GS.TS 8X Vũ Ngọc Tâm, CEO Earable: Trình độ không quan trọng bằng thái độ! Thông minh không quan trọng bằng làm việc thật chăm chỉ!
GS.TS Vũ Ngọc Tâm từng 2 lần được trao giải thưởng danh giá “Google Faculty Research Award” của Google; đã đăng ký 22 bằng phát minh tại Cục sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ và sáng lập 2 công ty là Now Vitals và Earable tại Mỹ đã có buổi chia sẻ với các startup tại diễn đàn Lãnh đạo Trẻ Việt Nam - Vietnam Young Leaders Forum 2019 (VYLF 2019) với chủ đề: “Lãnh đạo trẻ không biên giới” tổ chức mới đây tại Tp.HCM.
Đây cũng là nhà sáng lập Earable - Thiết bị đeo tai thông minh giám sát và cải thiện chất lượng giấc ngủ, là dự án mới nhất nhận được mức tài trợ tối đa 10 tỷ đồng của VinTech Fund trong đợt tài trợ đầu tiên trị giá 86 tỷ đồng cho 12 dự án nổi bật về khoa học, công nghệ.
GS Vũ Ngọc Tâm, CEO Earable
Chia sẻ về bí kíp thành công, GS Tâm nói: “Luôn luôn giữ được cái đầu mở”. Trong đó có 3 điểm mấu chốt để bản thân vượt qua được giới hạn, đạt được những thành quả nhất định như ngày hôm nay.
“Tốt nghiệp đại học xong, tôi cũng như nhiều bạn không biết mình sẽ làm gì. Từ chỗ không biết làm gì nên đi học tiếp lên tiến sĩ, từ đó mới hiểu rằng những giới hạn của bản thân về tri thức”, GS Tâm chia sẻ.
Điểm thứ nhất: Trình độ không quan trọng bằng thái độ
"Khi đi học Tiến sĩ, tôi luôn nghĩ "background" (nền tảng học vấn) là quan trọng nhất nhưng chỉ sau 3-4 năm, tôi nhận ra điều này không đúng nữa.
Khi được mời về làm việc tại ĐH Colorado với vai trò là nhà sáng lập và Giám đốc phòng thí nghiệm MNS tại trường. Khi xây dựng phòng thí nghiệm thì phải tuyển sinh viên vào làm. Tiêu chí của tôi là phải tuyển những người giỏi, các bạn sinh viên phải có giải quốc gia, quốc tế hoặc những bạn đã làm nghiên cứu khoa học. Và khi tuyển dụng tôi chỉ chăm chăm vào background của họ.
Cuối cùng tôi cũng tuyển được 2 bạn có chuyên môn cực giỏi. Tuy vậy, mỗi khi đưa ra một vấn để để giải quyết, các bạn này đưa ra một trong 2 câu trả lời: Dễ quá và quá khó không giải quyết được. Kiểu như mặc nhiên khi đưa ra vấn đề khó thì điều đó là khó không thuộc phạm trù của họ để giải quyết, lỗi ở người đưa ra vấn đề. Sau 2 năm, mình đành phải để 2 bạn này rời công việc.
Sau đó, tôi nhận ra để làm tốt công việc nghiên cứu cần phải có thái độ khác. Thay vì tuyển người chỉ nhìn vào hồ sơ của họ thì tốt nhất phỏng vấn trực tiếp và làm việc cùng họ trong 6 tháng. Khi đã trải qua giai đoạn hiểu nhau, sẽ có những đánh giá rất tốt. Sau đó, tôi đã tuyển một bạn có backround bình thường, học ở một trường ĐH bình thường, chưa có kinh nghiệm gì về nghiên cứ. Nhưng bạn này lại làm việc rất tốt, chăm chỉ”, GS Tâm chia sẻ.
Như vậy, để thấy quan trọng không phải là background mà là thái độ làm việc. Với thời đại ngày nay vấn đề nhân sự này lại càng quan trọng với các công ty khởi nghiêp. Sự khác nhau giữa biết và không biết chỉ cách nhau 5 giây. Cái khó ở đây là nghĩ về công việc đó và làm tốt nhất mới là quan trọng.
Điểm thứ hai, thông minh không bằng làm việc thật chăm chỉ với động lực thật mạnh
"Người ta hay đề cao sự thông minh trong công việc nhưng thực tế thông minh không quan trọng bằng làm việc thật chăm chỉ. Hãy tìm cho bản thân một động lực và làm việc chăm chỉ, chắc chắn sẽ thành công. Tôi bước vào môi trường Tiến sĩ học với rất nhiều người thông minh. Tôi đã từng chứng kiến thầy giáo của mình làm việc 15 giờ mỗi ngày, từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Tôi bắt đầu suy nghĩ và đã làm theo. Kết quả thay vì 6,5 năm mới tốt nghiệp Tiến sĩ thì tôi hoàn thành chương trình trong 4 năm.
Theo GS Tâm, trong khởi nghiệp, làm việc chăm chỉ quyết định rất nhiều đến thành quả
Nếu mình làm việc thật chăm chỉ thì mất một năm đã bằng người khác làm hai năm. Sự thông minh không thể bù đắp cho sự chăm chỉ. Nếu IQ của một người chỉ vượt ngưỡng trung bình, chăm chỉ làm việc thì cơ hội bằng người có trí thông minh".
Điểm thứ ba, nơi bạn sinh ra không quan trọng bằng việc cái đầu bạn hướng về đâu
"Với sự góp mặt của internet và công nghệ thì khi khởi nghiệp vị trí địa lý, nơi công tác không còn quan trọng nữa. Quan trọng là cái đầu của mình hướng về đâu. Hiện nay, ranh giới địa lý không trở thành rào cản trong việc phát triển công ty nữa mà là sản phẩm phục vụ được toàn cầu, tăng cường trí tuệ ra toàn cầu. Đó là lý do, khi thành lập phòng thí nghiệm, tôi không bó hẹp trong một quốc gia mà phát triển ra nhiều quốc gia. Chỉ khi mình không còn nghĩ địa lý còn quan trọng nữa thì khởi nghiệp mới có nhiều cơ hội thành công được mở ra.
Bản thân mình sinh ra ở tỉnh lẻ của Việt Nam, không có điều kiện để đi học trường tốt, nhưng mình vẫn trở thành giáo sư, được làm việc ở môi trường tốt trên thế giới thì mình luôn tin các bạn trẻ khởi nghiệp ngày nay sẽ làm được những điều tương tự”, GS Vũ Ngọc Tâm chia sẻ.
Theo Tri Thức Trẻ
Doanh nhân Trương Công Bảo, Giám đốc điều hành Bảo Lân Textile: Nhắm đến giá trị bền vững cho cộng đồng
Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú: Xây dựng nền móng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.