"Cả đời tôi chưa từng làm điều gì xấu, tại sao mọi chuyện lại như thế này?" – Đó là lời trăn trối của Trương Quốc Vinh khi anh quyết định nhảy tự tử từ tầng lầu của khách sạn xuống đất. Nam tài tử đoản mệnh ấy nổi tiếng là gã nghệ sĩ tài năng vô cùng nhập tâm trong mỗi bộ phim anh đóng, vì mỗi đêm, anh đều tập đi theo nhịp điệu của mỗi nhân vật mà anh sắp thủ vai.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tự tử là người ta cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa và nỗi mặc cảm lẫn bất hạnh đã quá lớn đến nỗi không thể chứa thêm một nỗi đau khổ nào nữa khiến họ hoảng sợ ở nước đường cùng và cái chết là lựa chọn duy nhất dẫn đến sự giải thoát.
Trầm cảm – cô đơn nhưng nguy hiểm nhất là cô lập, chính là lý do sâu xa dẫn đến cái chết oan uổng và đáng tiếc của nhiều người trong cuộc sống. Người ta thống kê rằng có đến hơn 1 triệu người chết do tự sát mỗi năm. Mà hầu hết họ đều ở trong trạng thái tuyệt vọng, rối loạn tâm thần cơ bản như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, nghiện rượu hay lạm dụng chất ma túy. Chịu áp lực hay gặp bất hạnh, khó khăn tài chính cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm này.
Để hạn chế tự tử và kêu gọi cuộc sống tinh thần lành mạnh trên toàn cầu, mà điển hình ở xã hội Việt Nam hiện nay khi công nghệ và kinh tế phát triển khiến đời sống tinh thần trở nên tiêu cực, chúng ta cần hiểu rõ bản chất của con người là cần sự yêu thương, tôn trọng và kết nối.
Bản chất của con người là cần sự kết nối và thấu hiểu
Người ta nói rằng những cây xanh trong khu rừng được trồng đôi khi cư xử như những đứa trẻ đường phố. Do rễ bị tổn thương không thể phục hồi lúc được trồng nên chúng không có khả năng tạo ra mạng lưới kết nối. Vì thế, chúng cư xử như những đứa trẻ cô độc, và chịu tổn thương vì sự cô lập này. Và chúng chẳng thể nào có khả năng trở thành cây cổ thụ.
Ngay cả cây cối cũng cần sự kết nối, thậm chí cây xanh còn phải kết nối cả với kẻ thù của nó để tạo nên một hệ sinh thái toàn diện, thì con người cũng thế. Bản năng của chúng ta là kết nối, và kết nối giúp chúng ta có sức mạnh nội tại lẫn thể chất.
Ai đó đã từng nói rằng điều đáng sợ không phải là đứng một mình. Mà là giữa một biển người, vẫn cảm thấy chỉ có một mình. Sống trong thời đại mà con người luôn sống trong các guồng quay công việc và cuộc sống con người ngày càng lười tương tác với nhau hơn, sự cô đơn tiêu cực đang bao phủ rộng lên xã hội của chúng ta.
Một cuộc khảo sát các mẫu đại diện của ba quốc gia giàu có trên thế giới cho thấy 9% người Nhật Bản, 22% người Mỹ và 23% người Anh luôn hoặc thường cảm thấy cô đơn, thiếu bạn đồng hành, hoặc cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị cô lập giữa cuộc sống của họ. Cô đơn tiêu cực là cảm giác vô dụng. Khi bạn cảm thấy mình không thích ứng được với xã hội, mọi người không hiểu bạn. Bạn cảm thấy tệ về bản thân mình cũng như cảm thấy bị xã hội chối bỏ.
Cô đơn tiêu cực cắt đứt sợi dây kết nối bạn với xã hội, và từ đó khiến bạn bị cô lập hoàn toàn. Hiện tượng nghệ sĩ tự kết liễu đời mình đã thể hiện mặt trái tiêu cực của sự cô lập này, khi bản thân họ không tìm thấy sự kết nối chân thực với thế giới. Họ không được lắng nghe, không được đồng cảm, không được yêu thương, không được tạo điều kiện nghỉ ngơi điều độ.
Trên thế giới này, đâu đâu cũng cần sự kết nối. Cây cối kết nối lại với nhau để tạo nên hệ sinh thái rừng, thậm chí cây còn phản ứng mùi hương cho đồng đội biết để không bị côn trùng phá hoại. Kiến cũng sống tập thể, đàn voi với voi mẹ voi con quấn quýt lấy nhau để bảo vệ nhau, và ta thấy hàng trăm con chim cùng nhau bay trên bầu trời để tìm nơi trú rét. Con người cũng thế thôi, đau buồn hay hạnh phúc, ta đều muốn ở cùng và kết nối với người ta yêu. Và thậm chí là người lạ.
Đừng hô hào khẩu hiệu "Làm việc hết mình" một cách cực đoan
Xã hội có vẻ luôn tụng ca những người làm việc hết mình một cách quá mức. Thời gian qua, báo chí đưa tin Cao Dĩ Tường đột tử trong quá trình quay show Chase me. Anh ấy đã bị cảm ngày trước đó nhưng vẫn tham gia một gameshow phải vận động nhiều ngoài trời lạnh. Và sự ra đi ấy khiến cho nhiều người bàng hoàng.
Có không ít những người đã liều mình làm việc 10-12h/ngày, hay cày ngày 2 đến 3 công việc. Vô tình trung, những người chỉ làm việc 8h/ngày tự dưng trở thành nhàn rỗi. Rồi câu chuyện làm việc lúc nửa đêm, có lẽ, không ít bạn trẻ từng bật khóc, vì stress quá, mệt quá, vì nửa đêm mà vẫn không thể buông công việc. Khóc là một hình thức để giải tỏa. Nhưng khi làm việc quá nhiều và làm việc không có lối thoát, không ít người đã tự tìm đến cái chết.
Bạn hãy nhớ một đất nước phát triển như Italy lại đề cao giá trị sống Il dolce farniente – nghệ thuật bất quy tắc và không làm gì cả. Trong giờ làm việc, họ có thể đứng lên, xách cặp về nhà và lên giường đi ngủ, hay nhẹ nhàng bỏ lại đống giấy tờ khô cứng và chạy ra phố mua một ly café. Họ ưa những thời khắc nằm dài phơi nắng trên bãi biển dài, học cắm hoa hay vùi mình trong chăn đọc cuốn sách đang dở.
Điều đó không có nghĩa là họ lười biếng mà họ đang khiến cuộc sống đầy sắc màu hơn. Mọi công việc không phải được quyết định dựa trên số giờ họ làm việc, mà là kết quả công việc mà họ đem lại. Vì thế, họ có thể tự do quyết định hoàn thành công việc ấy như thế nào, và kể cả việc trong quá trình ấy có cả việc "không làm gì cả".
Người Italy cho rằng công việc online khiến năng lượng của con người ngày càng cạn kiệt và dễ dàng rơi vào trầm cảm, họ tập lối sống lành mạnh bằng cách offline một số giờ nhất định trong ngày, và tập trung vào cuộc sống thực bên ngoài, để tận hưởng và nhìn ngắm thế giới. Họ cũng tắt máy vào ban đêm, chứ không bao giờ chăm chăm nhìn vô cái smartphone. Họ cũng giữ thói quen thưởng thức cà phê mỗi sáng. Tất cả mang đến cho họ niềm vui bé nhỏ, nhưng những bé nhỏ thường xuyên ấy đã mang đến cho họ đời sống nội tâm an yên, trong nhịp sống xô bồ của thế kỷ 21.