Chưa đầy 2 năm, ngồi lên 3 ghế
Năm 2008, nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được phê duyệt đầu tư với số vốn lên đến gần 325 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ). Vũ Đình Duy được giao trọng trách là Tổng giám đốc từ tháng 7/2009.
Dưới thời Vũ Đình Duy, nhà máy liên tục lâm cảnh thua lỗ. Tổng số lỗ tính đến ngày 31/3/2015 đã lên tới 1.732 tỷ đồng, nhà máy 7.000 tỷ nằm chết dí nhiều năm trời. Mới đây nhà máy này hoạt động trở lại nhưng tương lai còn đầy bấp bênh.
Làm sếp ở PVTex được gần 5 năm (từ tháng 7/2009 đến 2/2014), tháng 12/2014 Vũ Đình Duy được chủ tịch UBND TP. Hải Phòng bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng.
Nhưng Vũ Đình Duy không ngồi ở chiếc ghế này quá lâu. Bởi chỉ 6 tháng sau, vào 6/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng đã bổ nhiệm Duy làm Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp.
Vị trí này Duy cũng ngồi có hơn 11 tháng. Sau đó, Vũ Đình Duy lại được Bộ trưởng Công Thương khi ấy là ông Vũ Huy Hoàng quyết định cho giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kể từ ngày 8/4/2016.
Đáng chú ý, quyết định bổ nhiệm này được ký chỉ 1 ngày trước khi ông Vũ Huy Hoàng rời ghế nóng Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chức vụ này Vũ Đình Duyđảm nhiệm từ đó cho đến khi biến mất “đi nước ngoài chữa bệnh”.
Vậy là, chỉ trong chưa đầy 2 năm, cựu “sếp” PVTex đã 3 lần được bổ nhiệm vào nhiều chiếc ghế khác nhau của 3 đơn vị là Sở Công Thương Hải Phòng, Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường công nghiệp rồi Tập đoàn Hóa chất.
Hành trình bỏ trốn ngay khi “có động”
Trong kết luận thanh tra PVTex, Thanh tra Chính phủ nhận định, quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Trong đó, ngay từ khâu đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, trong quá trình ký kết hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ đúng quy định, thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị. Cụ thể, chuyển đổi dây chuyền thiết bị kéo sợi dún từ Đức sang của Trung Quốc giá trị 11,3 triệu USD, tương đương hơn 200 tỷ,...
Hơn nữa, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí... trị giá khoảng 38,7 triệu USD, dẫn đến dự án bị đội vốn lên thành 363 triệu USD.
Chẳng hạn, việc đưa chi phí xây dựng không có cơ sở đã làm tăng tổng mức đầu tư gần 21,5 triệu USD. Tính chi phí lãi vay sai làm tăng tổng mức đầu tư thêm hơn 6,3 triệu USD. Một số chi phí khác không đúng quy định làm tăng mức đầu tư thêm gần 8 triệu USD.
Chưa hết, khi đã chọn được tổng thầu EPC cho dự án, thì việc hợp đồng thầu EPC ký bằng ngoại tệ, nhưng thanh toán bằng nội tệ đã làm PVTex thiệt hơn 46 tỷ đồng.
Do đó, cơ quan này kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Không lâu sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, Vũ Đình Duy đã không xuất hiện ở cơ quan với lý do “xin nghỉ chữa bệnh” rồi từ đó biến mất dạng.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định buộc thôi việc đối với Vũ Đình Duy do đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý đoàn đi nước ngoài. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng khai trừ Đảng với Vũ Đình Duy.
Hơn 7 tháng sau khi Vũ Đình Duy “đi chữa bệnh ở nước ngoài”, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 165 bộ luật Hình sự) xảy ra tại công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) và các đơn vị liên quan.
Các cựu sếp PVTex bị khởi tố, bắt tạm giam gồm có cựu Chủ tịch PVTex Trần Trung Trí Hiếu, Vũ Phương Nam, cựu Kế toán trưởng PVTex. Còn Vũ Đình Duy - cựu Tổng giám đốc PVTex khi đó - cũng bị khởi tố và truy nã đặc biệt.
Hà Duy
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM