8X gác 2 bằng đại học về quê làm bánh đa nem, thu tiền tỷ mỗi năm-THANH HÓA
Quyết định táo bạo
Sinh ra trong gia đình nghèo, anh Nguyễn Huy Thảo (sinh năm 1987, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) quyết tâm thoát nghèo bằng con đường học vấn. Năm 2011, tốt nghiệp Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp nhưng anh vẫn chưa hài lòng với kiến thức đã có. Trong lúc vừa đi làm, anh tiếp tục theo học ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mở Hà Nội.
Năm 2015, với 2 tấm bằng đại học trong tay, anh Thảo quyết định rẽ ngang sang một hướng khác, đó là về quê lập nghiệp bằng nghề làm bánh đa nem.
"Khi học năm cuối Trường Đại học Mở, mình bắt đầu "thai nghén" ý tưởng sẽ khởi nghiệp bằng nghề làm bánh đa nem. Đây là nghề truyền thống ở quê ngoại mình. Tuy nhiên, những gia đình làm nghề này ở quê vẫn làm theo quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu thủ công. Lúc đó mình nghĩ, nếu mình đầu tư quy mô, sản xuất lớn thì có thể sẽ thành công", anh Thảo chia sẻ.
Nghĩ là làm, ngay từ cuối năm 2014, anh Thảo về quê ngoại học nghề, tìm đến cả các xưởng làng nghề ở Hà Tây, Hà Nam để học cách họ sử dụng máy móc.
Tự tin mở xưởng sản xuất sau 1 năm miệt mài theo học nhưng anh Thảo gặp khó khăn khi không có vốn. Cắm sổ đỏ căn nhà của bố mẹ cùng với vay anh em họ hàng, anh Thảo có trong tay 100 triệu đồng để mở xưởng sản xuất bánh đa nem với 4 lao động.
"Một chút ngông cuồng và đam mê của tuổi trẻ khiến mình có quyết định táo bạo. Nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy mọi thứ không hề dễ dàng. May mắn là hàng mình sản xuất không cần vị trí đẹp mà chỉ cần mặt bằng rộng nên tận dụng ngay căn nhà và khu vườn của gia đình", anh Thảo bộc bạch.
Tuy nhiên, ban đầu kinh nghiệm chưa nhiều, thị trường không mặn mà tiếp nhận, trong khi đó sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết khiến anh Thảo thất bại, có thời điểm tưởng chừng phải đóng cửa. Mất 6 tháng đầu, anh Thảo lao đao không tìm được hướng đi từ khâu khách hàng, vốn đến kỹ thuật.
Không đầu hàng, anh tiếp tục lao vào nghiên cứu thay đổi mẫu mã, nghiên cứu sử dụng máy sấy để không phải phụ thuộc thời tiết. Đến năm 2017, mọi thứ bắt đầu đi vào ổn định, năm 2018, anh cho tái cấu trúc vấn đề công nghệ, nhà xưởng, nhân công tăng dần lên.
Đến nay, xưởng sản xuất của anh Thảo có 18 công nhân, độ tuổi chủ yếu từ 18-40 tuổi, một số lao động gần 60 tuổi nhưng có kinh nghiệm, lành nghề anh Thảo vẫn tạo điều kiện cho làm. Thu nhập của các lao động từ 8-10 triệu đồng/tháng.
Sẽ mở rộng quy mô, tạo việc làm cho 50 lao động
Hiện nay, mỗi năm xưởng của anh Thảo tiêu thụ hơn 60 tấn gạo, thị trường xuyên suốt từ Bắc đến Nam, doanh thu ổn định hơn 2 tỷ đồng/năm. Anh Thảo cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng xưởng sản xuất và đang tuyển dụng 30 lao động.
Việc đào tạo nghề này rất phức tạp, để người thợ nắm được những công đoạn cơ bản thì mất vài tháng nhưng để lành nghề phải 1 năm.
Những lao động đầu tiên của xưởng do anh Thảo đích thân đào tạo và đến giờ vẫn gắn bó với xưởng. Sau này, anh Thảo lại sử dụng chính các lao động này để dạy nghề cho những người mới vào.
"Tất cả lao động đến với mình đều chưa biết nghề. Họ sẽ được mình dạy nghề và vẫn hưởng mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Do là sản phẩm truyền thống nhưng làm theo cách cải tiến bằng máy móc nên quá trình đào tạo nghề có chút phức tạp", anh Thảo chia sẻ.
Gắn bó hơn 4 năm với xưởng sản xuất bánh đa nem của anh Thảo, bà Nguyễn Thị Hải (60 tuổi, thôn Văn Châu, xã Đông Văn) phấn khởi nói: "Ở độ tuổi của tôi các công ty đã không còn nhận nữa, nhưng rất may được cháu Thảo tạo điều kiện cho vào làm việc. Do có tay nghề cùng với sản lượng làm mỗi ngày nên thu nhập của tôi cũng được 7-8 triệu đồng/tháng. Số tiền này không chỉ giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống mà còn có thể tích lũy một phần tiết kiệm cho tuổi già".
Đánh giá về tấm gương vượt khó, làm giàu của anh Thảo, bà Mai Thị Ngọc Ninh - Chủ tịch UBND xã Đông Văn, cho biết: "Thảo là thanh niên trẻ chưa lập gia đình nhưng có ý chí phấn đấu, đặc biệt là biết sáng tạo trong kinh doanh. Em vừa phát huy được ngành nghề truyền thống, vừa biết ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương mà còn các huyện lân cận".
"Chúng tôi rất phấn khởi khi một bộ phận lao động hết tuổi đi công ty vẫn được tuyển dụng vào xưởng sản xuất của em Thảo, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động, giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội địa phương", bà Ninh cho biết thêm.
Bình Minh
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.