Ghế ngồi trên máy bay sẽ thay đổi thế nào sau đại dịch? -Bảo Quân
Một số hãng hàng không trên thế giới đã và đang đưa ra các giải pháp tạm thời để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa hành khách trên máy bay, cũng như ngăn chặn sự phát tán của virus thông qua giọt bắn. |
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), so với năm 2019, ngành hàng không sẽ hứng chịu mức sụt giảm lên tới 48% về nhu cầu bay và 55% về lợi nhuận, trong bối cảnh hàng loạt quốc gia trên thế giới buộc phải áp lệnh phong toả cũng như hạn chế đi lại vì Covid-19.
Ứng phó với tình trạng vừa nêu, một số hãng hàng không trên thế giới đã và đang đưa ra các giải pháp tạm thời như để trống ghế giữa nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn giữa hành khách trên máy bay, cũng như ngăn chặn sự phát tán của virus thông qua giọt bắn.
Tuy nhiên, trước khẳng định của IATA vào đầu tháng 5 rằng, việc để trống ghế giữa không giúp phòng tránh virus trên máy bay, một công ty nội thất tại Ý đã giới thiệu một phương án 'sống chung với dịch' độc đáo và hiệu quả hơn, mà nhiều khả năng sẽ được các hãng hàng không áp dụng trong tương lai gần.
Theo đó, Avio Interiors đã tung ra 2 mô hình thiết kế lại chỗ ngồi trên khoang bay, với tên gọi Janus và Glassafe, để giảm thiểu tối đa sự lây lan của virus qua giọt bắn trong không gian nhỏ hẹp.
Bố trí chỗ ngồi trên khoang hành khách máy bay theo thiết kế Janus |
Với Janus, ghế giữa sẽ đảo ngược, quay về hướng đuôi máy bay và được bọc bởi một tấm chắn trong suốt. Về mặt lý thuyết, thiết kế này sẽ giúp hạn chế sự lây lan của virus sang hành khách ở cả hai bên ghế ngồi, dù khoảng cách giữa các ghế ngồi chỉ cách nhau vài centimet.
Theo CEO Avio Interiors Paolo Drago, công ty cũng đang tìm kiếm phương án để có thể gập hoặc thu nhỏ các tấm chắn lại khi cần thiết nhằm giúp người khuyết tật và hành khách sử dụng xe lăn dễ dàng lên ghế hơn.
Còn ở Glassafe, khoang hành khách vẫn sẽ dựa trên thiết kế như hiện nay, ghế giữa quay về hướng đầu máy bay, nhưng sẽ được lắp thêm tấm chắn trong suốt giữa các ghế cùng hàng. Ở mô hình này, hành khách vẫn có thể tiếp xúc với nhau ở phần cánh tay, đồng nghĩa, có thể khiến virus lây lan trong trường hợp dùng chung tay vịn.
Lý do Avio Interiors đưa ra Glassafe là vì trước tình hình khó khăn hiện tại, nhiều hãng hàng không không còn đủ ngân sách để làm mới lại toàn bộ khoang hành khách.
Bố trí chỗ ngồi trên khoang hành khách máy bay theo thiết kế Glassafe |
Dù các thiết kế từ Avio Interiors có thể được xem là bước đi đúng hướng ở thời điểm hiện tại, song chúng vẫn chưa giải quyết được một vấn đề quan trọng khác về an toàn sức khỏe khi bay là lưu thông không khí.
Được biết, không khí trên máy bay liên tục lưu thông sau mỗi 6 giây, nhưng chỉ có 50% là được làm mới; đồng nghĩa, một nửa lượng hành khách hít vào là không khí cũ. Vì vậy, dù có tiếp xúc trực tiếp với người hắt hơi hay không, những giọt bắn vẫn có thể lơ lửng xung quanh các hành khách trong một thời gian ngắn.
Theo trang web tin tức hàng không FlightGlobal, thời gian để 2 mô hình nói trên có thể đi vào phục là 6 tháng đối với Janus và 2 tháng với Glassafe (nếu đạt tiêu chuẩn). Theo ông Drago, hiện việc sản xuất các tấm chắn mới chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu. Tuy nhiên, Avio Interiors đã đăng ký bằng sáng chế cho cả hai mô hình nói trên.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.