Nhà đầu tư nên có vàng
"Theo quan điểm của tôi, vàng sẽ tăng giá bởi vì sự gia tăng đáng kinh ngạc trong nguồn cung tiền", ông Mobius, đối tác sáng lập Mobius Capital Partners, chia sẻ. "Tất cả các ngân hàng trung ương đang cố gắng giảm lãi suất, họ đang bơm tiền vào hệ thống. Sau đó, bạn sẽ thấy tiền số cũng đang xuất hiện nhiều. Vì vậy, không ai biết thực sự có bao nhiêu tiền ngoài đó".
Trong bối cảnh người ta lo ngại về tăng trưởng toàn cậu chậm lại, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và sẽ hạ lãi suất trong bối cảnh họ tìm cách thúc đẩy nguồn cung tiền trong nền kinh tế, khơi dậy nhu cầu và tạo công ăn việc làm, động lực cho tăng trưởng.
Chính vì vậy, Mobius khuyến nghị các nhà đầu tư nên nắm giữ 10% vàng trong danh mục của mình. Phần còn lại, họ nên đầu tư vào các loại cổ phiếu mang lại cổ tức. Điều này sẽ đặc biệt hiệu quả khi đồng USD trở nên yếu hơn. Điều này nhiều khả năng sẽ trở thành sự thực bởi Chính phủ Mỹ, đặc biệt là ông Trump, luôn không hài lòng với một đồng USD mạnh.
"Họ chắc chắn sẽ làm suy yếu đồng USD so với các loại tiền tệ khác và tất nhiên, đó là một cuộc đua xuống đáy. Chính vì thế, ngay khi họ tiến hành điều đó, các loại tiền tệ khác cũng sẽ yếu hơn. Người dân, cuối cùng sẽ nhận ra rằng họ nên sở hữu vàng bởi tất cả các loại tiền tệ đều đang mất giá trị", Mobius nhấn mạnh.
Vàng luôn là tài sản có thể giữ giá tốt hơn so với các loại tiền tệ khác. Theo truyền thống, đây cũng là nơi trú ẩn an toàn khi thị trường biến động. Đồng USD yếu hơn sẽ làm vàng tăng giá bởi thị trường toàn cầu định giá vàng theo đồng USD.
"Cuối cùng, vàng là phương tiện trao đổi. Theo một nghĩa nào đó, đây là loại tiền tệ ổn định", Mobius nhấn mạnh.
Các ngân hàng trung ương đang mua vàng
Dữ liệu từ Hội đồng vàng Thế giới năm nay cho biết nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng lên trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu bất ổn. Trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng trung ương đã mua 374 tấn vàng. Đó là mức mua ròng lớn nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2000.
"Sâu thẳm bên trong, các ngân hàng trung ương thực sự tin vào vàng. Tuy nhiên, họ không muốn nói ra điều đó bởi vì họ không thể tạo ra một loại tiền tệ mới", Mobius cho hay.
Khảo sát dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương năm 2019 do Hội đồng vàng Thế giới thực hiện và công bố hồi tháng 7 cũng cho thấy một nhu cầu cao về vàng của các ngân hàng trung ương trong ngắn và trung hạn. Trong một khảo sát, 11% số ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi và đang phát triển cho biết họ muốn nâng dự trữ vàng trong 12 thang tới.
Điều này tương tự với dữ liệu năm 2018, khi 12% các ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế mới nổi hoặc đang phát triển, chọn mua vàng, làm tăng 652 tấn trong nhu cầu của các ngân hàng trung ương, mức cao nhất được ghi nhận theo hệ thống tiền tệ quốc tế ngày nay.
Các giao dịch mua theo kế hoạch đang được thúc đẩy bởi rủi ro kinh tế cao hơn trong dự trữ triền tệ. Trong trung hạn, các ngân hàng trung ương sẽ nhìn thấy những thay đổi trong hệ thống tiền tệ quốc tế, với vai trò lớn hơn đến từ đồng tệ và vàng của Trung Quốc, Hội đồng vàng Thế giới nhận định.
Trung Quốc cũng đầu tư vào vàng
Tại châu Á, vàng giao ngay đã đạt 1.509,51 USD/ounce vào sáng 9/9. Cuối tháng 8, vàng đạt mốc 1.554,56 USD/ounce, cao nhất trong 6 năm vì những lo ngại trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bổ sung dự trữ vàng trong 8 tháng liên tiếp kể từ tháng 12 năm ngoái và tăng thêm 10 tấn kim loại màu trong tháng 7.
"Trung Quốc là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Khi họ mua vàng, không ai thực sự biết họ có bao nhiêu tấn trong kho. Tuy nhiên, tôi chắc rằng họ đang gia tăng tốc độ dự trữ khá nhanh", Mobius nhấn mạnh.
Theo Reuters, Bắc Kinh đã dỡ bỏ một phần hạn chế trong nhập khẩu vàng.
Trong khi đó, số liệu mới nhất từ Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE) cho biết dự trữ ngoại hối và vàng của nước này đồng loạt tăng trong tháng 8. Đến cuối tháng 8, dự trữ vàng của Trung Quốc đã đạt mức 62,45 triệu ounce, tăng 190.000 ounce so với tháng 7. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp Trung Quốc tăng dự trữ vàng.
Ngoài ra, sau khi giảm mạnh vào tháng 7, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng trở lại trong tháng 8. Theo đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt hơn 3107 tỷ USD, tăng gần 3,5 tỷ USD so với tháng trước và khoảng 34,5 tỷ USD so với cuối năm 2018, tương đương khoảng 1,1%.
theo CNBC