Bao giờ doanh nghiệp nói "không" với bao nylon
Đại loại lúc mới khởi nghiệp với một cửa hàng bé xíu, mỗi tháng chị dùng 10 ký túi nylon. Khi có kha khá khách hàng, lượng bao dùng mỗi ngày lên đến 3 ký. Chị cảm thấy lo lắng cho môi trường quá, mới chuyển qua dùng lá chuối, dây cói. Hàng chuyển đi xa phải dùng thùng xốp thì nói khách hàng gửi trả thùng, bao giấy để tái sử dụng.
Nghe thấy thương và lại nghĩ có bao nhiêu người nghĩ và làm như chị, có bao nhiêu cửa hàng rau, bao nhiêu ngôi chợ truyền thống đang ngày ngày tiêu thụ và xả ra môi trường chục tấn, trăm tấn nylon không thể nhanh chóng phân hủy trong đất.
Một lần nghe nhà văn Đoàn Minh Phượng hỏi: "Mọi người ơi, tại sao uống trà sữa, nước trái cây cứ phải dùng ống hút. Nghĩ sao mà mọi người ủng hộ quán trà sữa xài ly nhựa dùng một lần rồi thải vào môi trường?".
Không ít điều vô lý như thế cứ diễn ra trong cuộc sống, mỗi ngày chúng ta đang góp phần hủy hoại môi trường với ly nhựa, ống hút, như không thể làm khác.
Về phần các doanh nghiệp lớn, mới chỉ hai siêu thị Big C và Vinmart sử dụng bao nylon sinh học gói rau củ và thực phẩm tươi sống, nhưng lượng bao nylon khó phân hủy họ dùng cũng còn nhiều. Tuy thế, đây cũng là cách doanh nghiệp tiên phong chung tay bảo vệ môi trường, bởi hai thương hiệu này có hàng chục nghìn lượt khách hàng mỗi ngày.
Cách đây nhiều năm, đi siêu thị Metro, tôi từng hụt hẫng khi nghe cô thu ngân thông báo sẽ không cung cấp bao nylon cho khách đựng hàng mang về. Rất nhiều bất tiện nảy sinh khi không có bao nylon để dùng, nhưng ngẫm lại coi như mỗi người đã góp phần bảo vệ môi trường.
Còn hàng nghìn doanh nghiệp khác thì sao? Biết rằng không phải nhận thức về môi trường của các doanh nhân kém cỏi, nhưng hầu hết đều đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
Chi phí cho bao bì bằng nylon ít tốn kém nhất thì lợi nhuận cũng nhiều nhất, ít người nghĩ đến "sức khỏe" của môi trường và cộng đồng nếu không bị các quy định pháp luật ràng buộc. Công cuộc bài trừ bao nylon cũng đang được tiến hành ở vài ngôi chợ truyền thống, nhưng có lẽ nên bắt đầu với các doanh nghiệp thì sẽ hiệu quả hơn.
Chính quyền cũng không thể không tham gia cuộc chiến giảm thiểu bao nylon. Có lẽ sau 6 năm khởi động chương trình Cù lao Chàm (Quảng Nam) nói "không" với bao nylon, đã có hàng chục nghìn du khách được nhận bài học giáo dục này và thực hành khi đến đây tham quan, du lịch. Nhưng Cù lao Chàm vẫn cô đơn trong phong trào này, và không có thêm thị trấn, bãi biển hay thành phố nào nối theo nói "không" với bao nylon.
Giờ đây, các quán cà phê "take away" (mang đi) ở thành phố đang nở rộ và... chết yểu. Không ai hiểu được một trong những lý do chính là đặc điểm tôn trọng môi trường của một ly cà phê "take away" là luôn dùng ly giấy chứ không dùng ly nhựa. Và trong một ly cà phê "take away", giá của chiếc ly giấy đắt gấp đôi giá cà phê nguyên liệu, đẩy giá thành một ly cà phê cỡ trung lên đến gần 70 ngàn đồng.
Giới trẻ rất thích theo đuổi những gì thời thượng. Một ly cà phê "take away" là biểu tượng của giới văn phòng thành đạt và bận rộn, của du khách nước ngoài. Thế nhưng vẻ đẹp đó còn gói theo quy tắc thân thiện, không xả thải độc hại vào môi trường, là vẻ đẹp đắt giá không được biết đến. Đó cũng là điều đáng tiếc. Và có bao nhiêu bạn trẻ biết rằng mỗi ngày vào quán uống trà sữa, thứ nước lóng lánh đựng trong ly nhựa kèm ống hút kia, sẽ làm cho ngôi nhà trái đất bớt sắc màu đi trong tương lai?
HỒNG BÍCH
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.