Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang vì cuộc sống khỏe, đẹp
Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG Pharma, mã DHG) là doanh nghiệp đầu đàn trong ngành dược Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2019, sau khi Taisho, một công ty dược phẩm ở Nhật tham gia nắm giữ 51% vốn thì Công ty trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trợ lực của Taisho
2 năm qua, nhờ trợ lực của Taisho, Dược Hậu Giang đã nâng cấp dây chuyền sản xuất viên sủi bọt đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP và dây chuyền viên nén Non-Betalactam đạt tiêu chuẩn GMP Nhật (PMDA). Bên cạnh đó, Công ty đã hợp tác với Taisho để sản xuất và phân phối 10 sản phẩm mới như thuốc dùng ngoài, thuốc xịt, tim mạch, tiểu đường. Mặc dù vậy, Ban lãnh đạo Dược Hậu Giang cho biết, sự hỗ trợ từ Taisho sẽ chỉ tạo ra doanh thu hợp tác dự kiến từ năm 2022. Hợp tác với Taisho hứa hẹn sẽ tạo động lực tăng trưởng doanh thu kênh điều trị và doanh thu xuất khẩu trong tương lai, góp phần mở rộng tăng trưởng dài hạn của Công ty.
Cụ thể, Taisho sẽ hỗ trợ Công ty trong xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và sản xuất cho các công ty thành viên và đối tác của Taisho. Ví dụ, Dược Hậu Giang có kế hoạch nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc an thần, tiểu đường, tim mạch và tiêu hóa theo tiêu chuẩn PMDA, một trong các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất trên toàn cầu. Công ty kỳ vọng các sản phẩm này sẽ gia tăng đóng góp doanh thu từ 10% năm 2019 lên 20-30% trong vài năm tới.
Lâu nay, Dược Hậu Giang chủ yếu bán trong nước (chiếm 98%, năm 2020), còn lại xuất sang Moldova, Ukraine, Nga, Rumania, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia, Thái Lan... Theo ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc Điều hành Dược Hậu Giang, “nhờ hợp tác với Taisho, thương hiệu DHG Pharma sẽ vươn rộng hơn tới các nước phát triển mà Taisho đang có mặt, gồm cả Nhật”.
Hợp tác với Taisho cũng giúp Công ty có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình đấu thầu trong kênh bán bệnh viện, vốn có mức độ cạnh tranh cao hơn. Mặt khác, chiến lược của Công ty là giảm phần đóng góp của doanh thu từ thuốc kháng sinh và giảm đau từ 55% năm 2019 còn khoảng 30% trong các năm sau.
3 mục tiêu mới
Trong năm qua, trước tác động của dịch bệnh, Dược Hậu Giang cũng gặp một số khó khăn nhất định khi kênh phân phối thuốc chính (kênh OTC) đã bão hòa. Doanh thu năm 2020 có sụt giảm nhẹ. Dù vậy, theo Công ty, động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ việc cắt giảm chi phí. Công ty cũng tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực, triển khai dự án tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, nhờ vậy thúc đẩy lợi nhuận tăng.
Mảng hạ sốt - giảm đau của Dược Hậu Giang đã hưởng lợi từ dịch COVID-19 và vươn lên vị thế thứ 2 trên thị trường. Trong giai đoạn 2021-2022, Mirae Asset Vietnam Research cho rằng, mảng này với Hapocol là dòng sản phẩm chủ đạo sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển của Dược Hậu Giang. Mảng kháng sinh vẫn đóng góp 40% doanh thu cho Công ty nhưng theo các công ty chứng khoán, dư địa tăng trưởng không còn nhiều. Bởi 2 dòng kháng sinh chủ lực là Klamentin, Haginat đã bão hòa và Công ty đang chịu áp lực cạnh tranh từ các dòng kháng sinh mới.
Trước mắt, thay vì tập trung kênh phân phối nhà thuốc (OTC, chiếm 85% doanh thu), Công ty đang hướng chú ý vào kênh bệnh viện (ETC) và cơ cấu lại danh mục sản phẩm. Giới phân tích nhận định, chiến lược tăng cường đầu tư kênh điều trị của Dược Hậu Giang là bước đi đúng đắn và sẽ hưởng lợi tốt hơn từ dư địa tăng trưởng của ngành. Bởi theo nghiên cứu của IBM, doanh thu thị trường dược phẩm Việt Nam ước đạt 7,7 tỉ USD năm 2021 và 16,1 tỉ USD năm 2026, tức đạt tăng trưởng kép CAGR khoảng 10, 6%.
Dược Hậu Giang sở hữu lợi thế là một doanh nghiệp có hệ thống phân phối sâu rộng và lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Qúy Hòa. |
Trong 10-20 năm tới, Dược Hậu Giang đặt ra 3 mục tiêu trong phát triển giai đoạn mới. Thứ nhất, phải hội nhập để có thêm kiến thức, thêm cơ hội, thêm học tập. Thứ 2, phát triển khoa học - Taisho sẽ chuyển giao công nghệ để phát triển sản phẩm theo xu hướng của thế giới. Thứ 3, phát triển bền vững trên nền tảng quản trị được hỗ trợ bởi một tập đoàn lớn như Taisho.
Dược Hậu Giang sở hữu lợi thế là một doanh nghiệp có hệ thống phân phối sâu rộng và lớn nhất Việt Nam. Tính đến đầu năm 2021, Công ty có 34 chi nhánh phân phối hàng hóa từ thành thị đến nông thôn. Các sản phẩm của Dược Hậu Giang đã phủ khắp các nhà thuốc, bệnh viện trên cả nước, với tổng số lượng khách hàng trên 30.000 người. Công ty cũng đã cho ra đời App Cùng Thịnh Vượng để hỗ trợ nhân viên bán hàng và khách hàng giữa lúc cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Từ 2 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn quốc tế Japan-GMP, Dược Hậu Giang sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hàng loạt dây chuyền sản xuất còn lại lên chuẩn quốc tế, gia tăng danh mục sản phẩm của Công ty vươn ra thế giới. Đặc biệt, doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện dự án đầu tư mở rộng nhà máy đạt chuẩn GMP toàn cầu để sớm đưa vào vận hành trong năm 2024.
Năm 2021, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu doanh thu thuần 3.970 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 821 tỉ đồng.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.