Vực dậy từ những thất bại…
Chuyến công tác tại huyện Củ Chi, chúng tôi được một người dân địa phương cho biết, anh Lê Thanh Tùng (40 tuổi, ngụ ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, Củ Chi), sau những lần thất bại với một số trang trại chăn nuôi và trồng trọt (chăn nuôi vịt, thuê đất trồng rau sạch...), anh Tùng đã đổi đời với việc phát triển trang trại nuôi dế và sau này là mô hình nuôi cà cuống.
“Anh Tùng đang nuôi hàng ngàn con cà cuống để bán cho các nhà hàng tại TPHCM mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình cà cuống của anh được nhiều người biết và tìm đến học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi”, người đàn ông này nói.
Tìm đến trang trại nuôi dế kết hợp phát triển cà cuống (mô hình mới độc lạ và đem lại hiệu quả kinh tế cao tại đất Củ Chi), chúng tôi may mắn được tiếp xúc với anh Tùng. Giữa cái nắng gắt nơi đây, anh Tùng vẫn đang tất bật với công việc chuẩn bị sẵn khoảng 2 kg dế bán cho khách hàng. Xuất thân từ gia đình làm nông, vốn chân chất tình cảm, biết chúng tôi tìm đến, anh Tùng tạm gác công việc vui vẻ tiếp chuyện.
Trò chuyện với anh Tùng, chúng tôi thấu hiểu bao cơ cực mà người nông dân Củ Chi đã trải qua. Anh Tùng kể, năm 1995, gia đình tích lũy được ít vốn, sau đó vay mượn thêm người quen và mạnh dạn bỏ hàng chục triệu đồng để đầu tư 350 con vịt siêu trứng và 1.800 con vịt cỏ lấy thịt với mong ước đổi đời. Một thời gian sau đó, khi nghề nuôi vịt của anh đang thuận lợi thì những năm 1996, 1997, trứng vịt và trứng gà Trung Quốc ào ạt nhập vào TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, làm thị trường trứng gia cầm trong nước bị đảo lộn.
“Mỗi trứng vịt thời điểm đó, gia đình tôi bán 1.200 đồng/trứng, trong khi trứng vịt Trung Quốc tung ra thị trường chỉ 150 - 200 đồng/trứng. Tất cả trứng sản xuất ra bán không được, ế ẩm đến nổi không ai mua khiến gia đình không cạnh tranh nổi dẫn đến lỗ vốn gần 40 triệu đồng. Từ đó, tôi đành phải ngưng nuôi vịt”, anh Tùng nhớ lại.
Gặp khó khăn trong việc chăn nuôi, người nông dân da sạm nắng không gục ngã, anh nhiều lần suy nghĩ hướng phát triển kinh tế và tiếp tục vay tiền thuê nhiều hecta đất nông nghiệp gần nhà để đầu tư trồng rau sạch cung cấp cho các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM. Mới đầu, việc trồng rau gặp khá nhiều thuận lợi, tuy nhiên đến đầu năm 2000 nhiều người dân tại Củ Chi đồng loạt phân lô, bán đất, khiến cho việc thuê đất sản xuất của anh Tùng gặp trở ngại. Anh Tùng cho biết: “Thời điểm đó, trồng rau mang thu nhập khá, nhưng không có đất canh tác nên buộc tôi phải ngưng việc trồng rau”.
Thất bại này, đến thất bại khác nhưng anh Tùng vẫn nỗ lực, thời điểm này anh gánh nợ do thua lỗ trong việc chăn nuôi và trồng trọt với số tiền gần cả trăm triệu đồng. Để có tiền trả dần nợ, kiếm kế sinh nhai nuôi gia đình cũng như dành chút vốn để sau này khi có hướng phát triển kinh tế sẽ dùng đến, anh Tùng chịu khó chuyển qua nghề làm thợ hồ. Thời gian dài chịu khổ cực, dãi nắng dầm mưa với nghề,… tưởng chừng người nông dân này sẽ từ bỏ ý định phát triển chăn nuôi mà an phận với thợ hồ.
“Hai lần thất bại khi mới đầu khởi nghiệp, tôi cứ nghĩ mình không thể làm thêm được bất kỳ gì, không dám nghĩ đến phát triển một mô hình đầu tư lớn nào nữa, thế nhưng chính tôi lại một lần nữa can đảm đầu tư phát triển một hướng đi mới. Năm 2008, tôi đổi hướng sang nuôi dế. Thời điểm đó, thị trường dế rộng lớn, nhiều nhà hàng, quán nhậu, săn tìm món đặc sản này. Nắm bắt thời cơ, tôi tìm tòi, đọc sách, báo, học hỏi mô hình nuôi dế ở nhiều nơi. Mới đầu, tôi tìm giống dế và nuôi chúng trong chậu, thấy dế sống khỏe, phát triển tốt, tôi quyết định mua hàng chục cái chậu và dựng trang trại nhỏ nuôi dế” - anh Tùng kể.
Đối với dế, anh Tùng phát triển trang trại rất nhanh, biết được nguồn thức ăn và cách chăm sóc,… chỉ những năm sau đó trang trại của anh có quy mô lớn và được nhiều người biết. Hiện nay, sau gần chục năm phát triển mô hình nuôi dế mèn, anh Tùng sở hữu trang trại nuôi dế trên 500 mét vuông, nuôi hàng triệu con dế. Mỗi ngày anh cung cấp đều đặn hơn chục kg dế thịt cho các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn TPHCM với giá 200.000 – 250.000 đồng/kg. Đồng thời, anh còn mở quán ăn các sản phẩm từ dế, bọ cạp,… tại nhà mang lại thu nhập khấm khá.
Nuôi dế kết hợp cà cuống
Không dừng lại ở việc phát triển nghề nuôi dế, anh Tùng cho biết, mới đây, trong một lần thấy chương trình truyền hình phát mô hình nuôi cà cuống mang lại thu nhập cao ở nước ngoài, tuy nhiên địa bàn phía Nam hiện rất ít người nuôi con vật này. Ngoài ra, thời điểm này cũng xuất hiện một số người bán cà cuống ở các tỉnh phía Bắc nhưng chủ yếu đánh bắt ngoài tự nhiên, số lượng không nhiều. Giá cả mỗi con cà cuống bán được hàng chục ngàn đồng.
Thấy được tiềm năng từ loài này, anh Tùng sau nhiều lần suy nghĩ đã bắt đầu xây dựng kế hoạch và tìm con giống. Anh Tùng lội ruộng ròng rã hơn một tháng ở các cánh đồng trên địa bàn Củ Chi để tìm bắt con cà cuống tự nhiên về làm giống nuôi thử nghiệm. Anh Tùng chia sẻ: “Để có con giống, tôi dùng vợt lưới đi khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi tìm bắt cà cuống. Nhiều người thấy vậy họ cười bảo rằng tôi hết chuyện để làm, hết con để nuôi, đi tìm bắt cà cuống nuôi là dở hơi. Sau hơn 1 tháng, tôi đã bắt được 5 con cà cuống giống đem về nhà nuôi dưỡng”.
Từ 5 con cà cuống đầu tiên, anh Tùng cho vào chậu xi măng, và bắt đầu mô hình nuôi thử. Quá trình nuôi cà cuống anh gặp nhiều khó khăn vì không biết nguồn thức ăn của loài này. “Lúc này tôi mới nhớ đến chương trình truyền hình chiếu trước đó, nên biết được cà cuống ăn côn trùng như: cá, ếch, cào cào, dế,… chỉ cần mình kiếm các loại côn trùng này rồi cho vào hồ thì nó sẽ tự săn mồi. Khi bắt về thuần hóa trong hồ, phải tập cho chúng quen với môi trường nuôi nhốt”, anh Tùng nói.
Ngoài ra, anh Tùng đã khôn khéo trong việc kết hợp nuôi dế và cà cuống. Theo đó, số dế nuôi được ngoài việc đem bán thu nhập hàng trăm triệu thì một lượng lớn con dế được chuyển sang làm thức ăn tại chỗ cho cà cuống. Nhờ sự kết hợp tinh tế này, nên việc nuôi cà cuống có lãi suất cao gấp nhiều lần. Với trang trại dế 500 mét vuông, so với hiện nay quy mô lớn với hàng chục ngàn con được nuôi trong 4 bể xi măng, rộng khoảng 6 mét vuông/bể thì thu nhập của từ việc nuôi dế thua xa.
“Năm 2017, tôi bán được khoảng 10.000 con cà cuống, mang về thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Năm nay tôi tiếp tục nhân rộng mô hình lên gấp đôi. Nếu cà cuống sinh trưởng tốt như mọi năm, tôi sẽ thu về khoảng gần 1 tỉ đồng”, anh Tùng chia sẻ.
Hiện tại, anh Tùng cung cấp cà cuống chủ yếu cho các nhà hàng. Nhiều người mua cà cuống về làm nước mắm, anh Tùng bán với giá 35.000 – 40.000 đồng/con,…. Ngoài ra, anh Tùng cho biết thêm, cà cuống giống mỗi năm đẻ được khoảng 3 - 4 lứa. Một con cà cuống sinh ra đến khi trưởng thành xuất bán trong vòng 45 ngày, nếu nuôi dưỡng thành con giống phải mất 75 ngày. Vòng đời con cà cuống sống được khoảng 14 tháng, đẻ tối đa được khoảng 5 lứa, mỗi lứa được từ 150 – 200 trứng, tỉ lệ nở khoảng 98%. Mỗi con cà cuống giống anh bán 400.000 đồng/con.
“Qua tìm hiểu, tôi biết được con cà cuống có nhiều dinh dưỡng bồi bổ sức khỏe tốt, đặc biệt dùng để hỗ trợ chữa bệnh còi xương cho trẻ em. Nếu làm nước nắm từ cà cuống sẽ rất thơm ngon, trong tương lai tôi sẽ dồn hết công sức, tập trung vào nghề nuôi cà cuống và có hướng phát triển nước mắm từ loại này”, anh Tùng chia sẻ.
Rời đất Củ Chi, chúng tôi về lại Sài Gòn trong một buổi chiều muộn mà không ngừng nghĩ về anh Tùng, ở đất Củ Chi này, anh là người nông dân dám nghĩ, dám làm,… là người hồi sinh cà cuống - một loài đang khan hiếm hiện nay!