Á quân Tình Bolero 2019 Lily Chen: Cha ruột bỏ rơi, nhà nội bảo "đem vô rừng cho chó ăn"
Ly nước trái cây Lily Chen gọi, đá đã tan hết mà cô vẫn chưa uống được ngụm nào. Những câu hỏi của tôi như dòng thác lũ cuốn Á quân 1 Tình Bolero 2019 trôi về quá khứ mang theo những giọt nước mắt đắng cay về một tuổi thơ đầy bi kịch.
Câu chuyện thỉnh thoảng bị đứt quãng bởi cảm xúc, bởi nước mắt, bởi cái nghẹn ngào vì xúc động của Lily Chen nhưng vẫn đủ để tôi xâu chuỗi được tấn bi kịch của cô gái mới 24 tuổi đời mà trải qua giông bão tưởng như 60 năm.
Cha ruột bỏ rơi, nhà nội không thừa nhận
Tôi nghe được đâu đó, người ta nói Lily Chen có một tuổi thơ hết sức bi kịch: cha ruột bỏ rơi, nhà nội không thừa nhận, mẹ lại mất sớm, cô bé 11 tuổi phải bươn chải để tự lo miếng cơm manh áo. Lily Chen có còn nhớ về những năm tháng ấy?
Nhà nội không chấp nhận cho ba mẹ ở với nhau nhưng lúc đó mẹ trót có bầu nên phải ở cái chòi rách nát ngoài ruộng chứ không được vô nhà. Khi mẹ sinh em ra, nội giành đem về rồi đuổi mẹ đi. Giành em về nhưng nội bảo đem em vô rừng cho chó ăn.
Mọi người để em nằm trong cái võng trước nhà, không ai ngó, đi tới chiều mới về. Mẹ em đi rình bắt em về nuôi, bị ba đánh. Ba lấy lại đôi bông tai ngày xưa cho mẹ rồi để mẹ bồng em đi. Lúc đó, em mới được 1 tháng rưỡi. Và từ đó, nhà nội không đoái hoài gì nữa.
Bởi thế trong giấy khai sinh, em không có ba. Em mang họ Trần của mẹ. Mẹ đưa em về ở với bà ngoại để mẹ đi làm. 3 năm trước khi mẹ mất, mẹ mới về ở nhiều với em.
Lily Chen (áo đỏ) nhận giải Á quân 1 trong đêm Gala trao giải Tình Bolero 2019.
9 tuổi em đi làm mướn cho người ta phụ ngoại kiếm tiền. Em bẻ lá thuốc, đi hát ớt, mót lá thuốc rơi vãi đem bán, tuy giá rẻ nhưng mình vẫn có tiền.
Em còn đi lượm ve chai nữa. Đồ người ta quăng đi, em tới lượm nhưng họ không cho mà còn đánh. Bị đánh mấy lần nên em không đi lượm ve chai nữa.
Sau em với ngoại ra chợ phụ cô Tư bán bánh bèo. Cô Tư trả hai bà cháu mỗi ngày 30.000 đồng. Làm từ 3h sáng tới 7h sáng, em về đi học. Ngày nào cũng thế. Chiều học về lại đi hái ớt, bẻ lá thuốc, người ta tính tiếng hoặc cân ký trả tiền.
Mẹ em cũng đi làm những công việc như vậy vì hồi đó dưới quê chưa có nhà máy xí nghiệp.
Năm em 11 tuổi thì mẹ mất vì bệnh suy thận mãn. Mẹ mắc bệnh lâu rồi mà không biết. Nhà nghèo nên không có tiền đi khám. Tới lúc người phù nề, mẹ mới xuống bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra thì thận đã bị nát hết, không lọc máu được vì dịch tràn ra cơ thể. Bác sĩ bảo, chỉ chờ chết thôi.
Đó là khoảng thời gian kinh khủng đối với em. Em bị ám ảnh bởi bình oxi, tiếng xe cấp cứu. Thận và nội tạng của mẹ bị hỏng hết. Mẹ em không ăn không uống gì được, truyền thuốc cũng bị sốc nên phải truyền máu nóng, nghĩa là hút đầu này và truyền ngay sang đầu kia nhưng cũng không cứu vãn được.
Mẹ em nằm viện 8 tháng, nhà không còn một đồng. Ngoại em đưa mẹ về nhà. Các cô, cậu thay phiên nhau canh mẹ. Nằm nhà hơn 2 tháng thì mẹ mất.
Trong suốt cuộc thi Tình Bolero, bài hát nào Lily Chen hát cũng đong đầy cảm xúc và khiến cô rớt nước mắt. Bởi đó đều là những cảm xúc, tâm tư mà cô gái sinh năm 1995 trải qua.
Sống nhờ đồ từ thiện, trầm cảm vì bị bạn bè xa lánh, cô lập
Sau khi mẹ mất, Lily Chen sống thế nào?
Em bị chấn động khủng khiếp về sự ra đi của mẹ, dù lúc đó em mới 11 tuổi. Người ở dưới quê họ không hiểu, họ cứ nghĩ mẹ em bị cái gì đó chết rồi truyền lại cho em nên ai cũng xa lánh. Không ai chơi với em hết. Em bị cô lập nên rất ít khi nói chuyện với người khác. Em trầm cảm và rất dễ khóc.
Từ khi mẹ mất, hàng tháng em được trợ cấp 400.000 đồng tiền trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Em đi học gần như không tốn tiền vì quần áo thì nhận từ các đoàn từ thiện.
Đường học của em gian nan lắm. Em nghỉ liên tục vì cứ nghĩ, mình học để làm gì khi nhà nghèo thế. Ngày xưa, nhà ngoại đắp bồ che lại, mưa gió tạt vô không có chỗ để ngủ.
Cứ 23 Tết, lại có đoàn từ thiện ở núi Bà Đen xuống cho nhà em gạo, chăn mền. Cái chăn ấy vá víu bằng rất nhiều miếng vải mà em sử dụng 6,7 năm liền. Đến đôi dép, hai bà cháu cũng phải mang chung. Em đi học thì mang, về lại trả cho ngoại đi.
Hồi nhỏ, em mê hát lắm nhưng muốn đi thi hát, gia đình cũng phải có điều kiện lo cho ăn uống, sắm đồ cho con đi thi. Em không có những thứ đó. Mỗi lần em đi thi hát là cô Sinh Phó đài truyền thanh huyện Bến Cầu phải đi xin đồ người khác cho em.
Năm em 14 tuổi, bà ngoại bảo đừng đi thi nữa, con ở nhà lo đi học, đi kiếm tiền phụ ngoại chứ hát hò có được gì đâu. Và từ năm 14 tuổi, em quên luôn là mình từng mê hát.
Năm lớp 9, em bỏ học nhưng cô Nhung ép em vô trường để làm hồ sơ chuyển cấp. Cô bảo, con cứ làm hồ sơ đi, sau này, nếu con suy nghĩ lại hoặc có điều kiện muốn đi học lại thì còn học tiếp được. Em làm hồ sơ chuyển cấp dù làm xong, em nghỉ đi làm ở xí nghiệp bánh tráng Trảng Bàng.
Lily Chen chụp ảnh kỷ niệm cùng bà ngoại, dì và con trai của dì sau khi nhận giải Á quân 1 Tình Bolero 2019.
Vì không đủ tuổi lao động nên em lấy chứng minh nhân dân của dì, dán hình mình vô rồi ép lại xin đi làm. Tức là mình chấp nhận phạm pháp để đi làm, để có tiền. Nhưng vì nghèo đói, không có ăn nên người em ốm nhom. Em không đủ sức khỏe đi làm nên cứ 2 tuần là sốt 1 lần.
Năm em 16 tuổi, công việc của dì Bảy thuận lợi, trả được hết nợ nần do ông ngoại để lại và lo được cho em nên em quay lại học tiếp. Học hết cấp 3, em thi đậu đại học nhưng vì tiền học phí quá nhiều, em không lo nổi nên đành chuyển xuống hệ Cao đẳng trường Nguyễn Tất Thành.
Sáng em đi học, tối đi làm PG. Trường em học rất khó ra trường, học phí lại cao nên em bỏ ngang. Vì hôm nào cũng 2,3h sáng em mới đi làm về, 6h sáng lại dậy đi học nên tới lớp em chỉ có gục xuống bàn ngủ thôi.
Chưa từng có 1 ngày thật sự hạnh phúc...
Trong suốt chặng đường đã qua, Lily Chen đã bao giờ có giây phút thật sự hạnh phúc?
Em chưa từng có một ngày hạnh phúc hay vui vẻ thật sự. Tất cả những gì em làm, em cố gắng cho tới ngày hôm nay đều là vì muốn bù đắp cho bà ngoại. Ngoại đã hy sinh cho em quá nhiều.
Giờ ngoại em già rồi, uống thuốc mỗi ngày nên em càng phải cố gắng để lo cho ngoại. Ngoại đang ở cùng với cậu và con của cậu ở quê. Cậu em bệnh nặng, sinh mạng tính từng ngày. Vợ cậu đi lấy chồng khác, bỏ con lại. Hàng tháng em vẫn gửi tiền về lo cho nó, giống như ngày xưa ngoại và dì lo cho em.
Đối với Lily Chen, bà ngoại là tất cả những gì cô có. Bông hoa Ly nhà họ Trần nói, tất cả những gì cô làm cho tới thời điểm này đều vì muốn bù đắp cho bà ngoại và trả ơn những người trong gia đình đã cưu mang hai mẹ con cô.
Con của dì ở trên này ở với em, em cũng lo cho nó mọi thứ. Mấy tháng nay, em rất đau đầu vì cậu bệnh, cần rất nhiều tiền thuốc. Tiền tiết kiệm bao nhiêu năm nay của em đã hết, giờ em phải tích cóp lại từ đầu.
Hồi năm 2013, 2014, em kiếm được nhiều tiền lắm nhưng chưa bao giờ dám sắm cho mình bộ đồ. Mỗi lần về quê, em đều đem về cho hết người này đến người kia.theo Trithuctre
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.