Trong các ngày từ 6 đến 9/11, người dân nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt dù đang giữa mùa mưa. Họ phải dùng xô, chậu hứng nước nhỏ giọt để dùng dần; nhiều hộ dân không đủ nước để máy giặt hoạt động nên phải giặt tay; hàng loạt gia đình, trường học phải mua nước uống chai về dùng,...
Chiều 13/11, ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch thường trực thành phố đã ký văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, báo cáo tình hình thiếu nước sinh hoạt và đề xuất giải pháp.
Ông Dũng chỉ đạo các đơn vị xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, vận hành hệ thống cấp nước sạch dẫn đến xảy ra tình trạng thiếu nước như thời gian qua; chấn chỉnh và đề xuất xử lý trách nhiệm (nếu có); Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) được yêu cầu báo cáo cụ thể tình hình hoạt động, vốn, nhân sự chủ chốt và sản xuất kinh doanh từ sau cổ phần hóa đến nay.
Nhiều nhà dân ở Đà Nẵng phải tranh thủ lúc thấp điểm để giặt tay vì máy giặt không đủ nước hoạt động. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Trước nghi vấn nước tại trạm bơm phòng mặn An Trạch không thiếu nhưng máy bơm lại không hoạt động hết, dẫn đến nước cấp cho người dân nhỏ giọt, ông Hồ Hương - Tổng giám đốc Dawaco nói nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt thời gian qua "chủ yếu do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn và đây là nguyên nhân khách quan".
Theo số liệu Dawaco cung cấp, từ ngày 31/10 đến 7/11, độ mặn dao động từ 372mg/l đến 4.374mg/l, là mức cao nhất tính từ đầu năm 2018 dẫn đến việc nước thô không đủ cung ứng cho hai nhà máy Cầu Đỏ và Sân Bay vận hành (các cơ sở cung cấp 80% nước sạch cho Đà Nẵng).
Công ty đã phải vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch 24/24h để hai nhà máy Cầu Đỏ và Sân Bay hoạt động. Trạm bơm này chỉ đáp ứng được 200.000 m3/ngày. Trong khi nhu cầu nước sinh hoạt của người dân hiện tại là 270.000 m3/ngày. Và đây được cho là nguyên nhân dẫn đến nước yếu, nhiều nơi không có nước vào giờ cao điểm.
Nhà máy nước Cầu Đỏ phải bơm nước từ trạm phòng mặn An Trạch về để vận hành. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Lý giải việc trạm An Trạch có sáu máy bơm nhưng chỉ ba máy hoạt động, ông Hương nói theo thiết kế đường ống của trạm chuyển nước thô về Cầu Đỏ từ năm 2008 thì dù hoạt động hết công suất cũng chỉ được 200.000 m3/ngày. Trong khi đó, mỗi máy bơm (sau cải tạo năm 2015) có thể bơm 3.000 m3/h nên chỉ vận hành ba máy là đủ đáp ứng; ba máy còn lại để dự phòng.
"Không phải chúng tôi tiếc tiền điện nên không vận hành hết, mà là đường ống hiện tại không cho phép bơm nhiều hơn", Hương nói và cho biết quá trình bơm nước thô từ An Trạch về Cầu Đỏ còn bị tổn thất khoảng 15%, góp phần vào việc thiếu nước thô.
Đà Nẵng yêu cầu giải trình về dự án nhà máy nước Hoà Liên
Liên quan đến dự án nhà máy nước Hoà Liên - công trình được cho sẽ giúp cải thiện tình trạng "khát" nước sinh hoạt ở Đà Nẵng, trong chỉ đạo ngày 13/11, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương báo cáo tổng thể tình hình đầu tư xây dựng, phân tích đầy đủ các giai đoạn triển khai từ năm 2012 đến nay kèm theo giải trình nguyên nhân kéo dài triển khai dự án trên; làm cơ sở báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng trước ngày 20/11.