"Cơn ác mộng VAR": Thói quen xấu ở V-League làm hại đội tuyển Việt Nam
Công nghệ VAR thật sự là cơn "ác mộng" của đội tuyển Việt Nam trong chuyến làm khách trước đội chủ nhà Oman. Trong trận đấu này, VAR đã gây bất lợi rất nhiều cho thầy trò HLV Park Hang Seo.
Đáng chú ý nhất là tình huống mở tỷ số ở phút 39 của đội tuyển Việt Nam, Tấn Tài tắc bóng chuẩn xác ngay trước phần sân của Oman rồi tung cú sút bóng rất căng khiến thủ môn đối phương phải đẩy ra. Lập tức Tiến Linh đệm bóng vào khung thành trống.
Tuy nhiên, sau đó trọng tài đã phải tham khảo và trực tiếp kiểm tra VAR để xác định bàn thắng của Việt Nam có hợp lệ hay không. Trọng tài này thậm chí còn kiểm tra tới 2 tình huống (một tình huống có thể cầu thủ Việt Nam việt vị trước đó). Rất may, cuối cùng trọng tài đã công nhận bàn thắng mở tỉ số cho tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, ở các tình huống VAR còn lại thì chúng ta không gặp may như vậy, bởi động tác phạm lỗi rất lộ liễu. Các cầu thủ Việt Nam đã mắc những lỗi rất sơ đẳng và không đáng có.
Ở phút 16, trong tình huống tranh chấp bóng bổng, dù bóng đã văng ra xa nhưng Tấn Tài vẫn có động tác dùng tay ngăn cản cầu thủ Oman. Pha bóng này quá rõ ràng và trọng tài cũng không cần VAR để xem lại tình huống và ngay lập tức cho Oman hưởng quả phạt đền.
Tương tự ở phút 62, trong lúc bật lên phá không trúng bóng, cánh tay của Duy Mạnh vô tình thẳng vào mặt tiền đạo Oman. Sau khi tham khảo công nghệ VAR, trọng tài cho đội chủ nhà hưởng phạt đền, qua đó ấn định chiến thắng 3-1.
Hai tình huống mà đội tuyển Việt Nam chịu phạt đền đến từ những thói quen xấu vốn hình thành ở V-League. Pha bóng của Duy Mạnh với tay của anh va vào mặt cầu thủ Oman hay Tấn Tài với pha cản người không bóng thô kệch, đều không được phép xảy ra ở một trận đấu ở sân chơi vòng loại cuối cùng World Cup, nơi mà các trọng tài luôn nghiêm khắc cùng công nghệ VAR "soi" kỹ tới từng… chi tiết nhỏ.
Nên nhớ trọng tài và cả VAR đều không đứng về phía Việt Nam trong những trận đấu như thế này. Chúng ta là đội bóng yếu thế khi ra đấu trường châu lục và thế giới. Vì thế, việc các cầu thủ vẫn chơi bóng như ở V-League đã làm hại chính mình và đội tuyển Việt Nam.
Trước Saudi Arabia, đội tuyển Việt Nam chịu thiệt từ việc phản ứng trọng tài (2 thẻ vàng của Duy Mạnh). Trước Oman, chúng ta lại chịu thiệt từ cách chơi bóng tiểu xảo vốn xuất hiện nhiều ở V-League.
Sau trận đấu, Duy Mạnh phàn nàn về việc trọng tài có những quyết định thiếu chính xác. Tuy nhiên, nếu trung vệ đội tuyển Việt Nam chơi bóng tỉnh táo hơn, bớt đi những tình huống 50-50, đội tuyển đã không rơi vào tình thế khó và bất lợi như vậy.
Chuyên gia Phan Anh Tú nhấn mạnh: "Đúng là với những trận đấu như thế này các cầu thủ cần có một cái đầu lạnh. Chúng ta xử lý bóng, tranh chấp không an toàn rất dễ bị trọng tài xử phạt.
Theo tôi, đây là hậu quả của một thói quen xấu ở V-League. Qua đây tôi cũng mong rằng các trọng tài Việt Nam cần xử lý mạnh tay với thói quen đó, để khi cầu thủ đi đấu quốc tế không mắc phải".
Hà Nguyên
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.