Chủ đầu tư Sân bay Vân Đồn: Tư nhân cần cơ chế rõ ràng và ổn định
Năm 2018, Sân bay Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) được khánh thành, mở ra xu hướng tư nhân có thể đầu tư các công trình hạ tầng lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đánh giá đây là dự án sân bay xây nhanh, giá thành thấp lại có tính thẩm mỹ.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group – đơn vị đầu tư sân bay Vân Đồn, trao đổi với Zing.vn về những điều rút ra sau khi sân bay hoạt động.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group. Ảnh: V.T.
“Muốn hút vốn tư nhân cần cơ chế rõ ràng, ổn định lâu dài”– Việc tư nhân xây sân bay có gì khác so với Nhà nước làm, thưa ông? – Nếu so sánh với các dự án mà Sun Group từng triển khai, thì điều kiện thi công tại sân bay Vân Đồn chưa thấm vào đâu so với sự khắc nghiệt của địa hình, khí hậu tại những địa bàn đặc thù khác như Fansipan hay Bà Nà Hills. Tuy nhiên, là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực sân bay, chúng tôi đã vượt qua không ít khó khăn để đưa công trình về đích trong khoảng thời gian ngắn nhất. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là khâu giải phóng mặt bằng. Để đạt được sự đồng thuận của bà con xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn) là không dễ. Tuy nhiên, nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền, việc giải phóng mặt bằng đã được xử lý êm thấm, hài hòa lợi ích giữa người dân – chính quyền và doanh nghiệp. Thứ hai là việc chúng tôi tự đặt ra cho mình mục tiêu phải hoàn thành một sân bay đẳng cấp, hiện đại, chất lượng 5 sao trong thời gian nhanh nhất. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi phải đối mặt với vô vàn áp lực. Tuy nhiên, nhờ hợp tác với những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp hàng đầu thế giới như NACO, cùng đội ngũ nhà thầu năng lực tốt, nên sân bay Vân Đồn đã đảm bảo được đầy đủ các tiêu chí cao nhất về chất lượng, công nghệ, thẩm mỹ và tiến độ thi công. Tất cả được hoàn thiện nhanh chóng sau hơn 2 năm. Chúng tôi cho rằng việc tư nhân hay Nhà nước đầu tư sân bay đều cùng hướng tới mục tiêu là xây dựng một sân bay đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe trong lĩnh vực hàng không, đảm bảo công suất phục vụ hành khách cũng như công suất vận chuyển hàng hóa trong dài hạn. Điểm khác biệt giữa hai hình thức đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân chỉ là chúng tôi có sự chủ động cao hơn, linh hoạt hơn về dòng vốn, ý tưởng thiết kế, các phương án thi công… nhằm đẩy nhanh tiến độ, giảm thiểu rủi ro phải kéo dài thời gian triển khai dự án, khiến tổng mức đầu tư tăng lên.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng sân bay Vân Đồn, chúng tôi chủ động tìm kiếm đối tác thiết kế, tư vấn, cung cấp trang thiết bị uy tín, và quyết liệt để lựa chọn những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới đưa về lắp đặt tại Việt Nam. Cũng chính vì vậy, sân bay Vân Đồn được có những công nghệ lần đầu tiên được sử dụng ở một sân bay Việt Nam. – Để tư nhân tăng cường tham gia vào làm sân bay, bến cảng, tàu điện, đường cao tốc… thì Chính phủ cần cởi bỏ những rào cản gì? – Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giai đoạn 2016 – 2020 cần khoảng 952.731 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước mới chỉ cân đối, bố trí được khoảng 210.700 tỉ đồng (hơn 20%) còn lại dự kiến sẽ huy động nguồn vốn ngoài ngân sách. Đầu năm nay, trong bài viết đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh thông điệp năm 2019 đó là sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, chúng tôi cho rằng để thu hút dòng vốn tư nhân đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông thì điều quan trọng nhất là cần xây dựng cơ chế, chính sách rõ ràng, mang tính ổn định lâu dài. Hiện nay chủ trương xã hội hóa, khơi thông nguồn vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông đã có, tuy nhiên cần sớm có một hành lang pháp lý chặt chẽ để các nhà đầu tư yên tâm trong chiến lược phát triển hạ tầng dài hạn. Sân bay Vân Đồn có cạnh tranh được với Cát Bi?– Ông đánh giá thế nào khi so sánh lợi thế cạnh tranh của sân bay Vân Đồn với sân bay Cát Bi (Hải Phòng)? Bởi theo nhiều người đánh giá 2 sân bay quá gần nhau, trong khi Cát Bi gần với nhiều thành phố lớn hơn Vân Đồn?
– Sân bay Vân Đồn là “cửa ngõ” kết nối Quảng Ninh với các địa phương trong nước và với quốc tế, từ đó mở rộng các không gian kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đây cũng chính là động lực cho sự phát triển của tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh cũng như cả vùng Đông Bắc. Bên cạnh đó, sân bay Vân Đồn còn mang tính động lực, thu hút các nguồn vốn khác đầu tư. Với vai trò này, sân bay Vân Đồn đã sở hữu những lợi thế cạnh tranh vượt trội. Hơn nữa, mỗi sân bay đều có những sứ mệnh riêng, vừa góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại cho vùng, cho địa phương, vừa tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho hành khách khi tham gia loại hình vận tải bằng đường hàng không. – Khi đường cao tốc đến Hạ Long từ Hà Nội, sắp tới là Móng Cái rất thuận lợi, thì đây có phải là một thách thức lớn cho sân bay, bởi đường bộ rẻ hơn, thuận tiện hơn? – Sân bay, cao tốc, cảng biển hoàn thiện, thì Quảng Ninh sẽ càng mở rộng cánh cửa kết nối, giao thương, thu hút khách du lịch, tạo thuận lợi cho hành khách trong quá trình di chuyển bằng cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Chẳng hạn, khi khách du lịch bay đến sân bay Vân Đồn, họ sẽ dễ dàng, thuận tiện khi di chuyển đến các địa điểm du lịch khác nhau của tỉnh Quảng Ninh như Hạ Long, Móng Cái, Cô Tô… Do đó, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ tạo động lực lớn cho ngành du lịch cũng như các ngành kinh tế – xã hội khác của Quảng Ninh phát triển.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mới bắt đầu đưa vào khai thác thương mại, do đó sẽ còn cần thêm thời gian để mở rộng thị trường bay, khai thác thêm nhiều chuyến bay thương mại nội địa và quốc tế. Chúng tôi đang nỗ lực triển khai các bước tiếp theo để đảm bảo vận hành khai thác sân bay Vân Đồn đạt hiệu quả cao nhất. – Sau sân bay Vân Đồn, Sun Group có tham gia dự án giao thông nào nữa không? – Cho đến nay, chúng tôi chưa có kế hoạch tham gia vào dự án giao thông nào mới. Chúng tôi đang tập trung vào khâu khai thác, vận hành sân bay Vân Đồn. Tuy nhiên, là nhà đầu tư chọn du lịch là lĩnh vực đầu tư phát triển chủ lực, nên Sun Group hiểu rằng hạ tầng giao thông cần đi trước một bước để tạo đà cho du lịch bứt phá. Với trách nhiệm của một doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng chung tay, góp sức cho sự phát triển chung của đất nước. Theo Zing.vn |
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.