Hiệu ứng VinFast: Cơ sở cho chiến lược hỗ trợ người thắng
Hiệu ứng VinFast
“Như nhiều người Việt Nam khác, tôi tự hào và mong VinFast thành công”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi VinFast công bố trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) cùng với màn chào sân thị trường Mỹ 2 mẫu SUV chạy điện mới, là VF e35 và VF e36 tại Los Angeles Motor Show, kéo dài từ ngày 17-28/11/2021.
Là doanh nghiệp xuất khẩu, đang thực hiện nhiều kế hoạch để tăng hiện diện của thương hiệu Gỗ Trường Thành tại nước ngoài, đồng thời với nỗ lực cơ cấu hoạt động để tham gia đường đua kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế, ông Tín, có lẽ, chia sẻ được phần nào chiến lược “đặt định vị thương hiệu cao hơn doanh số bán hàng” và những thách thức của chặng đường đầu đưa VinFast thành một thương hiệu toàn cầu mà ông Michael Lohscheller, CEO VinFast toàn cầu đã nói trong buổi ra mắt 2 dòng xe VF e35 và VF e36 tại thị trường Mỹ.
Có thể thấy rõ, thách thức mà VinFast đang đối mặt vô cùng lớn khi chọn đặt chân đầu tiên là Bắc Mỹ và châu Âu (Pháp, Đức, Hà Lan) - những thị trường được xếp vào hàng đẳng cấp, chuẩn mực cao nhất toàn cầu, trong dòng sản phẩm mới mẻ nhất về công nghệ là ô tô điện, sẽ cạnh tranh với những tên tuổi đình đám toàn cầu như Telsla…
VinFast ra mắt 2 mẫu xe mới VF e35 và VF e36 tại Los Angeles Motor Show (Mỹ). |
Hơn thế, sau đợt càn quét kinh hoàng của các đợt dịch Covid-19, đa phần doanh nghiệp Việt vẫn trong bài tính trước mắt là vốn, lao động và cả những phấp phỏng do sự chưa thống nhất trong cách thức phòng, chống dịch bệnh, không dễ chủ động thực hiện được các kế hoạch kinh doanh năm 2021-2022…
Nhưng dường như đó chưa phải là thách thức lớn nhất.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng chọn từ “tự hào” để nói về sự lựa chọn phi truyền thống của thương hiệu này, nhưng ở một góc độ khác.
“Chúng ta phải thực sự coi các thương hiệu của doanh nghiệp Việt là hình ảnh quốc gia, chứ không đơn thuần là thương hiệu của một doanh nghiệp cụ thể nữa, để có cách nhìn nhận phù hợp, thể hiện bằng chính sách, chứ không chỉ là những lời kêu gọi”, ông Kiên nói.
Thực tế, nhiều năm qua, người Việt luôn mong muốn có được những thương hiệu ghi dấu ấn, mang tính nhắc nhớ giống như khi nói đến Honda, Toyota là nói đến Nhật Bản; nói đến Samsung, LG… là nói đến Hàn Quốc và ngược lại. Nhưng theo ông Kiên, môi trường kinh doanh và thói quen tư duy nghi ngờ người kinh doanh, nghi ngờ doanh nghiệp… khiến mong muốn này trở nên khó thực hiện.
“Đáng ra, năm 2013, chúng ta đã có thể có một thương hiệu Việt trong ngành công nghiệp game toàn cầu với sự xuất hiện của Flappy Bird, nếu như có sự hỗ trợ cần thiết ngay khi nhà phát triển game Nguyễn Hà Đông gặp khó khăn từ sức ép của mạng xã hội. Nhưng khi đó, mọi người chỉ nói về việc thu thuế thế nào…”, ông Kiên nuối tiếc nhắc lại câu chuyện cha đẻ của Flappy Bird đã phải tự tay gỡ bỏ trò chơi trên điện thoại này ra khỏi các kho ứng dụng khi nó đang ở vị trí số 1, đang tạo hiệu ứng cho từ khóa Việt Nam trong ngành này.
Bài toán hỗ trợ doanh nghiệp nào?
Là Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, ông Kiên đang thấy rất rõ một trong những vấn đề lớn nhất trong gói phục hồi, phát triển kinh tế mà Chính phủ đang bàn thảo, đó là dành nguồn lực hỗ trợ đối tượng nào.
“Cho đến thời điểm này, các ý kiến khá đồng thuận là cần một gói hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng. Nếu không có, nền kinh tế cũng sẽ tự phục hồi, nhưng chậm và nhiều tổn thất. Nhưng thực hiện thế nào, dành cho đối tượng nào thực sự vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau”, ông Kiên chia sẻ.
Tạm không bàn đến con số bao nhiêu là phù hợp, ông Kiên cho rằng, đây là vai trò của Nhà nước trong lựa chọn đối tượng nhận gói hỗ trợ từ tài khóa mang tính quyết định. Cái khó cho sự lựa chọn này là hầu như doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn, nhu cầu được hỗ trợ về vốn rất lớn.
“Quan điểm của tôi là doanh nghiệp nào cần nguồn lực để tạo nên tốc độ tăng trưởng nhanh, tạo nên bước chuyển đột phá trong giai đoạn này là đối tượng ưu tiên của gói chính sách trên, vì sự bứt tốc của họ sẽ kéo theo sự trở lại của cả ngành, của các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp quy mô lớn, đang nắm đầu chuỗi sản xuất, phân phối… cần là đối tượng ưu tiên”, ông Kiên đề xuất.
Thực ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã nói đến đề xuất này khi nói về hiệu quả các gói chính sách vốn được dự báo không thể dồi dào như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Hơn thế, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thậm chí còn chờ đợi cơ hội thay máu cho các doanh nghiệp Việt và coi đây cũng là tiền đề cho sự thành công của các kế hoạch tái cơ cầu nền kinh tế thông qua cách lựa chọn được cho là rất bản lĩnh này.
“Chúng ta phải chấp nhận những doanh nghiệp yếu kém ra đi, dồn nguồn lực cho các doanh nghiệp đứng lên với tư thế mới, doanh nghiệp bắt kịp xu hướng phát triển, chứ không phải đứng lên một cách èo uột ở chỗ cũ”, ông Thiên thẳng thắn.
Trong các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện hành, đối tượng hưởng là đa số, diện rộng và nhóm doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề nhất của Covid-19. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đầu tư đổi mới công nghệ có, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, là không mới và chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp chấp nhận rủi ro.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Tín có những phân vân cụ thể hơn. “Làm sao để công bằng và hiệu quả khi lựa chọn các đối tượng thụ hưởng gói kích thích tăng trưởng, vì chúng ta rất thiếu những thước đo thị trường”, ông Tín đặt câu hỏi.
Trước đây, ông cũng bày tỏ sự phân vân với những đề xuất thí điểm lựa chọn doanh nghiệp để hỗ trợ thành các sếu đầu đàn trong một số ngành, lĩnh vực. Mặc dù cách thức này không mới, đã được Hàn Quốc thực hiện thành công, nhưng câu hỏi tiêu chí nào để đảm bảo việc lựa chọn các doanh nghiệp này công bằng và chỉ vì lợi ích quốc gia thì không rõ. Vì vậy, cho dù các doanh nghiệp được chọn là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, thì sự không rõ ràng về tiêu chí sẽ dẫn đến lo ngại về lợi ích nhóm.
Cơ sở cho chiến lược hỗ trợ người thắng
Câu chuyện của VinFast đến Mỹ, EU đang mở ra một gợi ý tốt về cách thức hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ mục tiêu phục hồi và kích thích tăng trưởng là điều mà ông Kiên đang muốn chia sẻ.
“Có lẽ, phải nhắc đến khoản hỗ trợ tài chính mà Chính phủ dành cho các doanh nghiệp phát triển vắc-xin phòng Covid-19. Nhiều nguồn tin cho hay, khoản này lên tới trên 10 tỷ USD, nhằm tăng tốc quá trình sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp, sau khi đã có thành công ở giai đoạn nghiên cứu, phát triển. Đây là chiến lược hỗ trợ người thắng, thay vì cách lâu nay chúng ta làm là chọn người thắng để hỗ trợ”, ông Kiên nói.
Với cách thức chọn người thắng để hỗ trợ, điển hình là cách hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong các ngành, lĩnh vực ở giai đoạn trước của Việt Nam, các khoản đầu tư, hỗ trợ được trao cho doanh nghiệp dựa trên các cam kết, kế hoạch. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không thực hiện đúng, việc thu hồi các khoản hỗ trợ gần như không thể.
Nhưng với cách thức hỗ trợ người thắng, cách làm ngược lại.
Ông Kiên lấy ví dụ VinFast với tham vọng lớn trong công nghiệp ô tô điện, đặt trong bối cảnh Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Chính phủ cần có có chiến lược, lộ trình phát triển pin dành cho điện mặt trời, từ đó đặt hàng VinFast nghiên cứu, phát triển dòng sản phẩm này. Khoản hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận được là thị trường pin, là khoản hỗ trợ tài chính cho giai đoạn phát triển sản phẩm sau khi sản phẩm được công nhận trên thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp khác cũng sẽ nhận được hỗ trợ tương tự khi tham gia hoạt động này”, ông Kiên nói.
Rõ ràng, mấu chốt ở đây là tư duy xây dựng chính sách. Trong gói phục hồi này, cũng có đề nghị dành khoản đủ lớn cho các dự án đầu tư công.
Nhưng với tốc độ giải ngân chậm, vẫn phải điều chuyển nguồn vốn do không giải ngân đúng tiến độ, ông Kiên đồng thuận với nỗi lo không hiệu quả nếu không có cách làm mới, như dành khoản ngân sách thưởng cho doanh nghiệp, nhà thầu hoàn thành vượt tiến độ… Theo ông Kiên, đây là phần ngân sách hưởng lợi nếu các dự án sớm đi vào hoạt động, nên thực tế không hẳn lấy tiền từ ngân sách.
Việc sử dụng giải pháp cấp bù lãi suất cũng sẽ có cách áp dụng mới với tư duy này.
“Doanh nghiệp sẽ nhận khoản cấp bù lãi suất khi quyết toán cuối năm, trừ vào phần thuế phải nộp. Như vậy, ngân hàng vẫn làm tròn trách nhiệm của bên cho vay, với việc thẩm định dự án, cơ quan thuế làm nhiệm vụ theo dõi thuế và không phát sinh thêm bộ máy để theo dõi các khoản vay được hỗ trợ lãi suất như hồi năm 2009”, ông Kiên nói.
Trong trường hợp này, gói hỗ trợ lãi suất dành cho doanh nghiệp dự kiến trong 2 năm (2022-2023) mà Bộ Tài chính đang nghiên cứu, đề xuất sẽ đi ngay vào doanh nghiệp, nên hạn chế tối đa rủi ro chính sách.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, đây là thời điểm đòi hỏi nghệ thuật và bản lĩnh của Chính phủ, khi sẽ phải quyết định những quyết sách có nhiều ý kiến khác nhau, cần dựa trên đòi hỏi cả trước mắt, cả tầm chiến lược lâu dài và đặt các dự án lên bàn cờ địa chính trị khu vực, thế giới...
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.