vingroup, chị từng sáng lập chuỗi cửa hàng ăn vặt Aiya, và website Chon - chuyên về thời trang và làm đẹp.
Mặc dù học ngành Tài chính nhưng Uyên Vy lại có đam mê với công nghệ. Ngay từ năm 11 tuổi khi tiếp xúc với internet lần đầu tiên, chị đã hoàn toàn bị công nghệ số chinh phục.
Năm 13 tuổi, chị đã tự mày mò và thiết kế website đầu tiên mang tên mình. Sau đó, biết các công ty công nghệ ở Việt Nam cung cấp dịch vụ thiết kế web với giá 14 triệu đồng, cô nữ sinh nghĩ ngay đến việc thiết kế web để bán với mức giá chỉ 4 triệu đồng và tự đặt tên công ty là Tmspeed Network.
Sau một thời gian thiết kế web, Uyên Vy nảy ra ý định kinh doanh nơi lưu trữ (web hosting) do nhu cầu tìm kiếm nơi lưu trữ cho website bắt đầu tăng nhanh tại Việt Nam. Ban đầu, để giới thiệu dịch vụ đến đông đảo người dùng, chị cung cấp web hosting miễn phí cho học sinh, sinh viên, hy vọng từ đó có thể bán được những web hosting cao cấp hơn cho các doanh nghiệp. Chỉ sau vài tháng, một tờ báo uy tín đăng tin về dịch vụ web hotsting của chị, nhờ thế cô bé tuổi teen có được một lượng khách hàng kha khá.
Tuy nhiên, thành công không lâu thì chị hoàn toàn rơi vào khủng hoảng khi hệ thống máy chủ bị tin tặc tấn công. Mới 14 tuổi phải đối mặt với sự giận dữ và phẫn nộ của khách hàng, Uyên Vy vẫn dũng cảm tìm cách khôi phục máy chủ và bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Chính lần thất bại này đã giúp Uyên Vy rút ra nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh. Chị tâm sự: “Lúc ấy mới 14 tuổi, cái gì cũng không biết nên ý tưởng ra tới đâu làm tới đó mà không có cái nhìn tổng thể. Vì thế tôi không hề lường trước được hậu quả bị tin tặc tấn công. Nhờ vậy tôi nhận ra còn quá nhiều điều phải học trước khi bắt đầu một câu chuyện kinh doanh mới. Tôi lựa chọn ngành Tài chính vì nó hỗ trợ thiết thực cho công việc quản trị kinh doanh, trong khi đó tôi vẫn có thể tự học và theo đuổi đam mê công nghệ”.
Hiện thực hóa giấc mơ công nghệ Việt
Sau thời gian du học tại Mỹ, Lê Hoàng Uyên Vy quay trở lại Việt Nam với niềm tin thương mại điện tử là công cụ hiệu quả nhất giúp cải thiện chất lượng đời sống. Năm 2010, chị bắt tay xây dựng website Chon để kết nối những thương hiệu thời trang nổi tiếng ở Việt Nam. Đây là địa chỉ để những người yêu thích thời trang có thể lựa chọn sản phẩm, so sánh giá cả và mua sắm dễ dàng tiết kiệm thời gian nhất.
Sau hơn 4 năm hoạt động, Chon sát nhập vào Adayroi - trung tâm thương mại điện tử của Vingroup với hơn 12 ngành hàng, trong đó có những sản phẩm phổ biến như: điện tử, thời trang, du lịch, hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm trực tuyến. Sau thời gian phụ trách hoạt động kinh doanh, chị được giao vị trí CEO của dự án thương mại điện tử này, khi mới 27 tuổi.
Gần 3 năm gắn bó với Vingroup, Lê Hoàng Uyên Vy vẫn ấp ủ niềm tin hiện thực hóa giấc mơ công nghệ Việt. Chị quyết định từ bỏ công việc ổn định với vị trí cao, tham gia vào quỹ đầu tư ESP Capital với mong muốn tạo cơ hội cho các start up công nghệ Việt Nam phát triển.
Mục tiêu xây dựng công ty công nghệ vượt tỷ đôla
Hiện nay quỹ đầu tư ESP Capital tập trung đầu tư cho các công ty có sản phẩm phục vụ nhu cầu cho khách hàng là giới trẻ, theo mô hình hệ sinh thái khép kín từ cung cấp việc làm, giáo dục, mua sắm, cho đến giải trí, du lịch.
Uyên Vy đánh giá: “Nhìn tổng thể thị trường công nghệ hiện nay, xét ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Indonesia đều có các công ty start up công nghệ được định giá hàng tỷ đôla. Trong khi đó, thị trường Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi: Hơn 96 triệu dân số, 70% dân số trẻ dưới 35 tuổi, thu nhập trung bình của người dân tăng trưởng nhanh và tỷ lệ sử dụng internet, điện thoại thông minh cao. Đặc biệt, các bạn trẻ Việt Nam được đánh giá là có trình độ công nghệ tốt. Nghịch lý là đến nay, Việt Nam lại không có một công ty start up nào được định giá tỷ đô”.
Lê Hoàng Uyên Vy nhận thấy thị trường công nghệ Việt Nam có rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, tuy nhiên khó khăn lớn nhất cho các start up công nghệ hiện nay chính là nguồn vốn. Thay vì ngồi chờ các nhà đầu tư ngoại thì quỹ đầu tư ESP Capital quyết định đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ đang ở giai đoạn đầu (hay còn gọi là seed).
ESP Capital là một trong những đơn vị đi tiên phong hỗ trợ các start up công nghệ Việt Nam phát triển các ứng dụng thiết thực để cải thiện chất lượng đời sống. Uyên Vy tâm sự: “Chúng tôi có tham vọng xây dựng và hỗ trợ các công ty này trở thành Unicorn (công ty có vốn hóa vượt một tỷ đôla)”.
Để thực hiện được mục tiêu xây dựng công ty công nghệ tỷ đô, ESP Capital không chỉ hỗ trợ vốn ban đầu cho các start up mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp này các vấn đề về quản trị, xây dựng sản phẩm, tối ưu hóa vận hành. Đồng thời, ESP còn hỗ trợ tìm kiếm thêm nhà đầu tư rót vốn vào các công ty công nghệ này ở giai đoạn phát triển tiếp theo. Bên cạnh đó với mô hình hệ sinh thái khép kín, các start up được nhận đầu tư của ESP có thể cùng liên kết hạ tầng khách hàng, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Lê Hoàng Uyên Vy tại hội nghị công nghệ ở Sydney.
|
Hiện nay ESP Capital đã đầu tư vào các start up như: Canavi, nền tảng việc làm dành cho nữ giới; Homedy, cổng thông tin bất động sản; Wefit, nền tảng kết nối phòng tập gym; Jamja, kênh tổng hợp tin khuyến mãi; Cooky, nền tảng chia sẻ công thức nấu ăn; Luxstay, nền tảng chia sẻ căn hộ dịch vụ ngắn hạn, …
Ngoài quỹ đầu tư ESP Capital, Lê Hoàng Uyên Vy còn xây dựng cộng đồng thực tế ảo có tên gọi là VR Society Vietnam. Đây là một tổ chức cộng đồng giúp kết nối, chia sẻ, phát triển lĩnh vực thực tế ảo tại Việt Nam. VR Society quy tụ những nhà sản xuất nội dung, nhà đầu tư và kỹ sư công nghệ trong mảng thực tế ảo để tạo ra những sản phẩm VR/AR chất lượng, giúp cho các start up. Điều này có thể tạo dấu ấn của công nghệ Việt Nam trên bản đồ VR của thế giới.
Tiêu biểu cho thế hệ doanh nhân hoàn toàn mới
Dù công khá bận rộn, Lê Hoàng Uyên Vy vẫn dành thời gian cho các hoạt động xã hội và sở thích cá nhân. Chi tâm sự: “Điều quan trọng nhất trong công việc chính là tôi luôn tận hưởng nó mỗi ngày, đồng thời vẫn dành thời gian cho sở thích cá nhân. Quan điểm sống của tôi rất đơn giản đó chính là thuận theo tự nhiên”.
Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực đa số nam giới nắm giữ vị trí lãnh đạo nhưng Lê Hoàng Uyên Vy lại không cảm thấy điều đó là trở ngại. Chị cho rằng phụ nữ ngày nay ngày càng tiến xa hơn trong lĩnh vực công nghệ và vũ trụ, không hề có rào cản nào về giới tính và nghề nghiệp trong tương lai, thậm chí những lãnh đạo nữ đôi khi còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Thảo Nguyên
Siêu trí tuệ: Tuyển thủ trí nhớ thế giới khiến khán giả "thót tim" khi thất bại ngay lần đầu thử thách
Loạt ảnh "lặng lẽ cau mày trong góc khuất" chứng minh cựu Hoàng phi Thái Lan vốn đã bị thất sủng từ lâu?
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.