Dở khóc dở cười chuyện bùng 150 mâm cỗ cưới: Không phải chuyện lần đầu!
Một nhà hàng bị "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới
Tuần qua, một sự việc hy hữu đã xảy ra ở Điện Biên vào ngày 30/9. Theo đó, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh và câu chuyện về một nhà hàng bị khách "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới tại địa bàn phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Liên lạc với phía nhà hàng thì được biết, cách đây khoảng 1 tuần nhà hàng có nhận được yêu cầu từ phía khách hàng làm 150 mâm cỗ cưới. Theo đúng lịch đặt thì vào chiều nay họ sẽ đến để dự tiệc.
“Nhưng đến giờ tiệc, phía nhà hàng không thấy bất kỳ một ai đến dự tiệc cưới nên đã trình báo sự việc lên cơ quan công an", vị đại diện nhà hàng chia sẻ.
Cũng theo người đại diện nhà hàng, trước khi đặt 150 mâm cỗ, phía khách hàng đã đặt cọc 30 triệu đồng. Tổng số tiền 150 mâm cỗ trị giá khoảng hơn 200 triệu đồng.
Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ) cho biết, đúng là trên địa bàn phường có xảy ra sự việc như vậy, và đến chiều nay 30/9, chủ nhà hàng đã lên công an phường trình báo sự việc.
Tìm thấy cô gái “bỏ bom” 150 mâm cỗ cưới
Sau sự việc hy hữu “bỏ bom” 150 mâm cỗ cưới, Cà Thị Út tắt điện thoại không liên lạc được, bỏ trốn khỏi địa bàn sinh sống nên cơ quan công an đã phải cử lực lượng tìm kiếm.
Phải đến 18h ngày 1/10, Cà Thị Út mới được cơ quan chức năng tìm thấy tại khu vực gần biên giới ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên.
Ngay sau khi được tìm thấy, lực lượng chức năng đã bàn giao Út về Đội điều tra, Công an thành phố Điện Biên để lấy lời khai và làm rõ sự việc.
Cà Thị Út sinh năm 1996, có hộ khẩu thường trú tại xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ.
Hành trình lừa đảo tinh vi
Sau khi được tìm thấy ngày 1/10, qua đấu tranh, Cà Thị Út khai nhận, do thường xuyên qua lại quán T.P. ăn nhậu nên quen biết anh Vũ Thế L. (chủ nhà hàng). Để “đánh bóng” tên tuổi, Út khoe là đang công tác tại một cơ quan nhà nước trên địa bàn. Thấy anh L. tin tưởng nên Út đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.
Khoảng tháng 8/2020, Út đặt anh L. làm 7 mâm cơm (trị giá 7 triệu đồng) để tiếp khách cơ quan và yêu cầu anh L. ship đến địa chỉ do Út cung cấp. 7 mâm cỗ này Út nợ chưa trả tiền.
Khi anh Vũ Thế L. gọi điện đòi khoản nợ trên, do không có tiền trả và muốn anh L. tin tưởng nên Út nói dối là sau này sẽ tổ chức đám cưới tại nhà hàng của anh rồi trả một thể.
Ngày 22/9, Út gọi điện thoại cho anh L. yêu cầu cung cấp 156kg gà sống, 40kg giò, 180 hộp mía (trị giá gần 23 triệu đồng) để tổ chức báo hỷ tại nhà gái. Đồng thời Út đặt anh L. dựng phông, rạp và 150 mâm cỗ cưới tại nhà hàng của anh.
Theo hợp đồng miệng giữa đôi bên, từ ngày 24 - 26/9, anh L. đã chuyển đủ số thực phẩm trên cho Út; ngày 30/9 chuẩn bị đầy đủ 150 mâm cỗ cưới theo yêu cầu.
Toàn bộ số tiền hàng Út chưa thanh toán cho anh L.
Trớ trêu chuyện "bùng cỗ"
Việc bùng cỗ cưới không phải lần đầu mới xuất hiện, chủ một nhà hàng ở Chương Mỹ (Hà Nội) cũng từng khốn khổ khi khách đặt 20 mâm cỗ tiệc bỗng tự nhiên báo hủy vào phút chót, trong khi mọi thứ đã chuẩn bị xong.
Cũng do khách quen, nên chủ nhà hàng không yêu cầu phía khách đặt cọc mà chủ yếu dựa trên sự tin tưởng.
“Lúc đó, tôi thực sự bối rối vì không biết xử lý ra sao, bởi họ cũng là khách quen. Tôi nghĩ chắc họ cũng có việc bận, chứ không phải cố tình nhưng giờ cỗ đã bày ra rồi, không phải 1 mâm mà là 20 mâm, mỗi mâm trị giá 1,2 triệu đồng", chủ hàng kể lại.
Thậm chí, khi đề nghị chịu một phần chi phí vì bỗng nhiên huỷ ngang, nhưng khách lại không muốn mất tiền nên nhà hàng phải “gánh” hết.
Bất đắc dĩ, toàn bộ số thức ăn chín của 20 mâm cỗ bị bùng đều được chủ nhà hàng mời nhân viên, khách đến ăn miễn phí trong ngày hôm đó. Còn những đồ khô, đồ hộp chưa mở vẫn còn hạn sử dụng thì nhà hàng giữ lại để dùng.
Chủ nhà hàng có thể khởi kiện khách?
Trao đổi với PV Dân trí về trường hợp này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng VPLS Tinh Thông Luật - cho rằng, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, theo vị luật sư này, pháp luật quy định nếu tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý.
“Còn trong sự việc này bên sử dụng dịch vụ đã vi phạm nghĩa vụ báo trước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cưới hỏi là chuyện hệ trọng của một đời người. Đằng sau sự việc này còn có nguyên nhân gì không mà chúng ta chưa được biết? Có phải là sự kiện bất khả kháng không?
Nếu sau khi đã tìm hiểu và thấy quyền lợi chính đáng của mình bị xâm hại thì chủ nhà hàng có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại” - ông Bình chia sẻ thêm.
Thế Hưng
Dân trí
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.