Điểm tên hàng loạt cao ốc “chèn ép” hạ tầng giao thông Hà Nội
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2017, toàn quốc có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5%. Trong đó, Hà Nội là một trong những TP có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của cả nước.
Thực tế, một trong những đổi thay của Hà Nội là ai cũng nhìn thấy là những tòa nhà cao tầng, chung cư hàng nghìn căn hộ, trung tâm thương mại... mọc khắp nơi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia xây dựng, quy hoạch nhà cao tầng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch chưa cao, điều chỉnh nhiều, thậm chí tràn lan đang dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Giao thông "không theo kịp" cao ốc.
Cao ốc mọc như nấm
Theo khảo sát mới đây của PV Dân Việt, trên tuyến đường Nguyễn Tuân (Q. Thanh Xuân) dài hơn 1km nhưng đã có khoảng 20 tòa nhà, khu chung cư cao tầng như: HUD Tower, Việt Đức Complex, 90 Nguyễn Tuân, The Legend, Thống Nhất Complex... đang tạo sức ép quá lớn cho hạ tầng khu vực này. Trong đó, dự kiến góp phần đáng kể vào sự ngột ngạt của tuyến đường là dự án TNR Goldseason gồm 4 tòa cao từ 27 - 35 tầng.
Cao ốc bủa vây xung quanh tuyến đường Nguyễn Tuân.
Tiếp nối với đường Nguyễn Tuân, trục đường Lê Văn Lương và Tố Hữu được kỳ vọng tạo sức sống mới cho đô thị hiện đại với thiết kế mặt cắt 40m, 6 làn xe, bố trí dải phân cách và 2 bên vỉa hè 2 hàng điện cao áp, vỉa hè rộng 10m. Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm trở lại đây, từ con đường thoáng đãng, giờ đây, trục đường này như một hàng rào đan kín các cao ốc. Ước tính, có tới gần 40 tòa chung cư 25 - 35 tầng chen chúc trong khoảng hơn 2km đường.
Một điểm cao ốc mọc như nấm tại Hà Nội là khu vực đường vành đai 3, đoạn Phạm Hùng (cạnh bến xe Mỹ Đình). Có thể kể đến một số dự án chung cư lớn có quy mô lên tới hàng nghìn căn hộ tại đây như: Mỹ Đình Plaza 2, Bidhome The Garden Hill, Dolphin Plaza...
Chung cư dày đặc gần khu vực bến xe Mỹ Đình.
Cũng cùng trên trục đường Vành đai 3, tại khu vực Nguyễn Xiển – Nghiêm Xuân Yêm, tình trạng các dự án bất động sản cũng mọc dày đặc như: Ecogreen City, The Manor Central Park, Khu đô thị Linh Đàm... Trong đó, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ được điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại lô đất CT2 với tòa nhà A,B,C,D cao từ 36 đến 45 tầng. Đáng chú ý, con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại bởi các khu đất trống đang tiếp tục được các doanh nghiệp “khui” ra xây chung cư.
Theo báo cáo thị trường bất động sản của Savills Việt Nam, trong quý I/2018, tại Hà Nội, có 11 dự án mới, số liệu mở bán đạt 5.530 căn. Dự báo trong năm 2018, hơn 20.000 căn hộ từ 38 dự án sẽ tiếp tục được mở bán ra thị trường, trong đó hầu hết là các căn hộ hạng B. Số căn hộ này phù hợp với nhu cầu và vừa túi tiền với đa số người dân có nhu cầu mua nhà. Theo đó, dân số từng khu vực sẽ tăng lên gấp 2 - 3 lần hiện nay, hiển nhiên đã tạo thêm áp lực cho các khu vực trung tâm, gây khó khăn việc cho việc đi lại của người dân, nhất là vào giờ cao điểm.
Dự án giao thông ì ạc, tăng vốn
Hệ lụy nhãn tiền, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các khu đô thị, nhà cao tầng ồ ạt mọc lên trong trung tâm Hà Nội. Việc xây dựng bất chấp những hệ lụy lâu dài đã khiến Hà Nội phải trả giá bằng tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra khắp nơi, trở thành một vấn nạn đối với người dân.
Các chuyên gia đã chỉ ra 3 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, quy hoạch giao thông không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Thứ hai, xây dựng các khu dân cư tập trung đông đúc mà hoàn toàn không có đánh giá tác động giao thông. Thứ ba, vận tải hành khách công cộng phát triển quá chậm, hiệu quả thấp.
Giao thông Hà Nội bị bức tử, không theo kịp sự phát triển đô thị.
Giải pháp giao thông của Hà Nội là đầu tư nhiều dự án cải tạo, mở rộng, quy hoạch nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp cải thiện giao thông nói trên lại chưa được triển khai đồng bộ với việc hình thành các cao ốc.
Chia sẻ về câu chuyện này, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định: “Đến nay chúng ta thấy, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đang triển khai nhưng cũng chưa đến đâu bởi một sơ đồ không thực tế. Tuyến Ngọc Hồi kéo dài ra đến Như Quỳnh nhưng quy hoạch và tính lôgic cũng không rõ ràng. Tiếp đến là tuyến đường sắt Trần Hưng Đạo - Nam Thăng Long đang đề nghị tăng vốn cơ sở khoa học nhưng đến nay nhiều người vẫn thắc mắc sao phải làm tuyến đó khi phải chi mức giá 19 tỷ đồng mà lại còn đang đề nghị tăng gấp đôi?”
Tuyến Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhiều năm rơi vào tình trạng ì ạch, đội vốn, chậm tiến độ... chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể coi gần khớp với thời gian hoàn tất xây dựng của nhiều cao ốc ở nội thành và kỳ vọng sẽ phần nào giúp giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công, có tới 4 lần chính thức phải điều chỉnh tiến độ do vướng mặt bằng, tai nạn lao động. Bên cạnh đó, các dự án giao thông còn lại vẫn “trên giấy” để nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư và thời gian thực hiện chưa biết khi nào bắt đầu và khi nào sẽ về đích.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.