Dân Ia Tô-xã biên giới tỉnh Gia Lai làm giàu nhờ chôm chôm
Thu nhập khá từ chôm chôm
Cách trung tâm TP.Pleiku (Gia Lai) khoảng hơn 30km, xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đang thu hút các đoàn khách tham quan về mô hình chôm chôm xứ sở vùng biên. Khác với chôm chôm ở vùng miền khác, chôm chôm Ia Tô có vị ngọt thanh, giòn và rất dễ lóc tựa. “Trăm nghe không bằng một thấy”, đầu tháng 8 chúng tôi tìm về xã Ia Tô, khi các nhà vườn đang nhộn nhịp thu hái chôm chôm để kịp giao cho những thương lái đang chờ sẵn.
Người dân đặt kỳ vọng vào việc xây dựng thương hiệu chôm chôm Ia Tô. Ảnh: Trần Hiền
Tất bật cả buổi trưa cắt gần 2 tạ chôm chôm, ông Nguyễn Văn Duy (44 tuổi, thôn 6, xã Ia Tô) phấn khởi nói: “Cả chôm chôm thường và chôm chôm Thái trong vườn có khoảng 400 cây, trung bình mỗi vụ cho thu về gần 90 tấn quả. Trước đây, diện tích này tôi trồng cà phê và tiêu, nhưng lời lãi không bao nhiêu nên xen canh chôm chôm, giờ cây có tuổi thọ cao nhất trong vườn là 23 năm. Vừa rồi, tôi cắt có 3 cây mà thu về 2 tấn quả. Ở các vùng miền khác thì tôi không biết còn ở đây cùng khí hậu, thổ nhưỡng nhưng chôm chôm ở xã Ia Tô lại ngọt thanh và giòn hơn chôm chôm ở thị trấn Ia Kha hay xã Ia Krái… Không những năng suất cao, mà chất lượng đảm bảo nên được các thương lái ưa chuộng”.
Được biết, trên địa bàn xã Ia Tô hiện trồng khoảng 40ha chôm chôm tại 16 thôn, làng và đều trồng theo hình thức xen canh. Tận dụng lợi thế cây nhà lá vườn và nhận thấy năng suất vượt trội của dòng cây ăn quả này, xã Ia Tô đã thành lập tổ liên kết chôm chôm với 30 thành viên tại thôn 6.
Chôm chôm Ia Tô ngày càng có tiếng trên thị trường tỉnh Gia Lai và các tỉnh, thành phố...
Ông Trịnh Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tô cho hay: “Hiện xã đang xây dựng thương hiệu chôm chôm Ia Tô và định hướng phát triển chuỗi liên kết để hình thành hợp tác xã cây ăn trái không chỉ riêng chôm chôm mà cả sầu riêng, bơ... Vừa đảm bảo đầu ra ổn định, vừa có thể đem đi quảng bá loại cây đặc sản với các tỉnh, thành khác. Bên cạnh đó, hàng tháng chúng tôi cũng đang mở các lớp tập huấn chăm sóc chôm chôm cho người dân. Thời gian tới, xã đang có kế hoạch sẽ đưa giống chôm chôm mới về vùng đất này. Hiện giống chôm chôm lai này chúng tôi đã thử nghiệm, kết quả cho thấy năng suất vượt trội hơn chôm chôm thường và Thái, kỹ thuật trồng cũng dễ hơn”.
Tiếp sức cho nông dân
Sau mấy chục năm bén rễ ở thôn 6, chôm chôm Ia Tô đã được xem là một đặc sản của xứ sở vùng biên giới, nhưng người dân mong mỏi sẽ có một đầu ra ổn định hơn. Tâm sự với phóng viên, anh Nguyễn Quyết Thắng (30 tuổi, thôn 6) bộc bạch: “Từ trước đến nay, quá trình chăm sóc vườn cây đều do gia đình tự đúc kết kinh nghiệm và học hỏi qua mạng internet. Đôi khi dịch bệnh giáng xuống vườn cây không thể cứu vãn, hay lúc được mùa thì lại bị ép giá… Nếu xây dựng được thương hiệu chôm chôm Ia Tô, giá bán sẽ ổn định hơn, người dân chúng tôi cũng yên tâm phần nào…”.
Người dân xã Ia Tô đang thu hoạch chôm chôm.
Cây ăn trái đang là tiềm năng phát triển của địa phương, các vườn sầu riêng và chôm chôm thường cho thu nhập 300 - 350 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí, cao hơn các loại cây khác như cà phê, cao su… Vì vậy, xã đang xúc tiến xây dựng thương hiệu trái cây Ia Tô, trong đó đặc biệt là thương hiệu chôm chôm.
Tuy nhiên, việc phát triển các loại cây ăn trái đòi hỏi mức đầu tư ban đầu lớn, thời gian chờ thu hoạch kéo dài. Xuất phát từ nhu cầu trên, Hội Nông dân xã Ia Tô đã xây dựng dự án “Trồng và chăm sóc cây ăn trái tổng hợp” và có đề nghị vay vốn Quỹ HTND Trung ương nhằm tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển sản xuất.
Nhận thấy tầm quan trọng cũng như ý nghĩa thiết thực từ dự án này, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã trích 440 triệu đồng từ dự án vay vốn Quỹ HTND cho 11 hộ thực hiện dự án trồng và chăm sóc cây ăn trái tổng hợp. Được biết Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ia Grai cũng đã làm việc với Sở Công Thương để đăng ký thương hiệu chôm chôm Ia Tô.
"Để nâng cao giá trị chôm chôm Ia Tô trên thị trường, huyện Ia Grai đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, liên kết tạo thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Huyện còn vận động người dân tuân thủ các quy trình chăm sóc chôm chôm sạch...”, ông Phan Đình Thắm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai |
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.