Doanh nhân Đỗ Ngọc Lâm, nhà sáng lập, kiêm giám đốc điều hành Vuihoc:“Bạn chỉ giỏi đến ngày hôm qua”
Tự tin chinh phục những “gã khổng lồ”
Trong năm 2021, Vuihoc nhận vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures để phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao tính cá nhân hóa trong giáo dục.
Nối tiếp thành công đó, năm 2022, Công ty huy động được2 triệu USD trong khoản tài trợ bắc cầu được dẫn đầu bởi Quỹ đầu tư Bace Capital do “gã khổng lồ” fintech Ant Group hậu thuẫn cùng sự tham gia của một số quỹ đầu tư khác.
Vuihoc sẽ sử dụng nguồn vốn này để đẩy mạnh tăng trưởng nhằm đạt mục tiêu 1 triệu người dùng trả phí vào năm 2024. Công ty cũng tiếp tục đầu tư cho hạ tầng công nghệ, tập trung vào các tính năng học tập thích ứng giúp nâng cao sự tương tác và hiệu quả học tập của học sinh. Bên cạnh đó, Vuihoc dự kiến triển khai vòng gọi vốn series A vào cuối năm nay.
Ông Đỗ Ngọc Lâm tự tin, Vuihoc có thể song hành cùng rất nhiều start-up trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edtech) và gọi được vốn quy mô lớn, vì theo ông, giai đoạn này, các quỹ đang “lùng sục” dự án edtech để đầu tư.
Ông Lâm chia sẻ 4 yếu tố chính giúp Vuihoc nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Đầu tiên, là tầm nhìn của doanh nghiệp với mong muốn mang lại sản phẩm giáo dục chất lượng, chi phí hợp lý, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng tới tất cả học sinh Việt Nam.
Thứ hai, Vuihoc là một trong những đơn vị edtech có tốc độ tăng trưởng doanh thu và người dùng cao nhất trong những năm qua.
Thứ ba, Vuihoc đã và đang hợp tác với những giáo viên hàng đầu, xây dựng được kho học liệu đồ sộ với hàng chục ngàn video bài giảng, hàng trăm ngàn câu hỏi luyện tập.
Thứ tư, Vuihoc có nền tảng công nghệ mạnh mẽ để quản trị mọi hoạt động theo hướng dữ liệu (data-driven).
Theo Ken Research, quy mô thị trường edtech Việt Nam dự kiến tăng từ 2,08 tỷ USD (năm 2021), lên 3 tỷ USD vào năm 2023 và đứng trong top 10 thị trường edtech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới. Giai đoạn 2019 - 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của thị trường edtech Việt Nam đạt khoảng 20,2%.
Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, thị trường edtech Việt Nam là mảnh đất màu mỡ khi có tới 23 triệu học sinh, sinh viên, tỷ lệ tiếp cận Internet cao (trên 70%) cùng với mức độ quan tâm và chi tiêu cao của phụ huynh dành cho giáo dục.
Độ “màu mỡ” luôn tỷ lệ thuận với mức độ cạnh tranh. Tính đến năm 2021, có 179 công ty liên quan đến edtech đã được đăng ký tại Việt Nam, bao gồm cả start-up trong nước và không ít công ty nước ngoài, như Snapask, Duolingo, Elsa, Quizlet, Moodle... Trong đó, có khoảng 11 khoản đầu tư, tổng trị giá 108,4 triệu USD, chiếm 14,37% quy mô đầu tư vào edtech tại khu vực ASEAN.
Cách “sinh sôi” trong thị trường bản địa hóa cao
Thị trường Việt Nam đang thu hút khá nhiều start-up ngoại đình đám, đặc biệt là một loạt start-up tên tuổi từ Ấn Độ như Bhanzu, upGrad, Byju’s đang mở rộng tầm nhìn sang Đông Nam Á, Trung Đông.
Ở góc độ là đối thủ cùng ngành, ông Lâm cũng rất mong muốn sẽ có thêm những start-up từ nước ngoài vào Việt Nam để có thêm lựa chọn cho phụ huynh, học sinh và góp phần mở rộng thị trường giáo dục trực tuyến. Hiện nay, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam còn
khá nhỏ (chỉ chiếm khoảng 5% thị phần).
Tuy nhiên, giáo dục là thị trường có tính bản địa hóa cao, vì vậy, không dễ để các start-up nước ngoài có thể điều chỉnh chương trình của họ phù hợp với đặc thù của giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, các start-up nước ngoài cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thấu hiểu đặc thù, tâm lý của học sinh, phụ huynh Việt Nam để cung cấp giải pháp phù hợp.
“Đó chính là lợi thế của Vuihoc. Chúng tôi hiểu nhu cầu của phụ huynh học sinh, hiểu về đặc thù của giáo dục Việt Nam, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp nhất”, ông Lâm khẳng định.
Đến nay, Vuihoc đã có hàng trăm ngàn học sinh theo học hàng tuần và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh. Vuihoc đã lan tỏa được giá trị học tập tới học sinh, giúp các em học tập chủ động.
Với mục tiêu đưa Vuihoc trở thành đơn vị dẫn đầu và định hướng giáo dục trực tuyến ở Việt Nam, ông Lâm đã và đang tập trung nâng cao chất lượng nội dung, công nghệ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của học sinh, phụ huynh.
Trước khi thành lập và gây dựng mô hình Vuihoc, ông Lâm cùng nhóm phát triển sản phẩm đã nghiên cứu, tham khảo mô hình của Byju's - một edtech nổi tiếng của Ấn Độ và nhận thấy, cần nghiên cứu tâm lý của học sinh trong mỗi độ tuổi, bằng cách phân ra từng nhóm học sinh, mỗi nhóm có cách tiếp cận riêng.
“Chúng tôi áp dụng những bài học này một cách hợp lý trên cơ sở nguồn lực của mình để sản phẩm thực sự Make in Vietnam, phù hợp với từng độ tuổi, tâm lý học sinh Việt Nam cũng như bám sát khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, ông Lâm chia sẻ.
Khi xây dựng sản phẩm, Vuihoc luôn có những cải tiến dựa trên tâm lý người dùng. Ông Lâm cho biết, ứng dụng nước ngoài có nhiều chương trình rất hay, nhưng khó áp dụng ở Việt Nam. Chẳng hạn như việc xây dựng một số lớp học đảo ngược, trong đó, học sinh chuẩn bị bài từ trước và thảo luận bài đó với giáo viên tại lớp.
Còn ở Việt Nam, các chương trình học online phải được xây dựng như một chương trình bổ trợ, giáo viên giảng dạy theo lộ trình truyền thống, thay vì một kênh độc lập như nước ngoài.
Thời điểm bắt đầu xây dựng Vuihoc, thị trường giáo dục trực tuyến còn rất mới mẻ tại Việt Nam. “Khi đó, chúng tôi muốn làm rất nhiều thứ, nhưng nguồn lực thì có hạn, nên phải ngồi lại với nhau, phân tích kỹ từng giai đoạn phát triển để đảm bảo làm tới đâu, chắc tới đó”, ông Lâm kể.
Thách thức luôn là một phần của kinh doanh. Với các start-up, các bài toán khó không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là tìm kiếm nhân sự phù hợp, phát triển sản phẩm... Động lực lớn nhất để ông Lâm và các cộng sự của mình vượt qua là sự ghi nhận của người dùng.
Thời điểm này, Vuihoc đã phần nào vượt qua khó khăn, nhưng ông Lâm không dừng ở sự hài lòng, mà muốn nhắc tới niềm tự hào. Vuihoc đang ngày càng khẳng định thương hiệu, thể hiện tốt vai trò của một đơn vị edtech khi có những sản phẩm được người dùng trân trọng.
Đi tìm “mảnh ghép” còn thiếu
Vốn là học sinh chuyên Toán từ nhỏ và lớn lên trong giai đoạn Internet bắt đầu xuất hiện, dần phổ biến ở Việt Nam, Đỗ Ngọc Lâm chọn theo học Trường đại học
Bách khoa Hà Nội với mục tiêu phát triển nghề nghiệp trong mảng công nghệ. Ở Vuihoc, ông Lâm tự tin và tự hào rằng, với đội ngũ nhân sự có chung đam mê, niềm tin công nghệ, start-up sẽ mang đến những giá trị thực sự cho cộng đồng.
Gần đây, Vuihoc chào đón sự gia nhập của Travis Richard Stewart, cựu CEO Apax Holdings, giữ vai trò Giám đốc Học thuật và Chiến lược. Với hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có 10 năm làm việc tại tập đoàn giáo dục lớn nhất Hàn Quốc - Chungnam và 7 năm ở Việt Nam, Travis hiểu sâu sắc về giáo dục ở Đông Nam Á cũng như cách để nâng cao chất lượng giáo dục và thực sự là một “mảnh ghép” quan trọng với Vuihoc.
“Chúng tôi gặp nhau ở những điểm chạm và cùng mong muốn tạo ra những sản phẩm thực sự chất lượng, mang lại giá trị cho cộng đồng”, ông Lâm chia sẻ.
Nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao luôn mong muốn tìm môi trường làm việc mà họ có thể phát huy được tốt nhất khả năng của mình. Ông Lâm đang xây dựng Vuihoc trên nền tảng đội ngũ có cùng mục tiêu, nỗ lực và cùng chia sẻ thành quả…
Khi Vuihoc đã có “bệ phóng”, ông Lâm đã hình dung đến một ngày, Công ty sẽ trở thành mục tiêu M&A của các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước và ông sẽ phải cân - đong - đo - đếm, phải đàm phán với đối tác ra sao…
“Tôi luôn trân trọng mọi sự hợp tác, nếu đó là cơ hội thúc đẩy chúng tôi tiến tới tầm nhìn của mình. Đó là mang tới sản phẩm chất lượng với chi phí hợp lý, nâng cao sự bình đẳng trong giáo dục, giúp các em học sinh có khả năng học tập tốt hơn. Qua đó, nâng cao triển vọng nghề nghiệp trong tương lai”, CEO Vuihoc khẳng định.
Trước khi bắt tay cùng cộng sự Đỗ Minh Thu gây dựng Vuihoc, ông Đỗ Ngọc Lâm từng thử sức khởi nghiệp trong lĩnh vực khác.
Hai năm trước khi thành lập Công ty, sau khi trải nghiệm và tìm hiểu môi trường giáo dục ở Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Lâm nhận thấy, giáo dục ở Việt Nam còn nhiều vấn đề cần chung tay giải quyết, như sự mất cân bằng nguồn giáo viên chất lượng giữa thành thị và nông thôn, sự khác nhau về cơ sở vật chất giữa các vùng miền, sự thiếu hụt nguồn học liệu chất lượng cao…
Theo ông Lâm, dù khởi nghiệp ở lĩnh vực nào, làm công việc gì, cũng cần xoay quanh ba yếu tố.
Thứ nhất, là yếu tố con người. Cách xây dựng kết nối giữa người với người (thể hiện qua khả năng tìm người, nhìn người, dùng người và giữ người) luôn là chìa khóa quan trọng trong bất kỳ hành trình nào, kể cả trong thời đại công nghệ.
Thứ hai, là khách hàng. Trong kinh doanh, nếu không có khách hàng sẽ không có doanh nghiệp. Cần lưu ý, khách hàng không chỉ mua sản phẩm của mình, họ mua những điều mà sản phẩm sẽ làm được cho họ.
Thứ ba, là phát triển bản thân. “Bạn chỉ giỏi đến ngày hôm qua” là câu nói mà ông Lâm rất tâm đắc. Hành trình của một con người sẽ bị giới hạn bởi chính bản thân người đó, còn tổ chức sẽ bị
giới hạn bởi người lãnh đạo. Khi đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp 2 - 3 lần/năm, ông Lâm đã đặt ra cho riêng mình mục tiêu phát triển lớn hơn con số đó. Chỉ như vậy, ông mới có thể tạo không gian cho những người đồng hành phát triển.
Theo Báo Đầu Tư
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.