Lam Trường: Bị đuổi khỏi sân khấu, quỵt tiền và tạo ra giấc mơ thanh xuân xa hoa của cả một thế hệ
Nhạc Việt từ cuối thập niên 90 tới đầu 2000 là một thời kỳ sôi động và phát triển rực rỡ, gắn với chương trình Làn Sóng Xanh. Có thể ví giai đoạn này như một dải ngân hà chói sáng và vô vàn ánh hào quang lấp lánh, chiếu rọi vào không gian giải trí, thưởng thức của công chúng.
Đây là thời điểm ra đời và định hình, lăng xê tên tuổi cho hàng loạt nghệ sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần, Thu Phương, Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng, Mỹ Tâm, Phương Thanh, Siu Black…
Mỗi nghệ sĩ đều sở hữu một phong cách, giọng hát, cá tính riêng và qua nhiều năm tháng lao động, đã tạo dựng được chỗ đứng riêng của mình trong lịch sử âm nhạc.
Và tất nhiên, nhắc đến Pop Việt giai đoạn này, không thể không nhắc đến Lam Trường – người thần tượng đúng nghĩa đầu tiên của khán giả.
Bị đuổi khỏi sân khấu, hát với mức cát xê 20 ngàn
Lam Trường không may mắn như nhiều ca sĩ cùng thế hệ với mình. Bản thân anh là một người rất đam mê âm nhạc, yêu thích ca hát, từ năm 3 tuổi đã biết nghêu ngao hát theo băng đĩa. Anh nói:
"Ngay từ bé, tôi đã mê nghêu ngao những giai điệu mình nghe được trên sóng radio, hay bắt gặp trên hè phố. Mặc dù không biết tiếng Anh, tôi vẫn có thể hát theo những bản nhạc ngoại quốc.
Tôi chìm vào giấc ngủ nhanh nhất cũng nhờ âm thanh phát ra từ chiếc máy phát băng nhựa. Trong giấc mơ, tôi thấy mình được biểu diễn trên sân khấu".
Tuy nhiên, Lam Trường lại sinh gia trong một gia đình bình dân có tới 11 người con, không liên quan tới nghệ thuật. Vì vậy, anh không có cơ hội được tiếp xúc và đào tạo về âm nhạc từ nhỏ.
Gia đình Lam Trường ngày đó sống trong một xóm lao động nghèo. Mỗi ngày, khi màn đêm buông xuống, anh đều phải theo trẻ con cùng xóm đi bán kẹo ở các sân khấu ca nhạc.
Nếu bạn bè tận dụng các đêm nhạc hội để kiếm tiền thì Lam Trường lại tranh thủ khoảnh khắc đó để được ngước nhìn lên ánh đèn sân khấu, chứng kiến những nghệ sĩ nổi tiếng như Bảo Yến, Nhã Phương, Ngọc Sơn biểu diễn.
Anh say mê tới mức quên cả việc bán kẹo, để bạn bè mang cả giỏ kẹo của mình đi bán.
Lam Trường chia sẻ rằng, thưở đó anh rất thần tượng danh ca Ngọc Sơn, chăm chú nghe đàn anh hát từng câu một và học theo. Mỗi khi nhìn Ngọc Sơn hát trên sân khấu, anh đều ao ước có một ngày được tỏa sáng như vậy.
Cứ thế, Lam Trường lớn lên với niềm đam mê ca hát. Không có điều kiện đứng trên sân khấu lớn, anh đi từng bước nhỏ như tham gia các cuộc thi hát quanh xóm, trường học, nhưng chưa bao giờ may mắn được giải cao. Anh nói:
"Chưa kể, từ bé đến trước lúc nổi tiếng, tôi đi thi hát đều trượt giải cao. Cuộc thi hát đầu tiên tôi tham gia là ở khu phố.
Khi đó tôi hơn bốn tuổi, nhưng quyết tâm phải giành giải đặc biệt là chiếc lồng đèn, hoặc ít nhất cũng phải được chiếc bánh trung thu. Cuối cùng chỉ nhận được cây đèn cầy vì đạt hạng khuyến khích. Tôi khóc rất nhiều".
Vào năm 1992, Lam Trường khi ấy đang là học sinh trường cấp ba Nguyễn An Ninh, đã lấy hết can đảm ghi tên tham dự một cuộc thi đua văn nghệ do trường tổ chức.
Lam Trường chỉ được hạng ba trong cuộc thi đó, nhưng cũng được tuyển chọn vào nhóm ca của trường với sự khuyến khích rất đặc biệt của cô giáo dạy nhạc.
Nhận thấy giọng hát đặc biệt và năng khiếu âm nhạc của Lam Trường, cô giáo này đã khuyên anh nên theo học nhạc. Từ đây, Lam Trường bắt đầu xác định được hướng đi của mình một cách rõ ràng hơn.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Lam Trường thi đỗ hai trường trường Đại Học Kinh Tế và Cao Đẳng Văn Hoá Nghệ Thuật. Nhưng để theo đuổi đam mê, anh đã quyết định bỏ trường Kinh tế để tập trung ca hát.
Quyết định này của Lam Trường đã vấp phải sự phản đối của bố anh, người luôn muốn con mình có một công việc ổn định hơn là ca hát lông bông.
Mặc cho bố phản đối, Lam Trường vẫn quyết tâm theo học nghệ thuật và tham gia nhiều cuộc thi ca hát khác nhau để chứng tỏ bản thân.
Anh còn hát trong các ban nhạc của trường để có dịp trình diễn tại các tiệc cưới hoặc những chương trình văn nghệ tại một số nhà hàng như Thiên Hồng, Bát Đạt, Mỹ Lệ Hoa, Đông Kinh…
Không những vậy, Lam Trường còn chủ động sinh hoạt cùng các bạn trong để khai thác một địa điểm bán cà phê và nuớc giải khát trong trường với giá rẻ cho sinh viên. Mục đích chính của anh là làm sao để có phương tiện trình diễn trên sân khấu.
Lam Trường làm mọi việc chỉ để được theo đuổi con đường ca hát, nhưng chặng đường thành công đến với anh khá muộn và gặp nhiều gian nan, trắc trở.
Từ năm 1993-1994, Lam Trường đã được xuất hiện trong Mưa bụi – loạt chương trình âm nhạc ăn khách nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, anh không được khán giả chú ý và bị lấn át bởi ánh hào quang của những nghệ sĩ lớn như Kim Tử Long, Hồng Vân…
Lam Trường vẫn đi hát, nhưng mức cát xê rất thấp, chỉ khoảng 20 ngàn đồng. Anh nhớ lại: "Tôi còn nhớ, tiền thù lao đầu tiên tôi nhận được chỉ là bằng bốn tô phở ngon, chắc là gần 20.000 đồng lúc bấy giờ.
Tôi không may mắn như nhiều người nghĩ. Những ngày đầu chân ướt chân ráo làm ca sĩ, tôi cũng bị các quản lý đuổi khỏi sân khấu vì người ta nghĩ mình nhí nhố, hoặc có lúc bị quỵt tiền biểu diễn".
Nhưng Lam Trường vẫn không nản chí. Anh tìm cách hát không thù lao ở các sân khấu nhỏ để được tập sự, bất chấp việc những ca sĩ cùng thế hệ như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Phương, Bằng Kiều đã gặt hái được nhiều thành công.
Lam Trường cho rằng, anh cần phải trải qua một giai đoạn tập sự khắc nghiệt để thực sự chín muồi, rồi mới dám bước ra sân khấu. Đây là tư duy hiện đại, đúng nghĩa của một Idol chuyên nghiệp thực sự.
Và cuối cùng trời không phụ lòng người, Lam Trường dần được biết đến nhiều hơn. Anh được trung tâm băng đĩa Kim Lợi kí hợp đồng với giá 20 triệu. Đây là số tiên cực kì lớn vào thời điểm đó. Anh kể lại:
"Trung tâm Kim Lợi tìm ca sĩ mới cho trung tâm nên mời tôi về thử giọng và ký hợp đồng. Tôi nhớ giá trị của hợp đồng đầu tiên là 20 triệu, một số tiền quá lớn so với thời điểm bấy giờ. Từ đó, tôi bắt đầu đặt một chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp".
Ca sĩ đầu tiên của Việt Nam đạt tới tầm thần tượng âm nhạc, tạo nên giấc mơ xa hoa của thanh xuân cả một thế hệ
Cùng thời với Lam Trường hoặc đi trước anh đã có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng.
Nhưng ở Việt Nam khi ấy, do sự phát triển chậm của ngành công nghiệp âm nhạc, văn hóa giải trí nên các ca sĩ hầu hết nổi tiếng theo hướng artist, tự phát.
Tất cả họ đều là những người tài năng, nhưng cá tính âm nhạc lại quá mạnh để Pop hóa thuần thục và trở thành hình tượng đại chúng, khiến đông đảo giới trẻ theo đuổi.
Và sự xuất hiện của Lam Trường đã thay đổi cục diện âm nhạc, tạo nên hình ảnh ca sĩ mới chưa từng xuất hiện – hình ảnh ca sĩ thần tượng.
Lam Trường hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để trở thành một thần tượng âm nhạc của giới trẻ khi ấy: điển trai, lãng tử, hào hoa, hát thuần Pop, nhẹ nhàng và sở hữu nhiều hit lớn mang tính viral.
Lam Trường có không mạnh về vocal như các ca sĩ cùng thời, cũng không phải một cá tính âm nhạc nổi loạn, gây chú ý. Chính sự bằng phẳng của anh (ở cả giọng hát lẫn phong cách) đã tạo nên chất lãng tử, êm ái, xoa dịu tâm hồn của giới trẻ, đặc biệt là những cô gái mới lớn.
Lam Trường thực sự thông minh và nhạy bén trong khả năng nắm bắt, nhận định thị trường, biết đánh trúng đối tượng khán giả (gồm cả độ tuổi, giới tính). Anh luôn giữ cho mình sự chừng mực, không bộc phát, làm trò hay thể hiện hết con người trên sân khấu.
Trên sân khấu, Lam Trường lúc nào cũng dịu dàng, nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ, với phong thái hào hoa, mê đắm. Cách anh ứng xử, giao tiếp với khán giả qua âm nhạc, trò chuyện được xây dựng chuẩn thần tượng, luôn lễ phép, giữ khoảng cách.
Nhờ đó, Lam Trường tạo dựng được cho mình một hình ảnh đẹp như trong mơ, hoàn hảo như bước từ những bộ phim Hàn Quốc, HongKong. Nụ cười với má lúm đồng tiền của anh khiến bao khán giả phải chết mê chết mệt.
Giai đoạn cuối thập niên 90, đầu 2000, nhạc CantoPop và MandoPop đang làm mưa làm gió khắp thị trường châu Á, với làn sóng đến từ hàng loạt ngôi sao Hoa ngữ như Trương Quốc Vinh, Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu, Quách Phú Thành, Mai Diễm Phương… Làn sóng này đi từ phim ảnh tới âm nhạc.
Khán giả Việt cũng phát sốt với cơn sóng này. Họ mê mẩn lứa thần tượng đến từ HongKong, Trung Quốc, khát khao như đang sống trong những giấc mơ mà họ không thể chạm tới.
Nhận ra điều đó, Lam Trường đã là một trong những ca sĩ đầu tiên khai thác thành công dòng CantoPop và MandoPop tại Việt Nam, qua nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt và do chính nhạc sĩ Việt sáng tác, như Mưa phi trường, Tình đơn phương, Những lời dối gian, Biệt khúc, Tình là nhớ, Phút bối rối, Con đường tình yêu…
Nhờ đó, anh đã đem giấc mơ không thể chạm tới đó về Việt Nam, giúp khán giả có thể đến được gần hơn.
Khán giả Việt giờ đây đã có một thần tượng đúng nghĩa cho riêng mình, để thương để nhớ, để chờ đợi, để phát cuồng.
Họ lập fanclub, gọi Lam Trường trìu mến là anh Hai, sống cùng nhau qua cả một tuổi thanh xuân với người thần tượng mình yêu quý, trong không gian cộng đồng riêng (giống các fanclub Idol Kpop ngày nay).
Các fan bắt đầu có văn hóa in ảnh, in áo, căng băng rôn, khẩu hiệu, tặng quà dễ thương cho thần tượng. Lam Trường chia sẻ: "Ngày đó tôi đi hát được tặng nhiều gấu bông lắm, nhiều đến mức tôi không thể đếm được. Tôi đã dành hẳn một căn phòng để ấn gấu bông vào.
Có một điều đặc biệt là mỗi con gấu tôi được tặng có mùi thơm riêng, chủ nhân của nó xài mùi hương gì thì nó có mùi đó, nên trong phòng tôi thơm ngát".
Tóm lại, tất cả văn hóa về một thần tượng nhạc Pop đều tập trung ở Lam Trường. Sự xuất hiện của anh là đúng người, đúng thời điểm.
Lam Trường xuất hiện đúng giai đoạn khán giả Việt cần một thần tượng đúng nghĩa cho mình, để chạm được vào giấc mơ hào nhoáng của họ.
Vài năm sau đó, làn sóng Hallyu đời đầu tràn vào Việt Nam thông qua hàng loạt phim truyền hình ăn khách như Ước mơ vươn tới một ngôi sao, Mối tình đầu, Trái tim mùa thu… Khán giả Việt lại chuyển sang mê đắm với làn sóng này.
Lam Trường vẫn nhạy bén nắm bắt được thị trường. Anh chuyển sang hát những ca khúc Ballad Pop và làm nhiều MV mang đậm chất Hàn Quốc.
Về âm nhạc, các ca khúc Lam Trường hát sử dụng nhiều reverb, tăng bộ phối của Rock’n Roll, để tạo âm hưởng vang vọng, hiện đại mà vẫn da diết, lại có màu rất buồn (đúng không khí phim Hàn lúc đó), xoa dịu lòng khán giả.
Điển hình nhất là ca khúc Mãi mãi (cover lại nhạc phim Ước mơ vươn tới một ngôi sao).
Về MV, Lam Trường tận dụng các cảnh quay tại đường phố hoa lệ, với những tòa nhà cao tầng, con phố sáng điện. Anh còn sang cả Nhật để quay MV, nhằm bắt được những cảnh hoa lệ nhất chốn thành thị.
Trong MV, Lam Trường luôn vào vai một soái ca điển trai, hiện đại, trẻ trung và có phần khá giả, đúng phong cách phim Hàn ngày ấy.
Cứ thế, Lam Trường tạo ra được thứ nhạc thành thị đậm chất đại chúng và xoáy đúng thị hiếu khán giả trẻ. Anh tạo nên cho mình một không gian âm nhạc hoa lệ, lấp lánh ánh sáng, lung linh như một giấc mơ, khiến ai cũng muốn đắm chìm.
Sau này, Đan Trường cũng đi theo hướng của Lam Trường, nhưng lại thiên về cổ trang và mang một màu sắc khác.
Đến bây giờ, công chúng vẫn gọi Lam Trường là "thần tượng âm nhạc đầu tiên", là một phần thanh xuân của cả một thế hệ. Anh chia sẻ:
"Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, hay cười một mình khi được khán giả gọi là "thần tượng âm nhạc đầu tiên".
MV Tình là nhớ là điển hình cho phong cách của Lam Trường
Nhiều bạn nói với tôi, tuổi thơ của các bạn gắn liền với nồi bánh chưng, bánh tét, đốt đèn cầy đêm trung thu, cả Lam Trường và những bản nhạc như Tình thôi xót xa, Con đường tình yêu, Mãi mãi, Gót hồng... phát trên sóng radio mỗi sáng Chủ nhật trong chương trình Làn Sóng Xanh.
Đó là một cảm giác rất đặc biệt khi bản thân là một phần trong cuộc sống của rất nhiều người khác".
Giọng hát đẹp, ấm áp và một lối hát riêng
Tuy theo đuổi hình ảnh một thần tượng âm nhạc, nhưng Lam Trường vẫn có chất rất riêng của mình. Anh sở hữu giọng tenor 2 đầy đặn, ấm áp và có âm sắc đẹp, nên hát lúc nào cũng ngọt ngào, da diết.
Tình thôi xót xa - Lam Trường
Lam Trường có thể belt supported ở D4 và E4, với độ dày, khỏe khoắn, nhưng anh ít khi phô diễn. Bình thường, Lam Trường cũng chỉ hát trong quãng hẹp từ Bb3 tới E4, dù anh có thể xuống tới D3 và lên tới A4 ở một số đoạn nhả chữ.
Nét đặc trưng lớn nhất trong cách hát của Lam Trường là luôn nhấn mạnh âm hơi ở /x/, /s/. Các phụ âm Lam Trường hát đều bị biến đổi sao cho đi theo lối tắc xát (một lối phát âm được âm vị học nói đến), bật âm mạnh ra ngoài, không chú trọng tròn vành, rõ tiếng.
Cách hát này khiến Lam Trường hát duyên hơn và đi theo đúng chất CantoPop, hiện đại và trẻ trung.
Lam Trường không chú trọng nhiều vào kĩ thuật, nhưng luôn chú ý xử lí ca khúc sao cho thật cảm xúc, duyên dáng. Tuy theo đuổi dòng nhạc đại chúng, nhưng anh vẫn được xem là ca sĩ có chất lượng, cùng tầm với thế hệ Thu Phương, Hồng Nhung, Mỹ Linh.
Môt số ca khúc anh thể hiện lại còn thành công hơn những người đi trước vào khiến khán giả yêu thích, như Tình thôi xót xa.
Theo Trithuctre
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.