Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Hồ: “6x, 7x làm cho gia đình, 8x làm cho mình, 9x làm cho thiên hạ”
Chúng tôi đã có cơ hội ngồi lại cùng Phoenix Hồ, nghe chị kể về những trải nghiệm đã qua, tìm hiểu nguyên do và hy vọng gợi mở những giải pháp cho câu chuyện tìm nghề của bạn trẻ Việt.
Trong 9 năm chị làm việc tại RMIT, sinh viên tìm đến chị với những vấn đề chủ yếu nào?
Tôi về RMIT từ năm 2009, công việc của tôi là hỗ trợ các bạn trong tìm ra ngành họ phù hợp cũng như công việc thích hợp sau khi rời trường.
Thì khi sinh viên đến, câu hỏi của họ luôn luôn là: "Em học sai ngành rồi, em phải làm sao?", "Em đổi ngành được không?", hoặc, "Em nên học ngành nào?" Đặc biệt, trong những năm đầu tôi về trường, băn khoăn lớn nhất của sinh viên trong chọn ngành liên quan đến sự ngăn cản của ba mẹ.
Các bạn hỏi: "Ba mẹ đâu biết tiếng Anh, giờ em nói dối rồi em học đại có được không? Em nên thuyết phục ba mẹ, hay là em nghe theo?" Trong những năm từ 2009 đến 2011, mâu thuẫn gia đình rất lớn, cả Hà Nội và Sài Gòn đều như vậy.
Nhưng những năm gần đây, cha mẹ bắt đầu cho con tự do quyết định. Vấn đề lớn nhất của các bạn trong giai đoạn này là: "Chưa biết mình muốn gì". "Chưa biết mình muốn làm gì", phần lớn đằng sau lời nói đó là những lý do thật sau: "Em đã biết mình muốn gì mà không dám làm vì chắc chắn gia đình không ủng hộ", "Em có hơn một lựa chọn và lựa chọn nào em cũng thích, em chưa biết chọn cái nào và bỏ cái nào", "Có vẻ như em hợp lĩnh vực này mà em lại sợ em không giỏi bằng người khác, lỡ như em theo đuổi rồi thất bại thì phải ra sao?"
Cảm xúc của sinh viên khi tìm đến chị như thế nào?
Ca nào cũng tội. Hầu như không có ca nào là không khóc cả, ít ca không có nước mắt lắm. Cả phòng hay chọc tôi rằng phòng của tôi là cái góc đầy nước mắt.
Tôi có nhớ một ca rất thương, ca này tôi gặp trong những năm đầu ở RMIT. Em sinh viên ấy giỏi vẽ mà phải học kinh doanh chỉ vì gia đình em "sợ" ngành vẽ. Để học ngành kinh doanh thì em ấy phải vẽ 5, 6 tiếng/ngày để có động lực học môn tài chính. Em phải trốn vào toilet để vẽ, dùng những giờ gia đình không thấy để vẽ. Em ấy học rất được nhưng khổ tâm và trầy trật ghê lắm.
Những câu chuyện như thế rất nhiều, các em khổ tâm vì không thể nói với cha mẹ, và tôi thường chỉ có thể đồng hành cùng các em để cùng nhìn xem có lựa chọn nào để nỗi đau có thể giảm bớt.
Với những ca "chưa biết mình thích gì", khi không có mâu thuẫn gia đình, lý do khiến sinh viên bị áp lực tâm lý là gì?
Với những ca chưa biết mình thích gì gần đây, khi không có mâu thuẫn gia đình, có vẻ như điều khiến các em áp lực nhất đến từ việc họ sợ họ sẽ chọn sai, sẽ không thích ngành họ chọn, sẽ không thích nghề họ làm, sẽ chán và sau đó sẽ thất bại.
Tôi nghĩ những bài viết, bài nói trên mạng xã hội trong những năm gần đây tạo cho giới trẻ áp lực rằng nếu họ không được "vui" trong việc học, việc làm thì đó là dấu hiệu của sự thất bại trong phát triển nghề nghiệp. Áp lực phải tìm ngành học, một công việc "đúng đắn" sẽ làm mình "vui" là một áp lực rất lớn vì thật ra khi chưa thử ta chẳng bao giờ biết kết quả sẽ như thế nào.
Có khi nào sinh viên thể hiện sự tuyệt vọng trước mặt chị?
Có chứ. Có nhiều ca phải chuyển qua bên tư vấn tâm lý lắm. Tôi nhớ một ca mà mỗi lần em sinh viên gặp tôi là một lần khóc. Chúng tôi phải gọi gia đình em để cho em được chuyển ngành, vì nếu em cứ tiếp tục học thì cơ hội tự làm hại mình sẽ rất cao. Sau đó, được đổi ngành rồi, em cũng rất khổ sở vì sợ rủi không học được ngành vừa chuyển qua. Và cho đến em ra trường và đi làm rồi, nỗi sợ đó vẫn còn ám ảnh ghê gớm lắm...
Thú thực, dù nghe chị kể sinh viên RMIT khổ thế nào, tôi vẫn thấy họ rất may mắn vì có người hỗ trợ. Rất nhiều sinh viên Việt Nam không nhận được dịch vụ tư vấn hướng nghiệp trong trường đại học...
Thật ra không phải sinh viên nào ở RMIT cần hướng nghiệp cũng đến với chúng tôi để được hỗ trợ. Rất nhiều em nghĩ thôi để ra trường rồi tính. Ngành giáo dục và tư vấn hướng nghiệp ở quốc gia nào cũng vậy, nhiều người khi nhìn lại quá khứ mới tiếc mình đã không sử dụng nó.
Còn đúng ra, trong tất cả các trường đại học phải có phòng hướng nghiệp. Phòng hướng nghiệp đó sẽ giúp cho tất cả các người sinh viên không ở trong thế "mắc kẹt". Sinh viên Việt Nam hiện nay chưa có dịch vụ ấy ở tất cả các trường, nhưng tôi biết một số trường đại học đang cố gắng rất nhiều để lập đội ngũ hướng nghiệp nhằm giúp sinh viên mình. Tôi nghĩ chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa và cần sự hỗ trợ từ đội ngũ lãnh đạo trường.
Còn về giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, tôi hy vọng thông tư 32 mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thay đổi giáo dục hướng nghiệp trong trường. Hy vọng tất cả các trường sẽ nghiêm túc trong việc thực hiện công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp, giúp cho các em hiểu mình, hiểu nghề sớm hơn và bức tranh giáo dục hướng nghiệp sẽ dần một sáng hơn trong những năm sắp đến.
Ngoài không được trợ giúp nhiều từ hệ thống giáo dục, có nguyên nhân nào khác khiến người trẻ mông lung trong lựa chọn nghề nghiệp?
Một nguyên nhân khác là do thị trường lao động và thế giới nghề nghiệp thay đổi nhanh quá. Tôi gọi là thế giới hỗn loạn - không ai biết được sắp tới sẽ đi về đâu. Nhóm hỗ trợ các em là cha mẹ và giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12, họ không hiểu sự thay đổi trong thị trường này kịp.
Đến bây giờ, nhiều bậc cha mẹ vẫn nghĩ các ngành sau đây là quan trọng: Y, dược, ngân hàng... Nhưng trong thị trường lao động bây giờ chẳng hạn, ngành quảng cáo và marketing mới là ngành đang hot và đang cần nhiều lao động. Và làm các ngành đó thì chưa chắc đã nghèo hơn hay khó tìm việc hơn y, hơn dược. Nhưng cha mẹ không biết, cứ nghe đến ngành truyền thông, marketing là "sợ" rồi.
Nhưng cũng có lời phàn nàn rằng người trẻ ngày nay khó chịu, đòi hỏi cao, khó hài lòng với những lựa chọn ngành nghề, công việc?
Ngoài nguyên nhân từ nền giáo dục, từ gia đình, cũng phải kể đến nguyên nhân của thế hệ.
Như ba mẹ bạn là 6x, họ lớn lên trong chiến tranh và đặc tính rõ nhất của họ là tính vượt khó. Đối với họ, một công việc ổn định là tốt nhất và họ không muốn mất việc. Dù họ không cần biết công việc đó họ có thích hay không, họ cứ cố gắng 100%, 200%, 300% để hoàn thành. Thế hệ của ba mẹ bạn là thế hệ không bao giờ bỏ cuộc.
Thế hệ 7x trưởng thành trong những năm 90, bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh và nhìn ra thế giới nhiều hơn, họ cởi mở hơn một chút nhưng vẫn sống bằng tinh thần trách nhiệm. Đến thế hệ 8x, họ dễ bỏ công việc và công ty hơn hai thế hệ trước nhưng vẫn rất trách nhiệm và rất lỳ đòn. Đặc biệt, theo quan sát của tôi, thế hệ 8x rất coi trọng sự thành công trong sự nghiệp. 8x là nhóm đòi hỏi phải có bằng cấp, đi làm là lương phải cao, phải có vị trí tốt trong công ty.
Đến thế hệ 9x thì, bạn thấy đấy, họ "bay trên trời". 9x được sinh ra bởi 7x - thế hệ ổn hơn về tài chính - nên họ đầu tư cho con cái rất nhiều. Kiểu như, "Con muốn làm gì thì làm, ba mẹ luôn đằng sau lưng con". Điều đó truyền cho 9x thông điệp: "Con chỉ làm điều con thích".
Thế hệ 9x là thế hệ lý tưởng, rất "phi thực tiễn" và rất đáng yêu theo cách riêng của họ. Họ có thể không làm vì tiền mà họ làm vì lý tưởng, vì cộng đồng, vì thế giới, vì những điều rất đẹp và... ra ngoài gia đình. Đẹp lắm bạn ạ. 6x, 7x làm cho gia đình, 8x làm cho mình, 9x làm cho thiên hạ. Nhưng 9x cũng dễ bị thất vọng, tuyệt vọng, sốc. Cha mẹ hoàn toàn không hiểu tại sao một điều rất nhỏ cũng có thể khiến con mình "gục ngã" rất dễ dàng.
Điều này dẫn đến mâu thuẫn trong lựa chọn công việc của 9x, bởi ngay từ giá trị tìm việc của hai thế hệ đã hoàn toàn khác biệt?
Đúng, mâu thuẫn rất lớn. Nhưng hai thế hệ phải hiểu nhau, bởi không hiểu nhau làm sao cùng nhau ra quyết định? Tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện hướng nghiệp thành công có sự tham gia đồng hành của cha mẹ. Đó là lý do vì sao khi làm hướng nghiệp, tôi luôn chú tâm vào đối tượng cha mẹ của học sinh, sinh viên.
Từ phía sinh viên, người trẻ, họ cần phải làm gì để tự tìm lối đi cho mình?
Không thể nói rằng tất cả, nhưng tôi thấy nhiều sinh viên Việt Nam rất thụ động. Họ ít khi tự tìm hiểu thông tin lắm, gặp vấn đề gì thì cũng kẹt đó, rồi lên Facebook than với bạn bè chứ ít khi đi tìm những cái nguồn tài liệu và tài nguyên. Chứ nếu các bạn chủ động đi tìm thì sẽ ra câu trả lời cho vấn đề của mình. Tôi nghĩ nếu các bạn trẻ đổi cách suy nghĩ đi, trở thành chủ động trong giải quyết vấn đề của mình, ít lướt web hơn mà ra ngoài trải nghiệm, ít đòi hỏi từ môi trường và hệ thống thay đổi mà tự thay đổi chính mình thì mọi chuyện sẽ ổn. Và điều này đang xảy ra với rất nhiều bạn trẻ tôi được gặp.
Có một lộ trình cơ bản nào để một người tìm ra công việc như mong muốn không? Khi sinh viên tìm đến, chị chỉ dẫn họ như thế nào?
Có mô hình lập kế hoạch nghề nghiệp gồm 3 câu hỏi chính: Tôi là ai? Tôi đang đi về đâu? Làm sao tôi đến được nơi ấy? Hướng nghiệp xoay quanh 3 câu hỏi đó. Khi sinh viên tìm đến tôi, tôi phải xác định xem các bạn đang ở phần câu hỏi nào. Khi xác định được phần đó rồi thì tôi mới trợ giúp tuỳ theo.
Ví dụ, nếu một bạn chưa biết về bản thân thì tôi sẽ giúp cho các bạn hiểu về bản thân. Có những tài nguyên, công cụ để các bạn tự tìm hiểu: Như trắc nghiệm Holland (được xây dựng dựa trên nền tảng của lý thuyết cho rằng có 6 nhóm đặc tính nghề nghiệp của cá nhân tương ứng với 6 nhóm ngành nghề chính trong xã hội: Kỹ thuật, nghiên cứu, nghệ thuật, xã hội, quản lý, nghiệp vụ), lý thuyết "cây nghề nghiệp"...
Nếu bạn ấy đã hiểu rất rõ về bản thân mình, về điểm mạnh điểm yếu, hiểu rằng bạn thuộc nhóm nào và có các đặc tính nghề ra sao, bước tiếp theo là tìm hiểu về thế giới các ngành nghề, từ đó tìm cách "nối" giữa mình và thế giới đó.
Và tương tự, tôi cung cấp các bạn những công cụ để các bạn tự tìm hiểu (chẳng hạn, các trang thông tin về các ngành đào tạo, trường đào tạo và thị trường lao động...), chứ người tư vấn hướng nghiệp không đưa cho các bạn câu trả lời.
Sau đó, các bạn phải lên kế hoạch, trả lời cho câu hỏi "Làm sao tôi đến được nơi đó?". Đó là bước kế tiếp rất khó, lúc này các bạn cần rất nhiều hoạt động trải nghiệm. Những hoạt động trải nghiệm còn giúp cho sinh viên hiểu thêm về mình, xây thêm kỹ năng để chuẩn bị cho công việc tương lai, và xây dựng một mạng lưới chuyên nghiệp bao gồm những người biết đến khả năng, thái độ làm việc của mình.
Khi một sinh viên phát hiện mình không thích ngành đang học, Phoenix hỗ trợ các bạn xử lý như thế nào?
Tôi sẽ cùng các bạn nhìn xem bạn có những lựa chọn nào. Ví dụ, nếu các bạn đang chọn ngành hoàn toàn sai, tôi gọi là ngành "chống chỉ định" - như một em không thích nổi toán mà lại đi chọn ngành tài chính, kế toán - thì lời khuyên của tôi là các bạn phải ngưng lại. Sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức, và mất đi sự tự tin nhiều lắm.
Nhưng nếu đó không phải là một ngành đúng 100% nhưng là một ngành bạn có thể học, thường thì tôi sẽ cùng các bạn ấy nhìn lại những điểm tốt và không tốt của từng quyết định. Ví dụ, nếu ngành hiện tại bạn ấy vẫn đang học được và chưa chắc ngành bạn muốn chuyển qua sẽ đúng như ý, một trong những lựa chọn bạn có thể đưa ra là tiếp tục học để ra trường có bằng, rồi trong thời gian rảnh tìm cách học, trải nghiệm xem bạn thật sự thích gì.
Tức, trong tư vấn hướng nghiệp, mọi chuyện không phải là trắng hay đen, đúng hay sai. Mà người tư vấn phải giúp cho người được tư vấn nhìn ra được rằng trước mặt họ đang có những con đường, lựa chọn nào. Bằng cách cho họ thông tin, cho họ làm các bài tập, người ta sẽ có các bước để nhìn toàn cảnh bức tranh, từ đó tự ra quyết định phù hợp nhất.
Cũng phải nói thêm, trước mỗi quyết định nghề nghiệp như chuyển ngành, chuyển trường hay nhảy việc, đổi nghề sau này... các bạn cũng không nên vội vàng đưa ra các quyết định theo cảm tính mà không nghiên cứu, không tìm hiểu trước. Chẳng hạn, trong quyết định nhảy việc, các bạn không nên "nhảy" chỉ đang vì mình không thích việc cũ, mà mình phải ngồi phân tích các nguyên nhân mình không thích công việc, nếu không thì điều bạn không thích rất có thể sẽ lặp lại ở chỗ làm mới.
Hiện tại chị tư vấn cho cả sinh viên và người đi làm. Có trường hợp nào người được tư vấn vẫn mắc kẹt trong ngành, trong nghề mình không thích, làm việc không hạnh phúc không?
Có chứ. Số người thoát ra được cũng nhiều, nhưng số người mắc kẹt cũng nhiều.
Trong hướng nghiệp có một lý thuyết gọi là "lý thuyết gieo hạt". Tức, bạn không điều khiển được điều gì xảy ra với mình trong cuộc đời, trời mưa, trời nắng, động đất, hay sếp đuổi việc... Nhưng bạn hoàn toàn có 100% quyền phản ứng ngược lại với những sự kiện đó.
Bạn học sai ngành, bạn không điều khiển được điều đó. Nhưng học sai ngành rồi thì bạn làm gì? Bạn có 100% quyền quyết định phản ứng như thế nào, và cách bạn phản ứng sẽ thay đổi hoàn toàn quá trình sau đó.
Cho nên trong hướng nghiệp, nó hoàn toàn là sự chủ động và cách mình phản ứng lại những điều không tốt xảy ra trong đời. Tôi tin vào điều đó rất mạnh mẽ. Nên trong hướng nghiệp chúng tôi đánh rất mạnh vào niềm tin vào sức nội lực.
Theo Phoenix, tại mỗi thời điểm, kết quả của một quyết định nghề nghiệp đúng là?
Là sự bình an trong tâm hồn.
Hành trình chọn ngành học và nghề nghiệp là một hành trình dài đằng đẵng, với rất nhiều sự thay đổi không đoán trước được. Nói thật, rất khó tìm ngành học phù hợp 100% để ta vui hết cỡ, và cũng khó trong 5 năm đầu đi làm để tìm ra công việc phù hợp 100% để ta hạnh phúc mỗi ngày.
Tôi hay chia sẻ với các bạn trẻ rằng điều quan trọng là đừng chọn sai, sau đó, từ từ tìm ra cái đúng nhất theo từng thời điểm. Do đó, sự thay đổi theo từng giai đoạn cuộc đời là chuyện sẽ xảy ra, đừng ngại, hãy lớn lên cùng với những thay đổi ấy.
Và cá nhân tôi nhận thấy, điều quan trọng nhất trong tư vấn hướng nghiệp là giúp người được hướng nghiệp tìm ra được chọn lựa có thể cho họ nhiều bình an nhất trong tâm hồn. Vì thật ra, người cuối cùng phải sống với quyết định hướng nghiệp là bản thân họ, do đó khi họ vui vẻ, bình an với quyết định ấy thì cuộc hành trình mới tốt đẹp được.
Để rồi sau đó, khi cần thay đổi, những bước chuyển biến, sửa chữa sai lầm sẽ nhẹ nhàng hơn, và họ sẽ có được sự bình tâm, mạnh mẽ khi đứng dậy sau thất bại và tiếp tục hành trình.
Rất cảm ơn chị vì đã chia sẻ!
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.