Coi thức ăn là thuốc, bác sĩ Việt tại Mỹ chỉ cách ăn uống ngừa ung thư
35% ung thư do ăn uống
Ung thư đang có xu hướng tăng trên toàn thế giới chứ không riêng tại Việt Nam. Năm 2000, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam là 69.000. Hiện tại, con số này tăng lên 126.000, trong đó có khoảng 94.000 trường hợp tử vong, gấp 9 lần tai nạn giao thông và dự kiến sẽ tăng lên 190.000 ca mắc mỗi mỗi năm vào năm 2020.
Tỉ lệ mắc ung thư ở cả 2 giới là 140/100.000 dân, đứng thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đáng tiếc, hầu hết các bệnh nhân ung thư ở Việt Nam thường phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3-4), phổ biến từ 70-90%, đặc biệt ung thư phổi (84,3%), ung thư gan (87,8%)...
Theo nhiều nghiên cứu, 80% ung thư do yếu tố môi trường, trong đó chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm chiếm tới 35%.
BS Wynn Huynh Tran |
Theo BS Wynn Huynh Tran, đang làm việc tại Mỹ, là người sáng lập tổ chức y khoa VietMD, sở dĩ ăn uống làm tăng nguy cơ ung thư do thức ăn chính là thuốc, tác dụng chính là cung cấp năng lượng cho cơ thể nhưng tác dụng phụ có thể làm tăng đường huyết, tăng mỡ máu... nếu ăn không đúng cách.
“Thức ăn là thuốc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ hàng ngày nên ăn cái gì hôm nay sẽ ảnh hưởng đến ngày mai. Đồ ăn ngon thì thường có hại”, BS Tran nhấn mạnh.
BS Tran cho biết, ung thư chỉ phát sinh từ 1 tế bào. Bình thường mỗi ngày tế bào sinh ra và chết đi nhưng nếu 1 tế bào ác tính sinh ra, chúng sẽ không mất đi mà nhân lên không kiểm soát được, phát triển thành khối u, gọi đó là ung thư.
“Các loại ung thư khác nhau là khác nhau nên khẳng định đến thời điểm này chưa có loại thuốc nào chữa được tất cả các loại ung thư. Chưa kể cơ địa mỗi người là khác nhau nên việc chữa ung thư khó khăn là vì vậy”, BS Tran chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh, ung thư không phải 1 bệnh mà là nhiều bệnh tổng hợp lại. Không ai chết vì ung thư nhưng chết vì nhiều bệnh liên quan tới ung thư.
“Khối u không giết chúng ta nhưng khối u khiến ta bị đau, khối u cũng di căn tới gan khiến gan bị hư, di căn đến phổi, di căn đến xương... Bệnh nhân chết vì di căn ung thư chứ không phải vì ung thư”, BS Tran giải thích.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, BS Tran cho biết, ung thư phát triển chậm. Ung thư chỉ được phát hiện khi tế bào ác tính nhân lên gấp 1 tỷ lần, tương đương với kích cỡ hạt đậu.
“Chính vì ung thư phát triển chậm nên những gì ăn hôm nay có thể giúp ngăn ngừa được bệnh”, BS Tran nói.
Để ngừa ung thư, BS Tran khuyên mọi người dân nên áp dụng 6 nguyên tắc ăn uống đơn giản sau:
6 nguyên tắc ăn uống ngừa ung thư, tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khác nhau. Làm đúng 6 điều này bác sĩ thất nghiệp phân nửa.
1. Uống nhiều nước
Uống ít nhất 2 lít nước/ngày, uống nhiều lần trong ngày, không đợi khát mới nước, uống kèm nước với trái cây, rau củ. Nếu không uống nước cũng giống như chúng ta chạy xe không đổ dầu.
Chúng ta có thể nhịn ăn 30 ngày nhưng nếu không uống nước 2 ngày thì có thể nguy hiểm tới tính mạng nên mới có chuyện tuyệt thực nhưng không ai tuyệt đối không uống nước.
2 lít nước chỉ tính riêng nước lọc, nước canh, không tính các loại nước có đường, có ga như Cocacola, Starbucks, 7Up, Pepsi, thậm chí cả trà.
2. Ăn nhiều rau quả
Hầu hết rau quả tươi đều có chất chống ung thư do đó bữa cơm càng ăn nhiều các loại rau càng tốt như cà rốt, su hào, rau dền, cải tím...
Bữa ăn nên ăn nhiều loại rau củ |
Gia đình nào có tiền có thể dùng rau quả hữu cơ, không có tiền thì ăn rau quả tươi thường. Tuy nhiên đừng bao giờ ăn đồ hộp do rau củ trong đồ hộp có chất bảo quản.
3. Bớt ăn thịt đỏ
Trong thịt đỏ (bò, heo...) chứa chất kích viêm, những chất này theo thời gian khiến tế bào dễ bị ác tính. Thịt đỏ được chế biến sẵn càng nguy hiểm.
Nếu thịt đỏ chế biến với dầu ăn, tạo ra các phản ứng sinh ra Acrylamide, một hoá chất có thể gây ung thư.
4. Ăn uống đa dạng
Ăn uống thiếu đa dạng là một sai lầm. Nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để có nhiều chất kháng ung thư khác nhau trong đó ăn nhiều rau, trái cây, củ, hạt đậu, gạo lứt, mè, ngũ cốc... và ăn thức ăn từ nhiều nền văn hoá khác như Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Lan, Ấn Độ... để tế bào ung thư ít có khả năng phát triển.
5. Giảm chiên xào, áp chảo
Thức ăn chế biến nhiệt độ cao với dầu tăng rủi ro ung thư (nghiên cứu từ Nhật Bản và Hàn Quốc về ung thư dạ dày và tiêu hoá).
Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 nước có tỉ lệ ung thư dạ dày rất cao do ăn nhiều thịt chiên, xào.
6. Ăn cho ngon, không ăn cho no
Ăn vừa đủ sẽ giúp hệ tiêu hoá, dạ dày khoẻ mạnh.
Ngoài ra BS Tran lưu ý cần phải chăm sóc bữa ăn tinh thần như nghe nhạc, đi chùa, xem phim... thậm chí đi ngắm cảnh để nghe tiếng nước chảy, chim hót. Người Việt ít để ý đến việc này.
Hiện nay có một số bệnh nhân ung thư dùng thêm thực phẩm chức năng, tuy nhiên BS Tran lưu ý, người bệnh cần tham khảo kĩ ý kiến của bác sĩ do thực phẩm chức năng cũng có một số tác dụng phụ, như fucoidan thường gây xuất huyết.
Và cuối cùng, để ngừa và điều trị ung thư hiệu quả, mọi bác sĩ đều nhấn mạnh đến việc tầm soát, dò tìm ung thư trước khi có triệu chứng như người trên 50 tuổi khuyên nội soi đại tràng, nữ trên 40 tuổi chụp nhũ ảnh hàng năm.
Hiện nay cũng bắt đầu có công nghệ phân tích gene để phát hiện những tế bào có nguy cơ phát triển thành tế bào ác tính để có thể can thiệp sớm.
Thúy Hạnh (theo Vietnamnet)
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.