Nối lại đàm phán, tuyên bố sẽ không nâng thuế quan trừng phạt, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những động thái nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc. Đây là kết quả rất khả quan sau sự kiện thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tuần trước - điều khiến nhiều doanh nghiệp đang "ăn mừng".
Sau cuộc họp bên lề hội nghị, ông Trump và người đồng cấp - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã đồng ý tái đàm phán, mang đến những hy vọng về một thoả thuận sẽ sớm được đưa ra. Kết thúc sự kiện, ông Trump chia sẻ rằng cuộc họp với ông Tập đã diễn ra rất "tuyệt vời" và "tốt đẹp".
Nhiều ý kiến mong đợi rằng hai bên sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại vốn đã đổ vỡ từ 2 tháng trước - điều khiến ông Trump nâng thuế đối với Trung Quốc và áp lệnh trừng phạt với Huawei. Thế nhưng, Trung Quốc đã gần như có được những gì họ muốn từ cuộc họp lần này.
Những bên được hưởng lợi
Trung Quốc: Có thể Trung Quốc đã để thua tại World Cup ở Pháp, nhưng quốc gia này đã có "màn" thể hiện khá ấn tượng tại Hội nghị G20. Họ có được sự nhượng bộ của Mỹ. Ông Trump đồng ý không áp thuế với 300 tỷ USD hàng hoá còn lại và tiếp tục đàm phán. Tổng thống cũng "nương tay" với Huawei - đối mặt với tương lai đen tối khi chịu lệnh trừng phạt. Đổi lại, Trung Quốc đã đồng ý mua lại một số mặt hàng nông sản của Mỹ.
Các nhà bán lẻ của Mỹ (Walmart, Target, Amazon,...): Cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo kết thúc tốt đẹp, họ đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Trước đó, ông Trump đe doạ sẽ áp thuế đối với tất cả hàng hoá còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm smartphone, đồ cho trẻ em và giày dép. Thế nhưng, mối đe doạ thuế quan giờ đây đã được gỡ bỏ. Đây là một chiến thắng lớn cho những nhà bán lẻ vốn nhập khẩu gần như tất cả các sản phẩm được sử dụng cho những dịp lễ lớn, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8 và tháng 9.
Người tiêu dùng Mỹ: Thuế quan hiện tại của ông Trump khiến một gia đình phải chi thêm khoảng 800 USD mỗi năm. Bởi vậy, nếu Tổng thống vẫn giữ quyết định nâng thuế thì họ sẽ phải chịu mức chi phí cao gấp đôi - 1.600 USD.
Huawei: Hơn 1 tháng trước, chính phủ Mỹ đã cáo buộc "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc sử dụng điện thoại và các sản phẩm khác để theo dõi người dùng ở Mỹ. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã hạn chế hoạt động kinh doanh của Huawei đối với các công ty Mỹ, nhưng lệnh trừng phạt này đã được nởi lỏng vào cuối tuần trước. Đây là một chiến thắng lớn cho Huawei, bởi ông Trump đã không nghe theo một số cố vấn của mình và thậm chí là cả thượng nghị sĩ của đảng Cộng hoà. Động thái này cũng có ý nghĩa rằng ông Trump sẵn sàng đưa Huawei lên bàn đàm phán - điều mà Trung Quốc muốn nhưng một số cố vấn của ông Trump lại cố gắng đưa ra ngoài phòng họp bởi họ lập luận rằng hợp tác với Huawei là một vấn đề về an ninh quốc gia.
Phố Wall: Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong tháng này, Dow Jones đã có một tháng 6 khởi sắc nhất kể từ năm 1938. Các nhà đầu tư ở Phố Wall "đặt cược" rằng ông Trump sẽ nối lại đàm phán và đó chính xác là những gì đã xảy ra. Họ cũng rất hứng khởi khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra những dấu hiệu sẽ hạ lãi suất nếu cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế.
Người thua
Quan chức mang quan điểm cứng rắn với Trung Quốc: Họ là những người lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Trung Quốc và thách thức về kinh tế, an ninh quốc gia đối với Mỹ. Trong số đó có Bộ Trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo - truyền thông Trung Quốc đã gọi ông là "người ủng hộ sự thù hận". Ngoài ra còn có cố vấn Peter Navarro, tác giả của cuốn "Death by China" (Chết bởi Trung Quốc) và nhận thấy rằng mình đã ngồi ở phía cuối bàn đàm phán chứng kiến cảnh ông Trump từ bỏ quan điểm quan trọng nhất nhằm phá hoại Trung Quốc: đánh thuế với toàn bộ hàng hoá.
Những ý kiến "diều hâu" đối với Trung Quốc tại Quốc hội: Các nhà lập pháp đã chia thành hai luồng ý kiến, trong đó có Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Charles E. Schumer, họ cảnh báo rằng ông Trump đã thể hiện nhược điểm khi đàm phán với Trung Quốc, đặc biệt là về Huawei. Quyết định nới lỏng lệnh trừng phạt với Huawei của ông Trump sẽ nhận được nhiều lời chỉ trích.
Ứng viên đảng Dân chủ: Các ứng viên cho chiếc ghế Tổng thống của đảng Dân chủ gặp khó khăn khi cạnh tranh ông Trump về vấn đề thương mại. "Vũ khí" mạnh nhất của họ - đã được Pete Buttigieg sử dụng trong cuộc tranh luận hôm thứ Năm - là tuyên bố rằng thuế quan ông Trump là sai lầm để cạnh tranh với Trung Quốc, bởi nó chỉ khiến người Mỹ phải chịu mức chi phí cao hơn. Tuy nhiên, quyết định không nâng thuế của ông Trump giờ đây đã khiến người tiêu dùng cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Nhóm đối mặt với kết quả chưa rõ ràng
Tổng thống Trump: Ông lại đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán - điều này sẽ có tác động tích cực với thị trường và có khả năng sẽ củng cố sự phát triển của nền kinh tế khi bước vào chiến dịch tranh cử năm 2020. Tuy nhiên, ông đã tạm ngừng sử dụng "thế mạnh" của mình để đi đến quyết định này. Ông đã rút lại lời đe doạ về thuế quan, điều mà Trung Quốc, châu Âu và các cường quốc khác khó có thể quên khi các cuộc đàm phán thương mại diễn ra trên toàn cầu. Vẫn có khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được thoả thuận nhờ ông Tập nhượng bộ, nhưng ở lần này, ông Trump dường như lại quá nôn nóng để giải quyết mâu thuẫn với Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ - Trung: Ngay cả khi một số ý kiến chỉ trích thẳng thắn về cách tiếp cận của ông Trump với các cuộc đàm phán Trung Quốc, thì vẫn có những quan điểm đồng tình rằng Trung Quốc cần phải cải cách nền kinh tế và đưa nơi này trở thành một "sân chơi" bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vẫn không chắc chắn rằng liệu quyết định nới lỏng của ông Trump có nhiều khả năng là một thoả thuận buộc Trung Quốc phải chấp nhận sự thay đổi đó hay không.
Nông dân: Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nhập khẩu đậu tương, thịt lợn và các mặt hàng nông sản khác từ Mỹ. Việc này sẽ giúp mức giá sẽ được cải thiện một chút sau 1 năm khó khăn, nhưng vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có tiếp tục mua số lượng hàng tương đương như trước cuộc chiến thương mại hay không.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer: Từ bây giờ, nhà đàm phán hàng đầu nước Mỹ tiếp đóng vai trò chủ chốt. Ông là người phải đưa ra chi tiết của thoả thuận cuối cùng với Trung Quốc. Hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là để Trung Quốc phải thực sự thay đổi chính sách đối với sự cạnh tranh từ nước ngoài và vấn đề sở hữu trí tuệ. Vẫn chưa rõ liệu cuộc họp mới đã giúp hay gây khó dễ cho ông, đặc biệt là khi ông Tập nhấn mạnh rằng "các cuộc đàm phán nên bình đẳng và thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau."
theo Washington Post