Công ty bất động sản Cenland do Shark Hưng làm Phó Chủ tịch ghi nhận thu về 935 tỷ đồng riêng dịch vụ môi giới sau 9 tháng đầu năm, tương đương khoảng hơn 100 tỷ đồng mỗi tháng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Xuất phát điểm là dịch vụ môi giới dự án từ năm 2002, Cenland hiện đã phát triển một mạng lưới bán hàng đa dạng từ trực tiếp, trực tuyến đến kênh doanh nghiệp, khách hàng nước ngoài, sàn liên kết. 

Trong đó, bán hàng trực tiếp Cenland thông qua STDA với hàng ngàn nhân viên môi giới. Kênh doanh nghiệp, CenLand cũng tiếp cận tới các doanh nghiệp để giới thiệu trực tiếp sản phẩm tới các nhóm khách hàng tiềm năng. Công ty cũng làm đại lý ủy quyền và sàn liên kết với số lượng lên đến hàng ngàn đơn vị cùng tham gia bán hàng cho CenLand. Số lượng nhân viên tính đến cuối năm 2018 của Cenland lên đến 2.021 người. 

Dù phân tán đẩy mạnh bán dự án thứ cấp, đội môi giới của Shark Hưng vẫn mang về 100 tỷ doanh thu hàng tháng - Ảnh 1.

Nguồn: BCTN 2018 Cenland.

Với dịch vụ này, CenLand sẽ ký hợp đồng môi giới với chủ đầu tư để phân phối sản phẩm. Hợp đồng có thể trên cơ sở độc quyền hoặc không độc quyền và CenLand có thể sẽ phải nộp một khoản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và cam kết của mình. 

Tính đến hiện tại, mảng môi giới vẫn chiếm phần lớn tỷ trọng doanh thu Cenland với khoảng 58%, tuy nhiên con số này đang thiên giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhường chỗ cho đầu tư thứ cấp. 

Đây là định hướng mới doanh nghiệp hướng đến từ những năm 2017-2018, song song là tỷ trọng đóng góp mảng môi giới liên tục sụt giảm. Ghi nhận, mảng môi giới chiếm hơn 97% tổng doanh thu Công ty từ cuối năm 2017, đã giảm mạnh về dưới con số 70% vào năm sau. Đặt kế hoạch cho năm 2019, môi giới dự chỉ chiếm khoảng 52% tổng doanh thu. 

Ngược lại, bắt đầu ghi nhận doanh thu từ năm 2018, mảng đầu tư dự án nhanh chóng tăng thị phần tổng doanh thu, từ mức 27% cả năm 2018 lên mức 43% - theo kế hoạch cho năm 2019. Tính riêng 9 tháng đầu năm, mảng thứ cấp đã mang về 40% doanh thu cho Công ty. 

Theo ban lãnh đạo, với vai trò là trung gian giữa hai bên cung cầu, không chỉ đối mặt với rủi ro thanh toán, Cenland còn bị phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung bất động sản từ phía các nhà phát triển bất động sản. Với các dự án bất động sản có vị trí thuận lợi và thu hút được các khách hàng, nhà phát triển bất động sản có thể tự phân phối các sản phẩm mà không cần thông qua đơn vị trung gian như CenLand. Tuy nhiên với các dự án còn ở giai đoạn tiềm năng hoặc có vị trí chưa thực sự hấp dẫn, việc phân phối dựa vào thế mạnh của CenLand là một lựa chọn hoàn toàn chính xác. 

Để giảm thiểu các rủi ro này, ban lãnh đạo CenLand bắt đầu có kế hoạch phát triển kinh doanh theo hướng thực hiện bao tiêu sản phẩm và/hoặc tự doanh nhằm tối đa hóa lợi nhuận và tận dụng hệ thống mạng lưới phân phối và khả năng tài chính lành mạnh của Công ty. 

Dù phân tán đẩy mạnh bán dự án thứ cấp, đội môi giới của Shark Hưng vẫn mang về 100 tỷ doanh thu hàng tháng - Ảnh 2.
 

Với lợi thế là đầu mối dự án, sau khi thẩm định tính khả thi của dự án, CenLand có thể chọn đầu tư với tiền tự có của Công ty và các hình thức huy động vốn ngắn và trung hạn. Theo đó, Công ty sẽ mua các sản phẩm bất động sản từ chủ đầu tư và sau đó bán lại ở thị trường thứ cấp. 

Đây là một hoạt động cần nhiều vốn, nhiều rủi ro và cũng mang lại lợi nhuận cao. Cuối năm 2018 đầu năm nay, Công ty tiến hành tăng vốn lên 800 tỷ đồng, với sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược của VinaCapital và Dragon Capital, CenLand đã tận dụng được nguồn vốn bằng việc tăng cường hoạt động mua thứ cấp và đặt cọc bao tiêu. Ngoài ra ban lãnh đạo CenLand cũng thúc đẩy hợp tác được với nhiều chủ đầu tư lớn như Trung Nam Group, VABIS Group, Khai Sơn… để gia tăng kho hàng. 

Hoạt động này đã đem lại được lợi nhuận lớn cho CenLand, chiếm tới 27% tổng doanh thu bán hàng và dịch vụ. 

Năm 2019, CenLand đặt mục tiêu doanh thu 2.562 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 563 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Công ty đã thực hiện 63% cả 2 chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.